Tình cảnh này xảy ra vào năm 2000, cam đổ bỏ chỉ vì phụ thuộc vào thương lái và thị trường truyền thống, người con gái xứ Nghệ vốn không có chuyên môn về nông nghiệp đã quyết định phải làm điều gì đó với thứ quả đặc sản của quê hương. Chị muốn giúp người nông dân tham gia vào chuỗi giá trị để làm giàu bền vững.
Trái cam Kỳ Yến và những thách thức của ngày đầu
Người dân Quỳ Hợp bao đời gắn bó với đất đai, những mảnh vườn cam do cha ông để lại. Quanh năm cực nhọc với nắng gió khô cằn, nhưng thu nhập người dân vẫn bấp bênh do không thể chủ động quản lý đầu ra sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Lê Na cho biết, những năm 2000, trái cam Vinh bị thương lái ép giá, rớt giá đỉnh điểm, có nhiều năm cam chín rụng mà không người mua.
Thương người dân quê và tiếc những trái cam căng mọng đong đầy công sức của bà con, chị Lê Na quyết tâm khởi nghiệp với mô hình trồng cam sinh thái. Ra mắt vào năm 2013, mục tiêu ban đầu của thương hiệu Cam Vinh Kỳ Yến chính là những sản phẩm nông sản sạch, an toàn, tiếp đến xây dựng thị trường tiêu thụ bền vững cho cam và các sản phẩm từ trái cam Kỳ Yến.
Vạn sự khởi đầu nan, chị Lê Na đương đầu với hai thách thức lớn: một là thuyết phục người dân quê chuyển đổi từ phương thức canh tác thông thường sang canh tác sinh thái; và hai là tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm thật bền vững và hiệu quả.
Với nhiệt huyết của một người trẻ tuổi, Lê Na và các cộng sự đã từng bước thuyết phục bà con đi theo mô hình nông nghiệp mới. Thế nhưng với một doanh nghiệp nhỏ, số vốn có hạn, câu chuyện đầu ra lại là bài toán khó khăn thời điểm đó.
Phương tiện mới mở ra hướng đi mới
Sự hiện diện của những nền tảng trực tuyến đã đem đến một hướng đi mới cho nông sản Việt. Nhằm tiết kiệm chi phí quảng bá và đa dạng hóa kênh tiêu thụ, Lê Na lập trang Facebook Cam Vinh Kỳ Yến để bán hàng. Tuy nhiên ở thời điểm đó, do kiến thức còn hạn chế nên việc kinh doanh ban đầu chưa đạt hiệu quả.
Không lâu sau, chị cùng các cộng sự được tham gia khóa tập huấn "Boost with Facebook", do Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam và Facebook phối hợp tổ chức. Khóa học giúp chị vận dụng hiệu quả nền tảng để khảo sát thị trường, đánh giá tập khách hàng, từ đó phát triển các nội dung để đăng tải vào những khung giờ phù hợp. "Chỉ một thời gian ngắn, hiệu quả tương tác và chuyển đổi doanh số tăng rõ rệt", chị Lê Na nói.
Lê Na cho biết, trước đây, những doanh nghiệp nhỏ như Cam Vinh Kỳ Yến thường phải đi theo phương thức truyền thống để tiếp cận người tiêu dùng: đó là qua các nhà phân phối trung gian, từng bộ phận thu mua của siêu thị. Những lớp trung gian này chưa chắc có đánh giá đúng đắn về sản phẩm của công ty. Thông qua Facebook, thương hiệu Cam Vinh Kỳ Yến có thể tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng và đó là những nhà đánh giá chính xác nhất chất lượng sản phẩm, từ đó tiếp cận thị trường dễ dàng và có khả năng lan tỏa rộng hơn.
Không chỉ đem đến một thị trường tiêu thụ mới, Cam Vinh Kỳ Yến tiếp tục mở rộng phạm vi phủ sóng với mạng lưới phân phối rộng khắp trên toàn quốc. "Với tính năng tuyển dụng trên Facebook, tôi nhanh chóng kết nối được với 20 đại lý bán hàng chỉ trong 3 ngày. Điều mà trước đây tôi phải mất gần năm trời mới làm được", chị Lê Na chia sẻ.
Giờ đây, những trái cam Kỳ Yến đã có mặt khắp Việt Nam, được phân phối tại các cửa hàng thực phẩm sạch ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM.
Xây dựng cộng đồng sinh thái
Thông qua Facebook, Lê Na đã có cơ hội kết nối với những người làm nông nghiệp sinh thái trên khắp Việt Nam. Cô cho biết Công ty CP Trang trại Phú Quý do cô thành lập đã được Quỹ đầu tư mạo hiểm Việt Nam Silicon Valley rót vốn lên tới 20.000 USD để xây dựng làng du lịch cam sinh thái tại Nghệ An. Doanh nghiệp cũng nhận những sự hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn canh tác và sản xuất đến từ các chuyên gia trong và ngoài nước đến từ Nhật Bản, Hà Lan, Mỹ. Điều này giúp doanh nghiệp từng bước đa dạng hóa danh mục sản phẩm, bao gồm cam tươi, mứt cam, cam sấy, tinh dầu cam...
"Cuối năm 2018, Cam Vinh Kỳ Yến đã xuất khẩu lô hàng vỏ cam sấy dẻo và tinh dầu cam đầu tiên đi Hà Lan dưới tên thương hiệu của chính mình", Lê Na nói thêm.
Từ những ngày đầu chỉ có 4 hộ dân ký hợp đồng để Cam Vinh Kỳ Yến cung cấp, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, đến nay đã có đến 20 hộ nông dân tham gia. Lê Na kỳ vọng, đến 2020 sẽ xây dựng một vùng cam sinh thái rộng khoảng 20 héc-ta để phục vụ nhu cầu người dùng trong nước và có thể xuất khẩu trên nhiều thị trường khác.
Người sáng lập ra thương hiệu Cam Vinh Kỳ Yến cho biết: "Nhờ áp dụng mô hình trồng cam sinh thái kết hợp quảng bá sản phẩm trên kên Facebook, doanh nghiệp đã thực hiện nhiều thay đổi, góp phần mang lại nguồn sinh kế cho bà con ở Quỳ Hợp, Nghệ An".
(Nguồn: Cam Vinh Kỳ Yến)