"Mới về thêm ít hạt cực đỉnh cho anh em nào cần, số lượng có hạn", một trang chuyên bán cây giống ở Hà Nội chạy quảng cáo trên Facebook. Dưới dòng mô tả là ảnh của hoa anh túc, búp cần sa. Bài viết thu hút 2,4 nghìn lượt thích và hơn 50 lượt chia sẻ. Những ngày sau đó, trang Facebook này còn công khai ghi rõ: "Hạt giống cần sa, anh túc mới về các loại cho anh em trồng".
Quảng cáo liên quan đến cây trồng bị cấm đang khiến nhiều người dùng hoang mang. Minh Phú ở TP HCM cho biết: "Đây không phải quảng cáo nhắm mục tiêu, trước đây tôi chưa từng tìm kiếm các từ khoá liên quan hay nói chuyện về ma tuý, cần sa. Sẽ rất nguy hiểm nếu quảng cáo này được Facebook phân phối trên bảng tin của người dùng dưới 18 tuổi".
Theo các chuyên gia về Marketing Online, quảng cáo liên quan đến thuốc lá, cần sa, ma tuý là vi phạm chính sách quảng cáo của Facebook. Trong phần "Nội dung bị cấm", chính sách quảng cáo của Facebook cũng nêu rõ: "Quảng cáo không được cấu thành, tạo điều kiện hoặc quảng bá sản phẩm, dịch vụ hay hoạt động bất hợp pháp. Quảng cáo nhắm mục tiêu đến trẻ vị thành niên không được quảng bá các sản phẩm, dịch vụ hoặc nội dung không phù hợp, bất hợp pháp hoặc không an toàn hay mang tính lợi dụng, gây hiểu nhầm hoặc gây áp lực thái quá đối với nhóm tuổi được nhắm mục tiêu".
Theo ông Lê Tuấn Ngô, chuyên gia quảng cáo đa nền tảng, khi gặp quảng cáo không phù hợp, người dùng có thể báo cáo lên Facebook. "Tuy nhiên, thời gian để Facebook gỡ quảng cáo rất lâu vì họ cần một lượng báo cáo đủ lớn mới tiến hành xem xét. Đó là lý do vì sao có những quảng cáo vi phạm cả chính sách của Facebook lẫn luật pháp Việt Nam vẫn tồn tại trên nền tảng này", ông Ngô nói.
Việc những người không tìm kiếm từ khóa liên quan cần sa nhưng quảng cáo vẫn xuất hiện cũng do chính sách của mạng xã hội này. Ông Ngô cho biết: "Khi tạo một quảng cáo, Facebook sẽ cho người dùng tuỳ chọn các giới hạn về độ tuổi, giới tính, vị trí để nhắm đến khách hàng tiềm năng. Nếu không dùng công cụ này, cửa hàng có thể chọn phương án ‘mass’ để mở rộng khả năng phủ sóng mà không cần quan tâm đến nhu cầu của người dùng. Các cửa hàng nhỏ thường áp dụng phương pháp này để tìm kiếm khách hàng mới, thay vì đánh vào khách hàng tiềm năng như các thương hiệu lớn".
Lỗ hổng trong cơ chế duyệt quảng cáo của Facebook
Cơ chế kiểm duyệt của Facebook tồn tại những khe hở mà "dân chạy ads" thường lợi dụng.
Cách qua mặt hệ thống kiểm duyệt đơn giản nhất mà các trang bán hàng hay dùng là tạo một tài khoản "sạch", mua bán sản phẩm bình thường. Sau đó họ đổ tiền, chạy vài chiến dịch quảng cáo lớn để lấy "điểm uy tín". Sau khi tài khoản đã có sự tín nhiệm của Facebook, họ bắt đầu chạy những nội dung vi phạm chính sách nhưng lại không bị kiểm duyệt gắt gao.
Các đơn vị quảng cáo cũng "né" từ khoá bằng cách viết tắt, hoặc dùng dấu chấm, gạch nối. Những công thức này khá đơn giản nhưng vẫn hiệu quả sau thời gian dài.
Sau hơn 10 ngày chạy quảng cáo và bị cộng đồng "báo cáo", trang chủ mua bán hạt giống cây cần sa, thuốc phiện nói trên vẫn hoạt động bình thường trên Facebook và liên tục đăng tải các bài viết, mời gọi người dùng.
Đại diện Facebook Việt Nam chưa bình luận gì về việc này.
Theo luật sư Hà Hải của Đoàn luật sư TP HCM: "Một số người cho rằng việc mua bán hạt giống cần sa là không vi phạm quy định pháp luật. Tuy nhiên, cần sa là chất ma túy bị cấm nên việc mua bán những sản phẩm liên quan đến chất này đều phạm pháp. Do đó, việc mua bán cây cần sa, hạt giống cần sa, thuốc phiện là vi phạm pháp luật".
"Đối với những nền tảng phát hành quảng cáo, căn cứ theo khoản 7 Điều 2 Luật Quảng cáo 2012, Facebook là người phát hành quảng cáo. Luật cũng quy định rõ người phát hành quảng cáo chịu trách nhiệm trực tiếp về sản phẩm quảng cáo thực hiện trên phương tiện quảng cáo thuộc trách nhiệm quản lý của mình. Tổ chức thực hiện ‘quảng cáo hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định’ sẽ chịu mức phạt tiền sẽ từ 140 đến 200 triệu đồng", luật sư Hải nói.
Khương Nha