Nhờ có ngoại hình đặc biệt, Phạm được cộng đồng mạng đặt cho biệt danh "tiểu Jack Ma". Đồng thời, các nhãn hàng và công ty truyền thông cũng thi nhau săn đón cậu để quảng cáo sản phẩm. Thậm chí, có những người vượt hàng ngàn dặm để đến "chiêm ngưỡng" dung nhan cậu bé. Dân làng cho biết thời gian đầu, nhà cậu đón khoảng 50 khách ghé thăm mỗi ngày.
Nếu như có cơ hội kiếm hàng triệu tệ một năm nhưng với điều kiện bỏ học, hoặc miễn học phí từ tiểu học đến đại học nhưng không được tham gia vào showbiz, là cha mẹ, bạn sẽ lựa chọn như thế nào? Cha của Phạm đã chọn cách đầu: Cho con bỏ học. Ông nói: "Bất kể là người như thế nào, miễn là tốt cho gia đình". Người cha đã ký kết với một công ty truyền thông cho phép sử dụng hình ảnh con trai.
Thời điểm đó, nhiều người phản đối gay gắt quyết định này, cho rằng ông bố đang bán con và chỉ nghĩ tới tiền. Nhưng khi biết được hoàn cảnh của gia đình, nhiều người lại tặc lưỡi: "Chắc không còn lựa chọn nào khác".
Phạm Tiểu Cần sinh ra tại huyện Vĩnh Phong, thành phố Cát An, tỉnh Giang Tây. Gia đình cậu có hoàn cảnh rất khó khăn. Bố cụt một chân do bị rắn độc cắn, mẹ bị mù không tự chăm sóc bản thân còn bà nội mắc bệnh Alzheimer. Hàng tháng, cả gia đình phải sống nhờ vào tiền trợ cấp xã hội.
Bố của Phạm không hiểu ý nghĩa của việc ký hợp đồng, không hiểu lý lịch của người chủ công ty truyền thông, thậm chí chẳng biết Jack Ma là ai vào thời điểm đó. Ông chỉ biết cuộc sống gia đình sẽ tốt hơn nếu có tiền.
Từ khi trở thành người được săn đón, trong các bức ảnh đăng tải trên phương tiện truyền thông, Phạm thường xuất hiện với nụ cười gượng gạo và ánh mắt trống rỗng. Nhưng rồi cậu cũng dần quen ánh đèn chói lọi của sân khấu, sự khoa trương của giới giải trí và vô số cuộc vui khó lý giải.
Làm thế nào để một đứa trẻ nông thôn sống trên núi, luôn gặp khó khăn về cơm ăn áo mặc lại nhanh chóng thích nghi với xã hội phồn hoa này? "Xã hội là biển lớn, những đứa trẻ như vậy khó phân biệt được thật giả, chắc chắn sẽ bị nhuốm màu trần tục", một độc giả từng nhận xét.
Phạm đã cởi bỏ chiếc áo cũ kỹ, khoác lên mình một bộ quần áo mới quyến rũ. Cậu thường xuyên xuất hiện trên sàn diễn trong các chương trình tạp kỹ và chụp ảnh với những người nổi tiếng. Nhiều công ty gặp gỡ và mời Phạm đóng phim truyền hình, thậm chí bỏ cả đống tiền để cậu nhận lời mời đi thảm đỏ, tham dự tiệc rượu. Sau hai năm hoạt động, cậu bé ngày càng yêu thích vai trò này hơn, đồng nghĩa với việc sự liên hệ với gia đình ngày càng ít.
Trên danh nghĩa, công ty cũng sắp xếp cho cậu bé đi học và được một bảo mẫu chăm sóc hàng ngày. Nhưng trên thực tế, cậu chỉ là một công cụ kiếm tiền của giới truyền thông. Phạm luôn được yêu cầu mặc những bộ quần áo không thuộc về mình và học những câu thoại do người lớn dạy.
Trong một chương trình tạp kỹ năm 2017, Phạm lần đầu xuất hiện với cái tên "Tiểu Jack Ma". Trước câu hỏi của người dẫn chương trình, cậu bé trả lời tên mình, sau đó dưới sự hướng dẫn, nói trơn tru: "Alibaba và tỷ phú JackMa luôn nằm trong trái tim của tôi". Công ty giám hộ cũng cho hay, họ có tham vọng biến Tiểu Jack Ma thành "một thương hiệu nổi tiếng như Alibaba".
Công việc của Phạm không chỉ xuất hiện trên các chương trình mà còn là các buổi phát sóng trực tiếp. Bảo mẫu đưa cậu bé lên sóng trực tiếp tại các nền tảng trực tuyến khác nhau để kiếm tiền, nội dung nhắc đi nhắc lại việc "Tiểu Jack Ma" được chăm sóc tốt như thế nào hay đơn giản là đi mua sắm, cắt tóc. Phạm, ngồi bên cạnh hầu như chỉ nhìn chằm chằm vào màn hình trước mặt.
Giữa năm 2019, khi tỷ phú Jack Ma về hưu và ít xuất hiện trước công chúng, cuộc sống của Phạm cũng bị ảnh hưởng. Hơn nữa, càng lớn cậu bé càng không giống Jack Ma. Ngày càng khó để kiếm tiền từ hình ảnh này và cuối cùng cậu bị sa thải.
Sau 5 năm sống ở thành phố, Phạm phải trở về quê nhà với gia đình.
Nhìn bề ngoài, cậu bé may mắn hơn các bạn cùng trang lứa vì có tiền tiết kiệm riêng, nhưng thực tế cuộc sống lại không hề dễ dàng.
Mấy năm nay cậu bé không có bạn bè. Vì thường phải nghỉ học để đi sự kiện, livestream... nên hầu như không có khả năng giao tiếp với người khác. Ai đó hỏi điều gì, cậu chỉ biết nói từ "Có". Những gì người khác dạy, Phạm đều lặp lại một cách máy móc.
Đáng nhẽ ở tuổi 13, cậu bé đã học lên cấp 2 nhưng giờ vẫn phải cùng học với học sinh tiểu học. Vì bảo mẫu chăm sóc không tốt, Phạm cũng thấp và gầy hơn những đứa trẻ cùng tuổi. Cậu vẫn chỉ cao 1,2 m giống như hồi 8 tuổi. Điều an ủi duy nhất là cậu đã được sống với chính tên thật của mình.
Câu chuyện của Phạm được nhiều người biết tới. Một nhà xã hội học nói rằng, không biết bố của cậu bé có hối hận bởi quyết định của mình năm xưa không. "Trước khi trẻ em bước vào xã hội, chúng nhìn thế giới trên đôi vai của cha mẹ. Bài học sống từ chuyện của Phạm là vai của cha mẹ càng cao thì con càng có thể nhìn xa", ông nói.
Vy Trang (Theo sina)