Haven Shepherd quỳ trên tấm ván nhảy cầu, hít một hơi thật sâu và lao mình xuống bể bơi. "Khi tôi ở dưới nước, tôi cảm thấy hoàn toàn tự do, tôi hoàn toàn là chính mình", cô gái 15 tuổi nói với BBC tại bể bơi dành cho vận động viên ở thành phố Carthage, bang Missouri, Mỹ.
Đi bơi là khoảng thời gian hiếm hoi Haven được tạm cất đôi chân giả sang một bên. Mang đôi chân giả nặng nề cả ngày khiến cô bé cảm thấy "mệt mỏi".
Haven Shepherd sinh vào ngày 10/3/2003 ở một làng quê thuộc tỉnh Quảng Nam, Việt Nam và được cha mẹ đặt tên là Đỗ Thị Thúy Phượng. Khi Phượng mới 14 tháng tuổi, cha ruột của cô bé ra một quyết định chết chóc. Ông ta bước căn nhà lụp xụp của gia đình, khóa trái cửa nhốt hai vợ chồng ở bên trong với một cục thuốc nổ TNT. Bé Phượng mắc kẹt ở giữa hai người.
Báo chí địa phương dẫn lời của nhân chứng đưa tin sức ép của vụ nổ giết hai vợ chồng ngay lập tức, còn cô con gái bé bỏng bị hất tung lên không trung khoảng 9m.
"Tôi sống sót qua một bi kịch mà đáng lẽ ra tôi không thể sống sót", cô bé Phượng năm nào giờ là Haven Shepherd nói.
Theo truyền thông, cha ruột của Haven cưới một phụ nữ khác và có con riêng. Khi mẹ của cô bé phát hiện ra sự thật, bà đe dọa sẽ bỏ đi và người đàn ông đó đã quyết định kết liễu cả gia đình. Nhưng ông bà của Haven lại kể cho cháu gái nghe một câu chuyện hoàn toàn khác. Theo họ, hai vợ chồng không thể đến được với nhau nên quyết định cùng nhau tự sát.
Dù sự thật như thế nào, Haven vẫn là nạn nhân. Cô bé được tìm thấy trong tình trạng bị bỏng nặng với các mảnh kim loại găm chi chít trên đầu và hai chân dập nát buộc phải cắt bỏ.
Hồi bé, Haven được mọi người gọi là "đứa trẻ kỳ diệu". Sau vụ nổ, bà ngoại chở cháu đến bệnh viện bằng xe máy qua quãng đường dài và gập gềnh rừng núi nhưng Haven cuối cùng vẫn vượt qua. Ở bệnh viện, việc đầu tiên các bác sĩ làm là phẫu thuật cắt bỏ phần chi từ đầu gối trở xuống để tránh nhiễm trùng. Haven nằm viện điều trị hơn một tháng.
Do quá nghèo, ông bà của Haven trông chờ vào lòng tốt của các gia đình bệnh nhân khác giúp chi trả viện phí cho cháu gái. Báo chí địa phương cũng vào cuộc, kêu gọi sự hảo tâm của bạn đọc.
Khi Haven nằm trong bệnh viện thì cách đó 13.000 cây số, đôi vợ chồng người Mỹ Shelly và Rob Shepherd đang bận rộn với công việc làm ăn và nuôi dạy 6 đứa con. Tưởng chừng như mọi thứ đã viên mãn nhưng bà Shelly không thể nào rũ bỏ cảm giác vẫn còn thiếu một điều gì đó.
"Chúng tôi đến một buổi nói chuyện về việc nhận con nuôi nước ngoài, có rất nhiều trẻ em trên thế giới cần một mái nhà. Tôi ngồi đó lắng nghe và tự nhủ mình không thể làm vậy. Tại sao cơ chứ? Chúng tôi đã sinh 6 đứa con rồi mà", Shelly nhớ lại. Nhưng sau đó, ý nghĩ thoáng qua "Tại sao lại không?" khiến bà mẹ ở bang Missouri không ngừng day dứt.
Rob và Shelly là những người có đức tin tôn giáo mãnh liệt. Gia đình họ luôn rộng cửa chào đón những đứa trẻ cơ nhỡ, khó khăn. Tuy nhiên, nhận con nuôi lại là một việc hoàn toàn khác.
Nhưng số phận đã đưa đẩy hai vợ chồng vượt qua mọi lưỡng lự. Shelly có một người bạn học thời phổ thông tên là Pam Copes. Vợ chồng Pam ôm trong lòng nỗi đau riêng. Năm 1999, con trai họ đột ngột qua đời vì trụy tim sau một buổi tập bóng bầu dục. Họ từng đến Việt Nam vài lần, ghé thăm trại trẻ mồ côi do một người bạn thành lập và tham gia các hoạt động từ thiện để tưởng nhớ cậu con trai xấu số. Những chuyến đi được coi là hành trình chữa lành. Lần này quay trở lại Việt Nam, hai vợ chồng rủ Rob và Shelly Shepherd đi cùng.
