Các hiện vật thuộc số bảo vật quốc gia mới được công nhận ngày 31/12/2024 của Quảng Nam. Hai hạt chuỗi mã não nằm trong mộ táng Lai Nghi, trạng thái nguyên vẹn, đang được bảo quản, lưu giữ tại bảo tàng tỉnh.
Khu mộ chum Lai Nghi có từ thế kỷ 3 trước Công nguyên đến giữa thế kỷ một, cũng là niên đại của bảo vật. Hạt chuỗi mã não hình con chim nước dài 1,5 cm, cao 0,75 cm, đường kính lỗ 0,15 cm, nặng 1,13 g. Tuy kích thước nhỏ, hiện vật được chế tác rõ nét, phần mỏ chim quặt xuống như bồ nông, ngắn và to, chiếc mào khá lớn, đuôi và cánh ngắn, thân mập, có lỗ đeo xuyên dọc từ ức đến đuôi. Một số nhà nghiên cứu cho rằng đây có thể là chim xít - loài động vật sống phổ biến tại vùng đầm lầy Đông Nam Á, thường xuất hiện trên mặt và thân một số trống đồng cổ ở Việt Nam.
Hạt còn lại khắc con hổ, dài 1,4 cm, dày 0,7 cm, cao 1,1 cm, nặng 1,13 g, được khoan lỗ đeo dọc thân. Tạo hình hổ khá mập mạp, thoạt nhìn tư thế nằm gần giống con bò.
Ngoài yếu tố độc bản, bảo vật cho thấy kỹ thuật tạo hình tinh xảo. Tài liệu của Cục Di sản Văn hóa cho biết hai hạt chuỗi mã não hình động vật là tiêu bản duy nhất được tìm thấy trong văn hóa Sa Huỳnh tại Việt Nam. Trước đây, một số báo cáo ghi nhận phát hiện loạt hạt chuỗi này ở Thiệu Dương, Thanh Hóa, thuộc nền văn hóa Đông Sơn song không có miêu tả, hình ảnh chi tiết. Tài liệu ghi: ''Đây là hiện vật quý, hiếm trong văn hóa Sa Huỳnh nói riêng và các nền văn minh cổ đại trên thế giới nói chung''.
Sa Huỳnh là một trong ba nền văn hóa khảo cổ quan trọng của lịch sử nước Việt, cùng Đông Sơn và Óc Eo, do M. Vinet - nhà khảo cổ người Pháp - đặt tên năm 1936. Vào năm 1909, M. Vinet đã khai quật và phát hiện hơn 200 mộ chum tại Gò Ma Vương, thuộc vùng đất ven biển mang tên Sa Huỳnh, nằm ở cực Nam tỉnh Quảng Ngãi.
Dù được tạo hình từ nguyên liệu đá có độ cứng cao, kích thước nhỏ, hai hạt chuỗi mã não thể hiện rõ từng bộ phận của con vật. Khi quan sát kỹ có thể thấy nghệ nhân sử dụng nhiều phương pháp như ghè đẽo, cưa, khoan, mài, đánh bóng. Để tạo lỗ xỏ dây chính xác, nghệ nhân cũng cần loại khoan phù hợp bố cục hiện vật.
Bảo vật được làm từ chất liệu đá Carnelian, có lịch sử hàng nghìn năm. Viên đá xuất hiện lần đầu tại nghĩa trang Varna Chalcolithic, Bulgaria, tồn tại ở thế kỷ 5 trước Công nguyên. Theo quan niệm của người cổ đại, Carnelian là loại đá giúp người sở hữu có mối liên hệ với tâm thức, loại bỏ các cảm xúc buồn bã, lo âu để duy trì niềm tin, may mắn.
Giống bộ sưu tập trang sức vàng, hạt chuỗi mã não hình thú nằm trong mộ Lai Nghi thể hiện chủ nhân là người giàu có. Việc tạo tác, sử dụng trang sức trong đời sống và đưa vào mộ táng là điểm nổi bật của văn hóa Sa Huỳnh, mang nhiều ý nghĩa. Chúng có thể làm đẹp cho người dùng, khẳng định địa vị xã hội theo tập tục, tín ngưỡng của người Sa Huỳnh biểu thị cho nhóm thiểu số giàu có, các chiến binh cao cấp, thầy tu, hoàng gia, thủ lĩnh, nhà buôn.
Cục Di sản Văn hóa khẳng định bảo vật không chỉ thể hiện trình độ chế tác, tư duy thẩm mỹ cao mà còn minh chứng việc Đông Nam Á đã sớm tham gia vào con đường tơ lụa hàng hải. Hiện vật cho thấy cư dân Sa Huỳnh là những tay buôn lão luyện, người tiêu dùng sành sỏi, giàu có bậc nhất mạng lưới thương mại trên biển Đông. Lai Nghi cũng là một trong số địa điểm quan trọng bậc nhất của hệ thống di tích văn hóa Sa Huỳnh, phân bố ở trung tâm và khu vực trọng yếu nằm tại cửa sông ven biển, có vị trí thuận lợi cho các hoạt động buôn bán.
Phương Linh