Theo Nikkei, The City and Its Uncertain Walls (Thành phố và những bức tường không chắc chắn) phát hành từ 13/4, đánh dấu tái xuất của Haruki Murakami sau sáu năm. Khi mới lên kệ, tại một số hiệu sách ở Tokyo, nhiều độc giả xếp hàng lúc nửa đêm mua sách. Sau đó, họ chọn quán cà phê mở xuyên đêm để đọc tác phẩm. Một fan của Haruki Murakami nói: "Ông ấy viết cuốn này khi đại dịch bùng phát, tôi rất tò mò điều đó ảnh hưởng gì tới tác phẩm".
Tiểu thuyết dài 672 trang, được nhà văn thực hiện trong gần ba năm đại dịch, hoàn thành hồi tháng 12/2022. Theo Madame Figaro, tác phẩm ra đời sau những suy nghĩ, chiêm nghiệm của Murakami về ý nghĩa của những bức tường. Ông nói: "Trong thời kỳ xã hội biến động dữ dội thế này, lựa chọn trốn ở trong tường hay đi ra ngoài trở nên quan trọng hơn bao giờ hết".
Nhà văn cho rằng tường có nhiều loại, tường giữa ý thức và vô thức, tường trong hiện tại và ảo ảnh hay những bức tường để ngăn cách xã hội, như Bức tường Berlin. Murakami suy nghĩ nhiều về sự tồn tại của chúng, cho rằng tường vách có thể có ý nghĩa và mục đích khác nhau, phụ thuộc vào người bên trong nó.
Theo nhà văn, dòng chảy của lịch sử đã đổi. Thế giới trở nên bất ổn, nhiều người nảy sinh tâm lý tìm đến một vùng đất nhỏ bé, tuyệt giao với thế giới bên ngoài. Vùng đất đó có thể tốt đẹp, có thể bất lợi, nhưng ông cho rằng dù thế nào, giao lưu và đối thoại với "thế giới bên ngoài" vô cùng quan trọng.
Tiểu thuyết được phát triển từ truyện đăng tạp chí năm 1980 của Murakami - Thành phố, và những bức tường không chắc chắn (tên gọi chỉ khác nhau dấu phẩy). Nhà văn cho rằng tác phẩm cũ thất bại, khi sang tuổi 70, ông mới thấy đã đến lúc viết lại câu chuyện của hơn 40 năm trước.
Haruki Murakami sinh năm 1949, là một trong tác giả nổi tiếng nhất văn học Nhật Bản đương đại, với tác phẩm được dịch ra hơn 50 thứ tiếng. Ông có nhiều cuốn sách tiêu biểu như: Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời (1992), Người tình Sputnik (1999), Kafka bên bờ biển (2002), 1Q84 (2009). Sau khi nổi tiếng với Rừng Na Uy ở tuổi 38, sách của ông được miêu tả như "văn hóa đại chúng" vì tạo ra cơn sốt khắp Nhật Bản và thế giới. Ông nhận Jerusalem Prize - giải dành cho các tác giả viết về tự do, hòa bình, vấn đề xã hội năm 2007.
Nghinh Xuân