Ông bà của Haven trình bày gia cảnh nghèo túng. Họ nhờ Pam đưa cháu gái vào trung tâm nuôi dạy trẻ em khuyết tật. Nhưng Pam và chồng cô cho rằng đó không phải là nơi tốt nhất dành cho cô bé. Họ muốn con bé được một gia đình Mỹ nhận làm con nuôi.
Shelly lên đường sang Việt Nam chỉ với mục đích đơn giản: chuyến đi sẽ giúp hai vợ chồng hiểu hơn về những đứa trẻ đáng thương ngoài kia. Điều họ không lường trước được là cô bé Haven. "Lúc đó, chúng tôi không biết rằng chúng tôi sẽ phải lòng con bé", Shelly nói.
Tháng 10/2004, hai cặp vợ chồng đến Đà Nẵng. 4 người được dẫn đến một ngôi làng trên núi sau hành trình dài bằng ôtô và xe máy. Shelly nhớ rất rõ khoảnh khắc nhìn thấy Haven lần đầu tiên. "Haven nằm trên tay chị gái. Tôi đưa cánh tay ra đỡ lấy con bé. Khoảnh khắc đó cảm giác như chúng tôi đã biết nhau".
Ngày hôm sau, trên bãi biển Đà Nẵng vào lúc sáng sớm, Shelly và Rob thay phiên nhau nhau bế Haven. Con bé tỏ ra rất quấn Rob. Họ bắt đầu cảm thấy như là một gia đình dù biết rằng sẽ sớm phải chia tay vì sau đó vài tuần, Haven đến Mỹ, sống với gia đình mới.
Sau chuyến đi đến Việt Nam, Shelly mang về trái tim tan vỡ. "Giây phút phải trao con bé cho người ta, Shelly gần như sụp đổ", Rob nhớ lại.
6 ngày sau, Shelly bất ngờ nhận được điện thoại của Pam thông báo gia đình nhận nuôi Haven đã thay đổi quyết định. Họ bảo hoàn cảnh gia đình không thích hợp nuôi dạy con bé. Vài tiếng sau cuộc gọi đó, Haven đoàn tụ với cha mẹ nuôi và trở thành một phần không thể thiếu của gia đình Shepherd. Đó là ngày 19/11/2004, ngày cô bé Haven Shepherd gọi là ngày "Con đã tìm được bố mẹ".
"Khi đón con bé ở cửa nhà, gia đình tôi đón nhận mảnh ghép hoàn thiện", Shelly nói 6 đứa con ruột đều ủng hộ quyết định của vợ chồng bà. "Tôi cho rằng chúng tôi vốn là một gia đình đông thành viên, tôi luôn tập trung dạy bọn trẻ về thế nào là yêu thương nhân đôi thay vì nỗi sợ san sẻ. Vì vậy khi có thêm con, điều đó nghĩa là gia đình chúng tôi có thêm tình yêu để chia sẻ cùng nhau".
Giữa những cánh đồng bát ngát trải dài đến tận đường chân trời ở một thị trấn vùng trung tây nước Mỹ, gia đình Shepherd đang quây quần ăn sáng trong căn bếp ấm cúng. Ngoài phòng khách, 13 đứa trẻ cười nói ồn ào. Đứa chập chững chạy quanh phòng. Những đứa lớn hơn sôi nổi nói về một đám cưới sắp diễn ra, chúng kể chuyện chọc cười nhau.
Haven nằm trên thảm vui đùa cùng mấy đứa cháu gái, cháu trai. Đứa tóm lấy tay Haven, đứa nghịch ngợm nhấc chiếc chân giả lên đung đưa trên không. Ngắm các cháu vui đùa, Haven bật ra những tràng cười sảng khoái.
Haven thổ lộ niềm hạnh phúc được là một phần của gia đình Shepherd. "Tôi có 4 chị gái. Các chị luôn trang điểm và chăm chút cho tôi ăn diện. Các chị thực sự là hình mẫu trong cuộc đời tôi", Haven nói. "Lớn lên cùng với một đám anh chị em đang ở độ tuổi trung học, thực sự rất vui". Là út ít, Haven được cưng chiều hết mực. Tuổi thơ trôi qua đầy ắp kỷ niệm đẹp.
