Thông báo được Đại học Harvard đưa ra hôm 27/3. Theo đó, bìa của cuốn chuyên khảo Des Destinées de l'Ame (Số phận của linh hồn) của tác giả người Pháp Houssaye, được cho là làm từ da người, sẽ được tháo gỡ.
Ngoài ra, giờ đây, người quan tâm sẽ dễ dàng tìm đọc sách, cả ở thư viện và trực tuyến, sau khi bị hạn chế tiếp cận vào năm 2015.
Đây là cuốn có lịch sử ghê rợn nhất trong khoảng 20 triệu quyển sách ở thư viện của Đại học Harvard. Ngôi trường này thừa nhận việc quản lý cuốn sách đã không đáp ứng được "tiêu chuẩn đạo đức", đôi khi sử dụng "giọng điệu giật gân" một cách không thích hợp để quảng bá về nó.
Cuốn sách đến Harvard vào năm 1934, thông qua nhà ngoại giao Mỹ John B. Stetson. Trong một bản ghi, Stetson nói rằng Ludovic Bouland, một bác sĩ người Pháp, đã lấy đi phần da trên thi thể một phụ nữ ở Bệnh viện Tâm thần để làm bìa sách. Bouland còn để lại lời nhắn bên trong: "Cuốn sách về tâm hồn con người cần được 'che chở' bởi chính họ".
Trong nhiều năm, chất liệu của cuốn sách là chủ đề gây tranh cãi. Đại học Harvard hồi năm 2014 gây chú ý khi thông báo đã dùng công nghệ để kiểm tra và bìa sách thực sự bằng da người.
Quyết định của Harvard đưa ra sau một chiến dịch kêu gọi gỡ bỏ bìa của cuốn sách và đưa phần thi thể về chôn cất tại Pháp, do Paul Needham, học giả nổi tiếng về sách hiện đại, khởi xướng hồi tháng 5/2023. Chủ đề này lại nổi lên vào giữa tháng 3, khi nhóm của Needham gửi thư ngỏ tới Alan M. Garber, hiệu trưởng lâm thời của Harvard. Bức thư cũng được đăng như bài quảng cáo trên The Harvard Crimson - tờ báo do sinh viên Harvard điều hành.
Trong thư, nhóm của Needham cho rằng thư viện Harvard đã xử lý cuốn sách "một cách tàn bạo, như một vật trưng bày giật gân, thu hút sự chú ý". Việc này "dường như vi phạm mọi khái niệm có thể hình dung được về việc đối xử tôn trọng với con người".
"Việc chọn mở cuốn sách và xác định cách xử lý tôn trọng nó là quyết định đúng đắn", Paul nói sau quyết định của Harvard.
Trên thực tế, quá trình xử lý bìa sách và tìm nơi chôn cất phần thi thể này sẽ mất "vài tháng, thậm chí là lâu hơn", theo những người đứng đầu thư viện.
Có hơn 20.000 phần thi thể người trong bộ sưu tập của Harvard, từ những bộ xương đầy đủ đến lọn tóc, mảnh xương nhỏ và răng, theo báo cáo của trường năm 2022. Trong đó, khoảng 6.500 phần thi thể của người Mỹ bản địa và 19 người gốc Phi, được cho là nạn nhân của chế độ nô lệ.
Hoàng Mi (Theo NYT, USA today)