Khoảng 10h50, anh Phùng Việt Hùng, 37 tuổi, phường Cầu Mây, thị xã Sa Pa, nhận tin xuất hiện một quầng ánh sáng xung quanh mặt trời ở thung lũng Tả Van - Mường Hoa. Anh chạy ra và cùng hơn 10 du khách chụp khoảnh khắc này. Hơn 10 năm sống và làm việc tại Sa Pa, đây là lần đầu tiên anh thấy hiện tượng này.
"Đêm qua ở đây có mưa, sáng nay trời nhiều mây, chỉ có ít khoảng xanh. Đúng lúc mặt trời lọt vào khoảng xanh thì xuất hiện quầng mặt trời khoảng 10 phút", anh Hùng nói.
Cùng thời gian trên, người dân ở xã Đông An, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cũng thấy hiện tượng này. Khi mây tràn qua, hào quang quanh mặt trời mất dần.
Anh Vũ Thế Hoàng, Hội trưởng Thiên văn Hà Nội cho biết, có thể xuất hiện hào quang mặt trời và hào quang mặt trăng. Với mặt trời, thời điểm hay xuất hiện nhất vào giữa trưa. Đây là hiện tượng quang học, do ánh sáng mặt trời chiếu qua đám mây tầng cao (độ cao 7-8 km). Mây có cấu trúc là các tinh thể băng, ánh sáng mặt trời, mặt trăng bị khúc xạ, phản xạ sinh ra những vòng tròn.
Cũng giống cầu vồng, quầng sáng gồm 7 màu đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím, nhưng thứ tự màu sắc được sắp xếp ngược lại. Quầng mặt trời hoặc mặt trăng thường là dấu hiệu dự báo mưa. Tuy nhiên, một số quầng hào quang chỉ đơn thuần là tín hiệu cho thấy lượng nước ở thượng quyển gia tăng.
Quầng quanh mặt trăng xuất hiện nhiều hơn, còn quầng mặt trời rất hiếm gặp và được coi là hiện tượng thời tiết lý thú. "Bạn không nên quan sát trực tiếp hiện tượng này bằng mắt thường trong thời gian quá lâu vì ánh sáng mặt trời sẽ gây ảnh hưởng, cần sử dụng các loại kính chuyên dụng", anh Hoàng chia sẻ.