Gần đây lan truyền một bài viết mô tả cảnh hạt vả nảy mầm trong dạ dày một người đàn ông bị giết tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nhờ cây vả này mà cuối cùng xác của ông cũng được tìm thấy sau 40 năm bị giấu trong một hang động. Câu chuyện này đã đặt ra một câu hỏi mà nhiều người tò mò bấy lâu: Liệu hạt giống trong dạ dày người có thể nảy mầm hay không?
Câu trả lời là có, theo ông Jay Noller, giáo sư về đất tại Đại học bang Oregon (Mỹ). Chia sẻ với Live Science, ông Noller cho biết hạt giống phát tán và lớn lên sau khi được các loài động vật như chim, dơi, gấu, khỉ ăn vào rồi thải ra qua đường phân nên cũng có thể nảy mầm thông qua con người. "Tuy nhiên, hạt giống có thể phát triển từ bất cứ phần nào trong hệ tiêu hóa của người chết, chẳng hạn như ruột non hoặc ruột già chứ không nhất thiết là dạ dày", ông Noller lưu ý.
Hạt giống trong túi người chết hoặc một hạt giống trong khu vực chôn cất cũng có thể thu nhận chất dinh dưỡng từ cơ thể người chết để nảy mầm. Các loại nấm vi mô trong đất có thể phá vỡ chất béo và protein trong tế bào phân rã để chuyển thành chất dinh dưỡng cho cây.
Trên thực tế, hiện tượng cây nảy mầm từ hài cốt người không quá xa lạ. Năm 2015, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một bộ hài cốt thời trung cổ ngay dưới rễ một cây sồi già tại Ireland.
Đối với người sống, việc hạt giống nảy mầm trong bụng là rất khó xảy ra bởi dạ dày đậm đặc acid. Bên cạnh đó, hoạt động tiêu hóa và nghiền nát thức ăn diễn ra thường xuyên khiến hạt giống không thể ổn định nảy mầm.
Tuy vậy, y văn từng ghi nhận trường hợp hạt đậu nảy mầm trong phổi một người đàn ông tại Massachusetts (Mỹ) vào năm 2010. Theo trang báo Awesci, nam bệnh nhân 75 tuổi đã phải cầu cứu bác sĩ do bị ho nặng và khó thở. Kết quả chụp X-quang cho thấy một hạt đậu đang nảy mầm bên trong phổi của ông. Đội ngũ y tế suy luận hạt đậu có lẽ đã "chu du" nhầm chỗ và phát triển nhờ môi trường nóng ẩm lý tưởng ở phổi.
Ngọc Khuê