Lưu Thị Thu Hà -
Được coi là một tượng đài của nền văn học đương đại Nhật Bản và là nhà văn Nhật được biết đến nhiều nhất ở nước ngoài, nhưng Haruki Murakami từng phát biểu: "Tôi có quá ít mối liên hệ với nền văn học cũng như xã hội Nhật bản. Tôi sống quá cách xa và thực sự là một kẻ nổi loạn trong thế giới đó". Phát biểu này của ông được trích dẫn từ bài viết của tác giả Norimitsu Onishi, đăng trên tờ New York Times. Sau đây, eVăn giới thiệu với độc giả bài viết này. Đầu đề do eVăn đặt. |
Với những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng khắp Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, các quốc gia vùng Baltic như The Wind-Up Bird Chronicle; với tác phẩm viết bằng tiếng Anh và lọt vào hàng loạt danh sách best-seller trên thị trường Mỹ như Kafka on the Shore; với một truyện ngắn đã được chuyển thể thành kịch bản phim Tony Takitani, sẽ được khởi chiếu tại Mỹ vào 29/7 tới..., Haruki Murakami đã là một cái tên nổi tiếng ở Mỹ, một đất nước mà ông hướng tới từ lâu. Trong khi đó, tại Nhật Bản, Kafka vẫn nằm chình ình trên giá các hiệu sách cùng một tác phẩm cũng khá mới của ông là After Dark.
Tuy nhiên, với tất cả những thành công ấy, Murakami, 55 tuổi, vẫn cảm thấy chút ít xót xa khi ông nhận thấy: "Tôi không coi mình là một thành viên của nền văn học Nhật Bản. Mối liên hệ giữa tôi và nền văn học dân tộc là quá ít ỏi".
Trên thực tế, các nhà phê bình truyền thống Nhật Bản cũng đánh giá tiểu thuyết của ông có quá ít tính dân tộc và chịu ảnh hưởng rõ nét của tiểu thuyết phương Tây, từ phong cách cho tới sự xâm nhập của những yếu tố văn hóa Mỹ trong tác phẩm. (Ở Mỹ, tác phẩm của ông được giảng dạy trong các trường đại học và được nhà phê bình John Updike của tạp chí The New Yorker đánh giá rất cao).
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, tại văn phòng của mình, ngài Murakami chân trần, diện quần jeans và áo sơ mi màu vàng cam đã bộc bạch rất nhiều chuyện, từ cuộc sống hiện tại cho tới thói quen viết lách của ông. Murakami xuất hiện với một tâm thế thoải mái, nhẹ nhàng. Năm tới ông sẽ có một thời gian nghỉ ngơi tại Harvard.
Kafka on the Shore là một tác phẩm kể về hai câu chuyện luân phiên, đan xen vào nhau. Murakami cho biết, ông cảm thấy quá chán ngán với mảng đề tài về những con người thành thị từ lứa tuổi 20-30 nên khi viết Kafka, ông quyết định sáng tạo nên hai loại nhân vật mới: một cậu bé 15 tuổi tên là Kafka Tamura, bỏ nhà tới vùng nông thôn miền tây Nhật Bản và một người đàn ông vào khoảng 60 tuổi - Satoru Nakata - có khả năng nói chuyện với mèo.
Cuốn tiểu thuyết có những chi tiết thể hiện rõ những dấu hiệu siêu thực trong lối viết của Murakami như những trận mưa cá, nhân vật kẻ giết mèo Johnnie Walker và Colonel Sanders - kẻ mối lái.
Cũng như những cuốn tiểu thuyết khác, Kafka của Murakami tràn đầy những yếu tố của nền văn hóa Mỹ. Nhưng Murakami quan niệm những yếu tố như Coca-Cola hay những nhân vật như Colonel Sanders là những biểu tượng văn hóa mang tính toàn cầu. Ông nói: "Kiểu nhân vật như Colonel Sanders hay Johnnie Walker không chỉ người phương Tây mà cả thế giới chúng ta đều quan tâm. Theo yêu cầu của câu chuyện, tác phẩm của tôi chứa đựng rất nhiều những thành tố văn hoá Nhật Bản và phương Đông. Tôi nghĩ cấu trúc truyện ngắn của tôi hoàn toàn khác với cái gọi là cấu trúc truyện phương Tây".
