"Lái máy bay không giống như lái ôtô, đã lên trời rồi là phải xuống được chứ không thể dừng xe giữa đường để gọi người thân đến trợ giúp", bà Hương nói, sau khi được cấp bằng phi công ngày 4/7.
Gắn bó với công việc của hãng bay, chinh phục bầu trời trên chiếc máy bay tư nhân là giấc mơ kéo dài hai thập kỷ của chị Hồ Thanh Hương, CEO Bluesky Airways. Đến hè năm nay, chị tạm gác những trăn trở công việc, đăng ký trở thành học viên khóa đào tạo phi công của Trường Đào tạo phi công Bay Việt. Trường đặt tại Việt Nam, đáp ứng đặc thù nghề nghiệp bận rộn. Chương trình học thiết kế đầy đủ lý thuyết và thực hành, đảm bảo phi công tốt nghiệp có đủ khả năng để điều khiển tàu bay an toàn. Trường cũng dùng tàu bay mới xuất xưởng để giảng dạy.
Chị Hương cho biết, tuổi tác, giới tính không phải là rào cản trong việc chinh phục bầu trời, đặc biệt là trong việc được điều khiển những chiếc máy bay đăng ký tư nhân. Để trở thành phi công thực thụ, yêu cầu lớn nhất là sức khỏe. Sau khi được cấp bằng, muốn thực hiện các chuyến bay cũng cần rèn luyện thể chất. Trong hàng không có kiểm tra sức khỏe định kỳ, chứng chỉ sức khỏe (còn hạn) phải luôn được mang kèm theo bằng lái khi ra phi trường.
Một tiêu chí khác là giỏi tiếng Anh vì toàn bộ tài liệu học, khai thác đều bằng ngôn ngữ này. "Để liên lạc với các đài chỉ huy không lưu, phi công phải giao tiếp được bằng tiếng Anh", chị Hương nói. Phi công cũng yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh đặc thù là ICAO, tương tự các chứng chỉ TOEFLE, IELTS.
"Học phi công cũng cần đầu tư tài chính. Chi phí cho một giờ bay khoảng 250-350 USD tùy từng loại tàu", nữ CEO tiết lộ.
Gian nan học hạ cánh
Miêu tả quá trình học lái máy bay, CEO Hồ Thanh Hương cho biết phần lý thuyết không quá khó, nhưng học trong một khoảng thời gian ngắn cần đến khả năng chịu sức ép.
Trong thực hành, điều ấn tượng nhất mà cũng gian nan nhất với nữ CEO là các bài học hạ cánh. Thử thách nhất là Stall Recovery: tàu mất lực nâng và học viên phải lấy lại trạng thái cân bằng để thực hiện tiếp chuyến bay. Trong bài này, thầy giáo sẽ hướng dẫn thao tác cho tàu mất lực nâng rồi yêu cầu khôi phục.
"Lúc đó tàu bay đã rớt mũi và chúi xuống, nhìn thấy cả cánh đồng bên dưới rồi. Trong thực tế nếu không làm được là tàu sẽ rơi tự do xuống đất từ độ cao mấy nghìn mét", chị Hương mô tả.
Vì là nữ nên tay lái yếu hơn các bạn nam. Có những lúc học mãi mà không hạ cánh được, chị "tức phát khóc". Những ngày mới làm quen, hạ cánh bị hỏng, thầy giáo phải can thiệp, chị lại quên ăn quên ngủ để tập từ đầu.
Thời gian eo hẹp cũng khiến nữ CEO chạy như con thoi để cân đối học hành và công việc. Giờ hành chính chị đi học, sáng sớm hoặc khi nghỉ trưa sẽ duyệt email, tờ trình. Tối về lại ôn tập lý thuyết, vào kỳ thi thức trắng đêm để nghiền ngẫm sách vở là chuyện thường. Nhưng bù lại, các môn học rất thú vị, nhiều môn trước kia chị chưa từng biết đến như khí động học, thời tiết, yếu tố con người trong khi bay...
Để vượt qua kỳ thi sát hạch của Cục Hàng không Việt Nam, chị cũng cần vượt qua hàng loạt bài thi hạ cánh khẩn cấp trong các tình huống thời tiết chuyển xấu giữa chuyến bay, thiết bị lỗi không hoạt động - thậm chí tắt động cơ hoàn toàn.
Nói về kế hoạch sắp tới, nữ CEO cho biết sau khi có bằng lái sẽ tiếp tục học để nâng cao kỹ năng. Chị cũng sẽ tham gia các câu lạc bộ bay (Flying Club) - tập hợp những người có bằng lái tàu bay tư nhân giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm.
"Tôi mong muốn truyền cảm hứng cho các bạn trẻ hiện thực hóa mọi giấc mơ của chính mình", chị bày tỏ.
Thái Anh