Khi lên 5 tuổi, lần đầu tiên Haven hỏi mẹ về đôi chân. Và bà Shelly không giấu giếm. Nghe xong câu chuyện, cô bé ngây thơ thốt lên: "Thật vớ vẩn. Ở Việt Nam làm sao có bom hả mẹ?" Trong khi bà Shelly còn lúng túng vì không biết trả lời thế nào, Haven dường như đã quên mất câu hỏi và vô tư quay lại vui đùa.
Gia đình Shepherd không chỉ cho Haven một mái ấm, họ còn ảnh hưởng đến những quyết định lớn trong cuộc đời cô bé. "Tôi luôn có mặt trên sân xem một trận bóng chuyền rồi đến một trận bóng rổ. Cả nhà ai cũng thích hoạt động thể thao. Vì vậy tôi đã sớm biết sau này mình sẽ trở thành một vận động viên", Haven nói. Và bơi lội là lựa chọn cuối cùng sau nhiều thử nghiệm không thành công với các môn thể thao khác.
"Tôi cảm thấy mình được truyền cảm hứng và năng lượng", Haven tâm sự. "Suốt quãng thời gian trưởng thành, làm việc gì, tôi cũng cần đến sự giúp đỡ của người khác. Còn với bơi lội, lần đầu tiên tôi biết thế nào là tự thân vận động".
Haven bắt đầu tập bơi năm 10 tuổi, chỉ hai năm sau đó, cô bé được tuyển vào đội tuyển bơi chuyên nghiệp, tập luyện quanh năm. Sau sinh nhật thứ 13, đội tuyển quốc gia Paralympic Mỹ bắt đầu để mắt đến Haven.
Cơ hội đến, Haven hạ quyết tâm. Đã đến lúc không thể tiếp tục làm "một vận động viên bơi lội tầm tầm hạng trung", cô bé tự nhủ. Haven tăng cân và áp dụng chế độ tập luyện kỷ luật hơn. Cô bé tham dự các khóa học tại trung tâm huấn luyện dành cho vận động viên tham dự thế vận hội Olympic.
Mùa hè năm ngoái, Haven bay sang Italy cùng đội tuyển Paralympic Mỹ và mang về hai tấm huy chương vàng đồng đội. "Tôi được đội chiếc mũ lưỡi trai in chữ USA. Cảm giác rất ngầu", Haven phấn khích kể về cảm giác tự hào khi được thi đấu vì nước Mỹ.
Haven đang tích cực tập luyện cho kỳ thế vận hội dành cho các vận động viên khuyết tật diễn ra ở Tokyo vào năm 2020. Cô bé 15 tuổi coi vinh dự này là "đỉnh cao trong đời".
"Cô bé không sợ hãi, nao núng", huấn luyện viên nhận xét. "Con bé là một ví dụ điển hình cho thấy bạn vừa có thể là một vận động viên đỉnh cao tập luyện cật lực vừa vẫn là một đứa trẻ vô tư".
Khi không tập luyện hay bận rộn học hành, Haven dành thời gian làm đại sứ đại diện cho những người khuyết tật. Cô bé đến thăm những quân nhân bị cụt chân tay, tham gia những buổi trò chuyện với học sinh phổ thông, ở đó Haven nói về những mặt tích cực khi ta khác biệt. Dù lớn lên giữa những con người lành lặn, Haven chưa bao giờ cảm thấy yếu đuối và mặc cảm về sự khiếm khuyết của mình.
"Tôi có hai lựa chọn. Tôi có thể trở thành con người đầy sợ hãi và luôn cảm thấy bị tổn thương hoặc tôi có thể nghĩ: 'Ồ, anh tấn công tôi bởi vì ghen tị với đôi chân chất phát ngất này'". Và tôi nghĩ theo cách thứ hai".
Gia đình Shepherd dự định sẽ đưa con gái về Việt Nam sau thế vận hội 2020 để cô bé hiểu về cội nguồn của mình, ông Rob chia sẻ.
Sắp bước sang sinh nhật 16 tuổi, Haven chuẩn bị phải làm quen với cuộc sống độc lập. Từ trước đến nay, Haven và mẹ Shelly như hình với bóng. Hàng ngày, bà chở con gái đến trung tâm tập luyện. Nhưng sắp tới, Haven sẽ tự lái xe. "Tôi nghĩ ở trên xe, tôi sẽ gọi điện cho mẹ chỉ để nghe tiếng nói thân thuộc của bà. Bởi vì tôi yêu mẹ lắm", Haven thổ lộ.
Nhắc đến cha mẹ ruột, Haven không có chút oán hận. "Tôi nghĩ tình cảnh của mình chính là lý do giải thích tại sao chúng ta không nên sống một cuộc đời vô định".
An Hồng