Nhận xét về nghệ thuật trần thuật trong tác phẩm của mình, ông nói: "Tôi không phát triển câu chuyện theo logic tuần tự từ A đến B, C, D nhưng tôi cũng không có chủ ý đảo ngược trật tự các chương đoạn như các nhà hậu hiện đại thường làm. Đối với tôi đó là một sự phát triển tự nhiên nhưng không hẳn là logic".
Sự gắn bó giữa Murakami và nền văn học Mỹ là cả một quá trình lâu dài. Khi còn là một học sinh Trung học tại Kobe, miền tây Nhật Bản, ông đã đọc bằng nguyên bản các tác phẩm của Kurt Vonnegut, F. Scott Fitzgerald, Truman Capote và Raymond Chandler. Cũng như như những cô cậu học trò cùng thế hệ, Murakaki thích nhạc jazz và nhạc rock.
"Văn hóa Mỹ" đã ăn sâu vào cơ thể tôi". Ngược lại, khi còn nhỏ, Murakaki ít đọc những tác phẩm văn học Nhật Bản. Ông nói: "Lúc còn trẻ tôi thấy những tác phẩm văn học Nhật thật đơn điệu".
Khi nói bằng tiếng Nhật, Murakami thường sử dụng nhiều kiểu câu ngắn gọn, nhiều khi cộc lốc, phản ánh chính xác ý tưởng ông định thể hiện. Ông thường tránh lối diễn đạt uyển chuyển mà người Nhật thường dùng.
Phong cách này thể hiện rõ trong lối viết của ông, điều này khiến cho các tác phẩm của Murakami dễ dàng chuyển sang tiếng Anh nhưng đó cũng là nguyên nhân khiến các nhà phê bình nhận xét: văn ông thiếu đi những yếu tố bản sắc dân tộc. Rất nhiều độc giả đồng hương của ông nhận thấy tác phẩm của Murakami giống với những tác phẩm chuyển ngữ từ tiếng Anh sang tiếng Nhật hơn là tác phẩm viết bằng tiếng mẹ đẻ.
Khi Kafka được xuất bản ở Nhật năm 2002, nó được hoan nghênh nhiệt liệt, nhưng một số nhà nghiên cứu hàng đầu Nhật Bản lại coi đó như là một biểu hiện của sự bần cùng hóa nền văn học Nhật Bản, nhất là ở phương diện ngôn ngữ, bởi tác phẩm của ông không thể hiện được tính sâu sắc và giàu có của tiếng Nhật.
Murakami viết Kafka trong vòng 6 tháng, ông viết không hề tuân theo một kế hoạch vạch sẵn nào. Sau đó, Murakami dành ra 1 năm để sửa chữa lại bản thảo. Hằng ngày, ông thực hiện một thời gian biểu chặt chẽ: đi ngủ lúc 9 giờ tối, thức dậy lúc 4 giờ sáng hôm sau, viết một mạch cho tới 11 giờ trưa. Mỗi ngày ông viết tới 4.000 từ tương đương với 2 hoặc 3 trang giấy bằng tiếng Anh.
Theo như vợ ông nhận xét thì khi viết bản thảo lần đầu tiên, Murakami thường khó tính, lầm lỳ, ít nói và căng thẳng, hay quên. Ông cho biết: "Tôi có thói quen mỗi ngày viết một lượng trang nhất định và không có ngơi nghỉ ngày nào. Trong khi viết tôi tuyệt đối không đọc lại những gì mình đã viết trước đó. Tôi nghe nói Hemingway cũng làm như vậy".
Cuốn tiểu thuyết của Murakami sắp được dịch sang tiếng Anh - After Dark - câu chuyện xoay quanh một vài nhân vật được kể bằng một giọng điệu khách quan lạnh lùng qua cái nhìn của nhân vật trần thuật ở ngôi thứ 3. Đây được coi là một tác phẩm có thể dễ dàng chuyển thể thành kịch bản phim. Thế nhưng, Murakami có vẻ rất dè dặt trong việc chuyển thể các tác phẩm của mình, mặc dù ông từng nói, ông có thể giao tận tay các tác phẩm của mình một cách vô điều kiện cho đạo diễn Woody Allen hoặc David Lynch.
Murakami tự hào: "Tôi một mình đến New York, một mình tìm nhà xuất bản, một mình tìm nơi phát hành. Các tiểu thuyết gia Nhật Bản trước đây không ai làm như vậy nhưng tôi nghĩ tôi đã làm được. Tôi muốn thử sức mình ngoài biên giới Nhật Bản chứ không hài lòng với vị trí là một nhà văn nổi tiếng trong nước".
(Nguồn: New York Times)