Kết quả chụp CT ở Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho thấy bệnh nhân giãn phế quản, có dị vật và viêm thùy dưới phổi phải. Kết quả nội soi ghi nhận một dị vật nằm trọn lòng phế quản phân thùy dưới phổi phải, bị che lấp bằng giả mạc và niêm mạc phù nề.
Các bác sĩ dùng kềm lấy dị vật nhưng chỉ được một phần, xác định là gai của hạt sapôchê. Sau khi điều trị giảm phù nề cho bệnh nhân, ngày 23/11 kíp bác sĩ mất 150 phút nội soi phế quản lần thứ hai, dùng "thòng lọng" kéo được trọn vẹn hạt sapôchê ra ngoài.
Sau thủ thuật bệnh nhân tỉnh, hết cảm giác đau tức ngực, tiếp tục điều trị tại Khoa Nội Hô hấp.
Người nhà cho biết năm 6 tuổi bệnh nhân ăn sapôchê bị sặc, hạt trôi vào cổ họng, ho dữ dội. Sau đó, các cơn ho giảm dần nhưng không dứt hẳn, không đi khám. Sáu tháng qua, các cơn ho liên tục kéo dài, ngày càng nặng, uống thuốc không bớt nên nhập viện điều trị.
Bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn, được Quỹ Hỗ trợ Bệnh nhân nghèo và các mạnh thường quân hỗ trợ chi phí điều trị.
Bác sĩ Đặng Duy Thanh, Khoa Nội Hô hấp, cho biết đây là ca đặc biệt khó khi thực hiện nội soi phế quản do dị vật nằm ở phế quản khá lâu, mô viêm phù nề, vị trí rất sâu và nằm ngang trong lòng phế quản. Do đó khi thực hiện thủ thuật gắp dị vật dễ có nguy cơ gây rách phế quản, chảy máu ồ ạt, tràn khí trung thất, dẫn đến tử vong.
Cửu Long