Vào ngày 26/7, đợt xử tử các thành viên giáo phái AUM Shinrikyo đã thi hành lần hai, sau đợt đầu tiên vào ngày 6/7, nghĩa là 13 thành viên bị khép án tử hình đều đã chết, sau loạt tội ác gây ra do sùng bái ngày tận thế. Cuối tháng 7 vừa qua, Haruki Murakami có bài viết gửi đến The Mainichi - tờ báo lâu đời và nổi tiếng của Nhật - để chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc và ý kiến của ông về án tử hình trong sự kiện chấn động này.
Murakami từng phỏng vấn hàng chục nạn nhân của vụ khủng bố để viết cuốn Underground: The Tokyo Gas Attack and the Japanese Psyche (bản sách tiếng Việt có tên Ngầm do dịch giả Trần Đĩnh chuyển ngữ, Nhã Nam và NXB Văn hóa Sài Gòn ấn hành năm 2009).
Trong bài viết cho The Mainichi, Murakami bày tỏ: "Hiếm khi tôi đọc lại sách mình viết mà bật khóc. Với Underground, tôi đã không thể ngăn mình nức nở khi xem lại một số đoạn. Không khí của những buổi phỏng vấn, thứ cảm xúc và thanh âm đã từng hiện hữu, cứ thế trở lại sống động đến nghẹt thở. Người ta có thể bảo tôi đa cảm, nhưng là người cầm bút, tôi không thể đè nén những cảm xúc tự nhiên nhất. Tôi muốn chuyển tải điều đó tới người đọc trọn vẹn nhất có thể. Tôi cảm nhận có những mạch nguồn thay đổi rõ rệt từ bên trong khi tôi viết cuốn sách này".
Xét về quan điểm chung, Haruki Murakami chọn lập trường phản đối án tử hình. Ông bày tỏ: "Lẽ dĩ nhiên, giết người là trọng tội và kẻ gây án phải đền tội. Tuy vậy, có sự khác biệt căn bản giữa việc một cá nhân giết người và một hệ thống, hay một tổ chức gây ra tội ác. Việc nhìn nhận tử hình như cách đền tội đích đáng nhất đang bắt đầu mất dần sự ủng hộ từ quan điểm quốc tế. Hơn nữa, con số đáng giật mình về những vụ kết án oan sai cho thấy hệ thống tòa án hiện nay chưa hoàn toàn loại trừ khả năng mắc những sai lầm - dù mang tính nền tảng hay chuyên môn. Theo khía cạnh này, tử hình là thứ án phạt nguy hiểm gây chết người theo đúng nghĩa đen".
Trong suốt một năm viết cuốn sách có tên Underground (Tạm dịch: Ngầm), khi phỏng vấn các nạn nhân, Haruki Murakami đã tận mắt chứng kiến nỗi buồn bã, đau đớn cực độ, và cả cơn phẫn uất còn chưa nguôi ngoai ở những người mất đi thân nhân trong vụ tấn công bằng khí sarin ở khu tàu điện ngầm Tokyo. Đứng ở góc độ này, ông không thể công khai tuyên bố: "Tôi phản đối án tử hình". Bởi ông thấu cảm sâu sắc nỗi đau đớn mà thân nhân người quá cố trải qua. Nhưng đồng thời, nhà văn thừa nhận nỗi trăn trở, day dứt vì không tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi: liệu cảm xúc của thân nhân những người quá cố giữ vai trò tác động như thế nào đến vấn đề sinh tử của một người. "Tôi không có một câu trả lời dứt khoát cho điều này? Còn bạn đọc thì sao?", ông đặt vấn đề.
Sau khi phát hành cuốn Underground, Haruki Murakami đã tham dự các phiên xử về những vụ tấn công bằng khí sarin ở ga tàu điện ngầm diễn ra ở tòa án quận Tokyo và các tòa án cấp cao. Những lúc bận đi công tác và không thể dự trực tiếp phiên tòa, ông đều dành thời gian nghe ngóng các vụ xét xử. Ông đặc biệt theo dõi các phiên tòa xét xử Yasuo Hayashi. Chuyến tàu Yasuo Hayashi từng phát tán khí sarin, từ Hibiya Line về Nakameguro, có số nạn nhân cao nhất, trong đó tám người đã tử vong. Những đồng phạm khác dùng đầu nhọn của cây dù để chọc lủng hai túi nhựa vinyl có chứa khí sarin, nhưng nhân vật này đã chủ động yêu cầu mang theo ba túi. Hành động này đã gây ra con số thương vong lớn hơn.
"Vậy Yasuo Hayashi thực sự là người thế nào? Tại sao anh ta rắp tâm thực hiện một tội ác kinh khủng như vậy? Tôi muốn đích thân nhìn thấy anh ta. Tôi muốn tiếp cận nguồn tin trực tiếp không qua lời đồn đoán", ông viết. Nhà văn cũng chia sẻ suy nghĩ của ông về số phận của người mẹ của tội phạm này - người Murakami luôn bắt gặp mỗi khi ông đến dự phiên tòa xét xử hắn.
Kết lại bài viết khoảng 1.800 chữ, Haruki Murakami cho rằng với án tử hình, những vụ việc liên quan đến AUM vẫn chưa khép lại. "Nếu có bất kỳ ý định nào nhằm 'đưa những vụ việc đó đến hồi kết', hay một động cơ kín đáo nhằm biến án tử hình thành một hình phạt mang tính phổ biến hơn nhờ cơ hội lần này, thì điều đó là sai trái, và việc có một chiến lược như trên là không bao giờ được phép xảy ra. Có nhiều điều mà chúng ta, bao gồm cả tôi, phải nhìn nhận từ mối liên quan của những vụ AUM, bởi cái chết của 13 người tử tù không khép lại quá trình tìm hiểu điều này. Những gì chúng ta nên làm là một lần nữa trăn trở sâu sắc về ý nghĩa của 'tai ương và bất hạnh' khi chúng ta đối diện với án tử của họ và cảm nhận sự biến mất vĩnh viễn của những cuộc đời ấy", ông viết.
Ngày 20/3/1995, các tuyến xe điện ngầm quan trọng ở Tokyo (Nhật) đồng loạt bị giáo phái AUM rải hơi độc sarin - khiến 12 người chết, hơn 5.000 người phải chịu các di chứng về thể chất và tinh thần, toàn nước Nhật bàng hoàng chấn động. Murakami Haruki, nhà văn đương đại xuất sắc của thế hệ trưởng thành sau Thế chiến thứ hai, đã rời nước Mỹ trở về quê hương, ghi chép lại thảm họa trong nỗi đau máu thịt sống động của từng nhân chứng. Không né tránh câu hỏi nào về quyền lực và số phận dân tộc, Murakami muốn truy tìm căn nguyên thảm họa chính trong lòng nước Nhật, chứ không quy kết hời hợt về phía "kẻ thủ ác".
Cuốn ký sự - phỏng vấn có tên Ngầm của Murakami được mô tả là một tác phẩm báo chí đẫm chất văn chương, khẳng định tài năng của ông ở thể loại phi hư cấu.
Quỳnh Mai