Thầy Lê Đăng Trọng tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), từng lọt vào vòng Chung kết nghiên cứu khoa học cấp Đại học Đà Nẵng với đề tài "Micromose dò đường trong mê cung" và "Điều khiển chuột máy tính bằng giọng nói".
Chia sẻ về lý do trở thành một nhà giáo và dạy học bằng hình thức livestream, thầy cho biết, bản thân thuộc thế hệ 8x, sinh ra ở vùng nông thôn, cuộc sống thời đó còn khó khăn và thiếu thốn. Tuy nhiên, đó là động lực để thầy tìm tòi và sáng tạo. Ví như khi đi chăn trâu trong rừng, tôi cùng bạn bè dùng tre nứa để làm guồng nước và tạo máy phát điện hay dùng đất sét nặn hình tượng phật luồn đèn vào để phát sáng trông như ánh phật quang...
Khi học cấp 2, thầy Trọng tập trung hầu hết bạn bè cùng khối để dạy kèm và giúp đỡ. "Có thể coi đó là lớp học đầu tiên của tôi, nó nuôi dưỡng ước mơ làm giáo viên trong tôi rất nhiều", ông nói thêm.
Sau này, khi đã làm kỹ sư một thời gian, việc dạy học trực tuyến quay trở lại một cách tình cờ. Trước đây, thầy cũng đã nghĩ nhiều đến việc dạy online bằng hình thức truyền thống đó là phát triển các khóa học video. Tuy nhiên, với sự bùng phát của Covid-19, việc chuyển qua dạy và học online trở thành tất yếu. Với tham vọng mong muốn phát triển dạy online trước đó, thầy quyết định chuyển sang dạy livestream và được nhiều học sinh đón nhận.
Thầy Trọng nhận định mô hình này có một số ưu điểm như: hạn chế di chuyển; có thể xem lại nội dung đã học, lồng ghép nhiều video thí nghiệm, các phần mềm mô phỏng cùng hình ảnh mô tả trực quan các hiện tượng vật lý, đồng thời, giảm gánh nặng về tài chính cho phụ huynh.
Sau 10 năm bén duyên với nghề, thầy Trọng đã giúp nhiều học sinh lớp 10-12 cải thiện cách học môn Vật Lý, thậm chí, đạt điểm 10 trong các kỳ thi cuối kỳ. Trong năm đầu tiên dạy livestream thầy Trọng đã có 10 học sinh lớp 11 đạt điểm 10 Lý, 40 học sinh đạt điểm 9 trở lên trong học kỳ 1.
Bạn Dương Tiến Đạt (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, lần đầu tiên bản thân thấy một thầy cô dạy online thân thiện, dễ gần và có tâm như vậy. Thầy Trọng dạy tỉ mỉ, từng chút một tới khi học sinh thực sự hiểu. Nam sinh thích nhất phương pháp học qua mô hình thực nghiệm bởi có thể nhớ và hiểu ngày khi vừa xem vừa nghe giảng. Trước không thích Vật lý nhưng nhờ thầy, Đạt thấy học vui hơn. Từ mất gốc, cậu đã đạt 9 điểm trong kỳ kiểm tra.
Theo thầy Trọng, khi dạy qua livestream, thầy cô cần có nguồn năng lượng đủ lớn và duy trì suốt buổi học vì đây không chỉ là chia sẻ kiến thức, mà còn lan tỏa năng lượng tích cực qua buổi học. Bên cạnh đó, thay vì truyền tải các định nghĩa khô khan, thầy chú trọng đến thí nghiệm thực tế, phần mềm mô phỏng, trực quan, dễ tiếp cận để học sinh hiểu bản chất và nhớ lâu hơn.
Ông quan niệm: Học Vật lý là phải hiểu bản chất. Nếu đã hiểu, học sinh có thể giải quyết các bài vận dụng và vận dụng cao. Từ đó, mức điểm cũng sẽ nâng lên.
Thầy Trọng còn xây dựng lộ trình rõ ràng từ đầu để người học bám sát, tiếp cận đầy đủ nội dung học, gồm: sách, tiết học livestream, video, giải đáp và hỏi bài. Đồng thời, khuyến khích trao đổi, tương tác với thầy và các bạn ngay trong giờ học để không bỏ lỡ nội dung.
Sau một thời gian phát triển độc lập, thầy Trọng hợp tác cùng Qanda Study, công ty công nghệ giáo dục phát triển hình thức học tập này, để tiếp cận nhiều học sinh trên toàn quốc hơn. Thầy cho biết sự cộng tác này giúp mình cống hiến gấp đôi, gấp ba lần so với trước đây. Hai bên sẽ đầu tư và phát triển cả chất lượng và số lượng các sản phẩm để hỗ trợ học sinh.
"Mục tiêu của tôi trong thời gian tới là cung cấp và hoàn thiện hệ thống toàn diện từ sách, bài giảng video đến các buổi livestream để người học nắm vững kiến thức và tự tin đỗ đại học với điểm số cao", thầy nói thêm.
Thiên Minh