Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ sáu, 3/7/2020, 14:20 (GMT+7)

Hát bội - nét văn hóa đặc sắc của miền đất võ

Hát bội là một trong ba di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh Bình Định, nơi được mệnh danh là cái nôi của nghệ thuật hát tuổng cổ.

Bình Định được xem là "cái nôi" sản sinh nghệ thuật tuồng (hát bội). Lịch sử nghệ thuật tuồng của tỉnh gắn liền với tên tuổi của ông tổ Đào Duy Từ và hậu tổ Đào Tấn - người góp phần hoàn thiện và nâng tầm loại hình nghệ thuật này. Bình Định là nơi Đào Duy Từ dừng bước đầu tiên, cũng là nơi nuôi dưỡng những cái tên tuổi tiêu biểu sau này như Đào Tấn, Nguyễn Hiển Dĩnh, Nguyễn Văn Diêu...

Trong đó, danh nhân Đào Tấn (1845-1907) là một trong những tên tuổi lớn với các tác phẩm tuồng nổi tiếng như Hộ sanh đàn, Cổ Thành, Trầm Hương Các...

Ông là một nhà thơ, nhà soạn tuồng, một nghệ nhân hàng đầu của Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, góp phần đưa môn nghệ thuật này lên đến giai đoạn cực thịnh và tồn tại đến nay. Theo nhiều nghiên cứu, đỉnh cao phát triển của nghệ thuật hát bội là thời Tự Đức (1848 - 1883).

Nét điển hình của môn nghệ thuật này tại Bình Định là phần hát, múa và diễn trong tuồng đất võ phải thể hiện chất võ thuật mạnh mẽ, hừng hực sức sống. Nếu hát hay mà múa không đẹp thì không thể trở thành một nghệ sĩ hát bội đúng nghĩa. Muốn múa đẹp phải học võ, không luận nam nữ, vì vậy nghệ sĩ gánh hát bội ngày xưa nếu không phải võ sĩ thì cũng là võ sinh.

Nghệ thuật hát bội len lỏi khắp mọi làng quê Bình Định qua các buổi hát lễ, hay còn gọi là hát thứ lễ được tổ chức bởi người có chức sắc trong vùng hoặc các đại hào, đại phú được lên chức, làm được nhà lớn... để tỏ lòng biết ơn. Gia chủ muốn hát thứ lễ thì phải chọn ngày giờ dựng rạp, làm lễ hát án, mặt trước của sân khấu là đôi câu liễn đối. Rạp thường dựng ở ruộng vườn, trước đình chùa hoặc miếu... nơi có mặt bằng rộng rãi cho dân xem.

Điểm đặc biệt để nhận biết và phân biệt nghệ thuật hát bội với các môn khác là các trang phục, trang sức và trang điểm của người nghệ sĩ vô cùng cầu kỳ. Cách trang điểm, tô vẽ trên gương mặt, từ hình dáng đến màu sắc, cả trang phục, điệu bộ, cử chỉ đều được quy định rõ ràng. Người xem chỉ cần nhìn vào nhân vật là có thể biết được diễn viên đang diễn vai nào.

Nghệ thuật hóa trang mặt nạ hát bội vốn dĩ diễn tả diện mạo các nhân vật theo hình thức tượng trưng, nghệ sĩ phải học hỏi để tự biết cách trang điểm, vẽ mặt nạ cho chính mình theo từng vai diễn, từng loại nhân vật.

Phần nền da mặt là màu đỏ son chỉ người anh hùng trung trinh tiết liệt. Màu trắng mốc là kẻ gian thần, dua nịnh. Màu đen của người chất phác bộc trực, nóng nảy nhưng ngay thẳng, chân thực. Màu xám nhợt là người có tuổi; màu xanh ám chỉ người mưu mô xảo quyệt, yêu ma…

Lông mày cũng là một cách nhận biết nhân vật đặc biệt trong hát bội. Trong đó, màu trắng là thể hiện cho thần tiên, người cao tuổi, lông mày nét mềm mại, đơn giản là người hiền. Với nét uốn lượn, bay múa là người đắc ý, kiêu ngạo, thẳng dốc hoặc có viền đỏ thể hiện cho người nóng tính. Nét vẽ lông màu ngắn sẽ thể hiện cho kẻ gian xảo, xu nịnh.

