Cựu cảnh sát trưởng New York Bernard Kerik và nhà hoạt động bảo thủ Charlie Kirk hôm 23/3 đăng video Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris không chào lại các thành viên đội tiêu binh khi bước lên chuyên cơ và chỉ trích bà "bất lịch sự".
"Thật không thể chấp nhận được. Kamala Harris từ chối chào lại đội danh dự trước khi lên máy bay", Kerik viết, cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Phó tổng thống Mỹ "không thích những người mặc đồng phục", kể cả cảnh sát lẫn quân đội.
"Kamala Harris không chào các binh sĩ khi bà ấy bước lên Không lực Hai, phá vỡ truyền thống tôn trọng đội tiêu binh. Còn nhớ bà ấy và Joe Biden từng chỉ trích cựu tổng thống Trump không tôn trọng quân đội chứ?", nhà hoạt động bảo thủ Kirk viết.
Video được đăng tải trên Twitter cho thấy Phó tổng thống Harris không chào lại các binh sĩ thuộc đội danh dự khi bước lên Không lực Hai hôm 22/3. Bà cũng từng nhiều lần "quên chào" lực lượng này trong các chuyến đi hôm 15/3 và 16/3. Khi đi cùng Không lực Một với Biden hôm 19/3, Harris cũng không dừng lại chào đội danh dự.
Giơ tay chào lính tiêu binh không phải quy định bắt buộc, song vẫn được các phó tổng thống Mỹ thực hiện như một cử chỉ tôn trọng với lực lượng quân đội. Cựu phó tổng thống Mike Pence đã giơ tay chào đội danh dự khi dừng chân ở Utah và Georgia năm ngoái.
Joe Biden khi còn là phó tổng thống Mỹ cũng thường xuyên chào lại đội danh dự khi lên Không lực Hai và kể cả khi ông tới Bắc Kinh năm 2013. Giơ tay chào lính danh dự trước khi ra, vào Không lực Hai là thói quen vẫn được các phó tổng thống Mỹ duy trì.
Truyền thống giơ tay chào lại lính danh dự được cho là bắt đầu từ cựu tổng thống Mỹ Ronald Reagan, người từng làm trong quân đội, như một cử chỉ thể hiện sự tôn trọng với lực lượng này.
Sau chiến thắng của Biden, Harris trở thành nữ phó tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ. Bà hồi tháng 2 từng bị chỉ trích vì mặc đồ Dolce & Gabbana, hãng thời trang cao cấp từng gây tranh cãi vì cáo buộc "xúc phạm chủng tộc".
Ngọc Ánh (Theo Fox News)