Thanh Huyền
Ở tuổi 30, tác giả Rừng Nauy là ông chủ một quán nhạc jazz ở Kokubunji, Tokyo. Lúc bấy giờ, nhà văn hút 60 điếu thuốc mỗi ngày và khá bừa bãi trong các mối quan hệ xã hội. Ông bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết đầu tay, thường là tranh thủ vào tối muộn và sáng sớm, khi không vướng bận công việc của quán bar. Cũng thời gian này, nhà văn bắt đầu chạy bộ. Hai hoạt động này cứ tự nhiên và chầm chậm bện vào nhau trong cuộc sống của Murakami. Ông chạy để rèn luyện thói quen chịu đựng và tính nhẫn nại - những đức tính mà theo Murakami, sẽ giúp ông viết khỏe và viết tốt hơn. "Người tôi lúc đó luôn nồng nặc mùi thuốc lá. Để viết khỏe, tôi cần sống lâu. Tôi chạy để giữ sức khỏe tốt", nhà văn chia sẻ.
Rõ ràng, với Murakami, chạy có tác dụng rèn luyện rõ ràng. Đã từ rất lâu, nhà văn tự đặt cho mình những câu hỏi như: Mình muốn gì trong cuộc đời này? Mình muốn trở thành người như thế nào? Chạy tốt cho công việc viết văn của mình như thế nào?
Nhà văn Haruki Murakami. Ảnh: AP. |
Thành công của những tiểu thuyết đầu tiên đã khiến Murakami quyết định đóng cửa quán bar và dồn hết sức cho văn chương ở tuổi 33. 33 tuổi là lúc Chúa Jesus Christ bị hành hình trên thánh giá, là lúc sức viết của tiểu thuyết gia người Mỹ F. Scott Fitzgerald đã xuống dốc. Murakami biết rõ điều đó. Ông hiểu, ở tuổi 33, ông không còn trẻ nhưng vẫn còn đủ thời gian để cống hiến hết mình cho công việc sáng tạo, để hiện thực hóa ý chí và khát vọng của bản thân.
Cũng như những nghệ sĩ khác, Murakami đề cao và bị ám ảnh bởi hoạt động sáng tạo. Mọi việc trong đời đều trở nên thứ cấp nếu so với công việc viết lách. "Tôi cảm thấy, mối quan hệ tuyệt đối quan trọng mà tôi cần thiết lập trong đời không phải là với một cá nhân cụ thể nào đó mà với một số lượng độc giả không xác định", nhà văn nói.
Dù là nhà văn hay kẻ chạy bộ, Murakami đều giữ cho mình trạng thái cô đơn. Ông hạnh phúc với sự cô độc đó. Mục tiêu rõ ràng của nhà văn là chạy để viết tốt hơn. Murakami chạy trung bình 36 dặm mỗi tuần, chỉ nghỉ ngơi duy nhất một ngày trong tuần. Dù là ở bất cứ nơi nào trên thế giới, ở bất cứ thời điểm nào, nhà văn cũng không bỏ thói quen này, trừ những dịp ông phải chuẩn bị cho các cuộc thi marathon (ông từng 27 lần tham dự các cuộc chạy marathon trên thế giới). Chạy làm tăng cường khả năng cảm thụ cảnh vật của nhà văn. Trong cuốn sách mới nhất, What I Talk About When I Talk About Running (Tôi nói chuyện gì khi bàn đến việc chạy bộ), nhà văn viết về những ngày chạy dưới mùa thu New York vàng rực, những lần vật lộn với thời tiết lạnh ngắt của mùa đông và những bước chạy rộn ràng trong cái nắng rực rỡ của Hawaii. Trong lúc chạy, nhà văn không ngừng suy nghĩ, nhưng chính xác thì ông nghĩ gì?
Trang bìa cuốn sách mới của Murakami. |
Dù đặt cho cuốn sách tiêu đề khá mời gọi sự tò mò của độc giả nhưng nhà văn không trả lời câu hỏi đó. Vì thực ra, ông cũng không nghĩ gì nhiều lắm. "Tất cả những gì tôi làm trong khi chạy là giữ cảm giác trống rỗng trong mình, là trôi về trong những vùng ký ức tĩnh lặng của tâm hồn", Murakami viết.
Nhưng đây không phải là những dòng ký ức tĩnh lặng về một Nhật Bản truyền thống mà người ta dễ dàng bắt gặp trong những tác phẩm thanh nhã của Yasunari Kawabata - nhà văn Nhật đầu tiên được trao giải Nobel. Khi hoàng đế Hirohito đầu hàng Mỹ vô điều kiện năm 1945, Kawabata đã viết về cái cảm giác mà "kể từ thất bại đó, tôi trôi vào trong nỗi buồn cố hữu vẫn đeo bám người Nhật Bản chúng tôi". Kawabata tìm kiếm sự tĩnh lặng và những khoảng chân không ngưng đọng của mỹ học truyền thống Nhật Bản. Nhưng đó không phải là thứ Murakami tìm kiếm. "Cách tốt nhất để suy ngẫm về hiện thực là lánh xa nó càng xa càng tốt", nhân vật người trần thuật trong cuốn Biên niên ký chim vặn dây cót đã nói như vậy. Nhưng với Murakami, chạy lại có tác dụng ngược lại. Nó không phải là sự xa lìa khỏi thực tại mà chính là sự gắn kết với thực tại. Nhà văn nhặt được trên đường chạy của mình những bài học thiết thực và hữu dụng.
What I Talk About When I Talk About Running được viết vào khoảng từ năm 2005 đến 2006, khi Murakami đang chuẩn bị cho một cuộc thi marathon ở New York. Nhà văn giải thích, ông chạy không phải để tranh đua với người khác như các vận động viên, mà để giữ sức cho những cuộc đua đường trường với văn chương, chữ nghĩa. Thế nên, với câu hỏi "Tôi nói chuyện gì khi bàn đến việc chạy bộ" thì chính là ông nói chuyện thế nào là Haruki Murakami!
(Nguồn: Guardian)