Trong ảnh là nghệ sĩ nhân dân Đình Trương trong vai đô thống Nguyễn Thiện ở vở "Quan khiêng võng". Vở tuồng nói về nhân vật Lê Ðại Cang (1771-1847) là vị quan chính trực, một nhân cách lỗi lạc quê ở Phước Hiệp, Tuy Phước. Qua đó, giới thiệu và khơi dậy niềm tự hào của người Bình Ðịnh với bậc danh sĩ quê hương.

Nghệ sĩ nhân dân Minh Ngọc (áo đỏ) trong vai vị quan Lê Ðại Cang. Đoạn 6 của vở diễn, lúc Nguyễn Thiện dùng mưu hèn, kế bẩn khiến Lê Đại Cang bị giáng xuống làm lính khiêng võng. Những hình ảnh võng đen hòa quyện với cùng các màu sắc khác, khắc họa sự đen tối của xã hội triều Nguyễn, xã hội nhiều mập mờ đen trắng, không minh bạch.

Ngôn ngữ hình thể là một phần quan trọng để diễn tả hành động và tính cách nhân vật. Khuôn mặt của mỗi nhân vật đều được hóa trang riêng để phân biệt tính cách. Phục trang của các nhân vật tuồng gồm: áo giáp, áo thụng, áo đào văn, đai lưng... Đạo cụ thường là kiếm, đao, thương, cờ, quạt, roi ngựa, phất trần...

"Bầu Đông đóng Lý Phụng Đình - Dẫu chồng có đánh thì mình cũng đi" là câu ca dao quen thuộc của người Bình Định nói về sự say mê với bộ môn nghệ thuật này. Ngày nay, người dân có thể xem các buổi biểu diễn tại các hát án ở các làng chài trong lễ cầu ngư hoặc lễ Vía Bà ở xã Nhơn Phong, lễ hội Nước Mặn ở Phước Quang, Tuy Phước...

Với du khách đến Quy Nhơn, có thể lắng nghe hát bội cùng nhiều môn nghệ thuật đặc trưng của tỉnh tại phố đi bộ nghệ thuật.

Hiền Trang
Ảnh: Anh Dũng

VnExpress Marathon Quy Nhơn 2020 do Báo VnExpress phối hợp UBND tỉnh Bình Định tổ chức với sự đồng hành của Hưng Thịnh Land, diễn ra ngày 26/7.

Giải có sự tham gia của Hưng Thịnh Land (Đơn vị đồng hành), Grand Center Quy Nhơn, TH True Water (Nhà tài trợ Bạc), Ngân hàng Bắc Á (Nhà tài trợ Bạc), Kun (Nhà tài trợ đồng hành "Kun Kids Run"), Sunplay (Nhà tài trợ Đồng), FTEL (Nhà tài trợ Đồng), Tiger Balm (Nhà tài trợ Đồng), Bảo hiểm PVI cùng các nhà tài trợ sản phẩm Key Power Sports , Revive, Play Nutrition, Hisamitsu, Dony, Vian Travel, BKAV, Nike, Tissot, Garmin, ACC, Starbalm, Asanzo, Vina chuối, Onways, AMB,Vietnam Airline và các đối tác vận chuyển CTCPVT Đường sắt Hà Nội, CTCPVT Đường sắt Sài Gòn; 84 Race (Đối tác chuyên môn), Goldsun (Đối tác truyền thông).

Thông tin giải chạy xem tại đây.

Box-Logo-NTT-updated-15-07-2020_15952336

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net