Ông Hoàng Tùng, Giám đốc công ty Vinamacca, chuyên cung cấp giống, thu mua và chế biến xuất khẩu ở Đắk Lắk cho biết, hiện các đơn vị kinh doanh thu mua hạt mắc ca từ nông dân với giá 100.000-120.000 đồng mỗi kg, giảm 20.000-30.000 đồng so với năm ngoái.
Riêng những hạt tươi kích cỡ không đồng nhất, người trồng ở khu vực Lâm Đồng, Đắk Nông chỉ có thể bán 70.000-80.000 đồng một kg, trong khi năm trước tới 100.000 đồng. Giá thu mua ở các tỉnh phía Bắc khoảng 100.000 đồng một kg, còn tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An 60.000 đồng. Tùy thuộc vào chất lượng, trọng lượng hạt mắc ca, cung cầu mà người bán chào các mức giá khác nhau. Mỗi năm Việt Nam cung ứng khoảng 50 tấn, dự kiến lên vài trăm tấn khi các vùng nguyên liệu hoạt động ổn định.
Trong khi đó, mắc ca ngoại nhập vào Việt Nam có giá bán xấp xỉ hàng trong nước. Hàng Australia dao động 90.000-100.000 đồng một kg, nếu loại cho ra 120-140 hạt khô trên một kg chỉ khoảng 80.000 đồng. Đối với hàng Trung Quốc là 100.000 đồng một kg.
Anh Hữu Hiển, chủ cơ sở cung cấp giống mắc ca ở Đắk Lắk cho biết, giá thu mua hạt mắc ca thời gian gần đây giảm do số lượng các đơn vị tham gia chế biến hạt này chưa nhiều. Ngoài ra, các công ty lớn nhập hạt mắc ca ở nước ngoài với giá rẻ hơn nên hạn chế mua trong nước. “Giá hạt của Trung Quốc còn cao, nên gần đây một số thương nhân Trung Quốc có ý định thu gom hạt mắc ca tại một số vùng ở Việt Nam”, anh nói.
Ông Hoàng Tùng chia sẻ thêm, cách đây 2 năm, giá hạt mắc ca tới 500.000 đồng một kg. Thời điểm đó, một phần vì sản phẩm này lạ nên các đơn vị chấp nhận mua giá cao để mang mắc ca về chế biến làm mẫu thử cho hàng xuất khẩu và dùng làm giống. “Tuy nhiên, trong vòng 4-5 năm tới, giá hạt mắc ca tại Việt Nam sẽ trở về mức bình quân của thế giới khi các vùng nguyên liệu trong nước cho ra năng suất ổn định hơn”, ông dự kiến.
Hiện tại, giá hạt mắc ca trên thị trường thế giới bình quân khoảng 70.000 đồng một kg với tỷ lệ nhân 33%, nếu dưới tỷ lệ này thì giá 47.000 đồng, đắt nhất là 140.000 đồng. Loại có chứng chỉ sản phẩm hữu cơ sạch khoảng 90.000 đồng một kg.
Hạt mắc ca (macadamia) có nguồn gốc từ các rừng rậm cận nhiệt đới tại Châu Úc, giá cao. Quả Macadamia có hình trái đào hoặc tròn như hòn bi, khi chín quả chuyển từ xanh sang nâu. Khi vỏ khô sẽ tự nứt và rụng xuống đất, bên trong có chứa hạt. Trong nhân có hàm lượng dầu tới 78%, cao hơn hẳn lạc, nhân điều... Trong dầu của Macadamia có trên 87% là axit béo không no, trong đó có nhiều loại mà cơ thể con người không tự tổng hợp được. Hàm lượng protein trong nhân có tới 9,2%, gồm 20 loại axit amin và có 8 loại axit amin cần thiết cho cơ thể con người.
Mai Phương