Những hạt này tích tụ tại một đầu dây rốn, nơi gần với bào thai nhất của nhau thai.
Nhóm nghiên cứu Bỉ đã kiểm tra nhau thai của 20 phụ nữ sống tại những địa điểm có mức độ ô nhiễm khác nhau. Họ dùng laser xung cực ngắn giúp các hạt carbon đen phát ánh sáng trắng nhạt khi tiếp xúc, nhờ đó đo lượng hạt có trong nhau thai. Kết quả, những bà bầu thường xuyên tiếp xúc với ô nhiễm môi trường có lượng carbon đen tích tụ trong nhau thai nhiều hơn.
Hiện các nhà khoa học chưa chứng minh được có hay không các hạt carbon đen từ nhau thai bám vào bào thai, cũng như hệ lụy sức khỏe những hạt này để lại cho mẹ và bé, bác sĩ Yoel Sadovsky, tại Trung tâm Y tế Đại học Pittsburgh, chuyên gia về nhau thai tham gia nghiên cứu, cho biết. "Tuy nhiên, phát hiện này có ý nghĩa rất quan trọng", ông Yoel nói.
"Những tổn thương xảy ra trong thai kỳ có thể để lại hậu quả suốt đời cho trẻ bởi đây là giai đoạn tất cả cơ quan nội tạng đang được hình thành và phát triển", Tim Nawrot, chuyên gia sức khỏe cộng đồng và môi trường Hasselt nói. Ông đang tiến hành một thí nghiệm khác để làm rõ thêm vấn đề.
Các hạt ô nhiễm từ khí thải xe hơi, khói nhà máy và các nguồn phát thải khác gây nguy hiểm đến sức khỏe mọi người. Phụ nữ mang thai tiếp xúc với ô nhiễm môi trường có nguy cơ sinh non hoặc con sinh ra nhẹ cân.
Lê Hằng (Theo Theepochtimes)