Thứ năm, 9/3/2023, 08:00 (GMT+7)

Cuối thế kỷ 19, thời điểm sau Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, hàng loạt nhà máy, công xưởng mọc lên đem đến sự nhộn nhịp, năng động cho nước Đức, đặc biệt là thủ đô Berlin. Tuy nhiên, thời điểm đó, Otto Johannes Grohe, 28 tuổi, tên thường gọi là Hans, làm nghề thợ dệt đã quyết định rời khỏi thành phố. Sau khi vợ mất, Hans cùng ba đứa con là Helene, Liesel và Hans Junior đã lên tàu đi về Schiltach, một thị trấn nằm ở phía đông dãy núi Rừng Đen, cách Berlin gần 800 km.

Khi còn là thợ học việc, Hans đã biết đến Rừng Đen từ ba năm trước. Vài ý tưởng lóe lên trong đầu Hans, với ông "không chỉ có vàng ở thành phố". Hans bị cuốn hút bởi vẻ đẹp mềm mại của dòng nước - thứ ông tin rằng mang năng lượng chữa lành, và thung lũng Kinzig đã mê hoặc ông với những dòng suối trong vắt.

Vào những năm 1900, Hans đã dùng một nhà kho bỏ hoang, trước đây vốn là xưởng cưa cũ để tập tành học về nghề thủ công cơ khi ở tuổi 29. Với sự sáng tạo và khéo léo của mình, những vật dụng do ông làm ra như vỏ đồng hồ, các loại đèn, nồi hơi... bán rất chạy.

Tuy vậy, những điều này chưa làm ông thỏa mãn. Trong những ngày chuyển giao thế kỷ, khi chứng kiến điều kiện vệ sinh của mọi người còn nhiều hạn chế, Hans muốn thử nghiệm một sản phẩm gì mới mẻ, giúp cải thiện điều kiện sống lúc bấy giờ. Ông đã sáng tạo ra vật dụng mới bằng cách ép tấm đồng thau thành hình và đục nhiều lỗ nhỏ để dẫn nước, đó là ý tưởng sơ khai về vòi hoa sen sau này. Hình ảnh này hiện vẫn còn được lưu trữ trong sổ đăng ký thương mại năm 1905 ở Schiltach. Chính ý tưởng đó đã định hình nên con đường kinh doanh cốt lõi sau này của Hans: tạo nên những cống hiến lớn cho cộng đồng.

Giai đoạn đầu, Hans phải vật lộn với công việc kinh doanh khi phải tự làm mọi thứ, nhiều ngày làm liên tục 16 tiếng. Ông cũng kiêm luôn việc giao hàng như những người chuyển phát nhanh. Với sự quyết liệt trong sáng tạo, Hans đã đặt những biện pháp kiểm soát gắt gao chất lượng sản phẩm ngay từ đầu. Không một sản phẩm nào được mang ra khỏi dây chuyền mà chưa qua kiểm tra. Sau một thời gian, ông đã xây dựng nhà máy đầu tiên với trung tâm hậu kiểm ở sân sau ngôi nhà mới tại Auestraße.

Từ năm 1908, Hans đã đi khắp châu Âu để quảng cáo danh mục sản phẩm đồng thời tìm kiếm những giao dịch mới. Ông đồng thời phát triển thêm nhiều hình thức phân phối và dịch vụ tại chỗ. Theo biên niên sử của gia đình, năm 1913, công ty đã vươn lên thành một trong những nhà cung cấp thiết bị vệ sinh chuyên nghiệp hàng đầu nước Đức.

Tuy nhiên khi Chiến tranh Thế giới thứ Nhất nổ ra, kinh tế điêu đứng, ngưng trệ đã kéo theo nhiều khó khăn cho công ty của gia đình Hans. Với lòng dũng cảm và tầm nhìn xa, Hans đã lèo lái đưa doanh nghiệp vượt qua cơn bão. Các thiết bị vệ sinh của công ty vẫn được sản xuất đều đặn bất chấp việc thiếu công nhân lành nghề và bị quân đội nước ngoài chiếm đóng.

Năm 1927, ở tuổi năm 53, ông Hans thuê 96 người cho các công việc quản lý để có nhiều thời gian tập trung cho phát minh. Một trong những cột mốc quan trọng của công ty, đồng thời tạo nên bước ngoặt lịch sử của thiết bị nhà tắm là sự ra đời của vòi hoa sen có tay cầm bằng sứ trắng năm 1928. Phát minh này trở thành thiết bị bán chạy nhất của công ty, góp phần định hình thói quen tắm rửa của nhiều người.

Năm 1938, Hans đạt doanh thu 1,9 triệu reichsmark (đơn vị tiền tệ ở Đức từ năm 1924 cho đến 20/6/1948 tại Tây Đức). Năm 1934, bộ thoát nước, bộ xả bồn tắm tự động và những vòi hoa sen do Hans phát minh tiếp tục tạo tiếng vang trên thị trường, mang lại trải nghiệm mới lạ cho hàng triệu người.

Nước Đức bắt đầu phục hồi kinh tế vào những năm 1950, tạo bước đệm thuận lợi để Hans Grohe mở rộng và phát triển doanh nghiệp. Thương hiệu của Hans hiện diện ở khắp nơi và được nhiều chủ nhà hàng, khách sạn hạng sang tại Đức săn đón thời bấy giờ. Năm 1953, dòng sản phẩm Unica ra mắt, tạo dấu ấn về sự sạch sẽ, sang trọng trong không gian nhà tắm.

Ở tuổi 82, Hans Grohe đã để lại bản vẽ phát minh cuối cùng - thanh treo vòi hoa sen, một sản phẩm hiện vẫn là tiêu chuẩn của phòng tắm trên thế giới. Hans trao quyền quản lý cho các con trai và qua đời năm 1955.

Nếu như Hans Grohe được xem là người đặt nền móng, đưa nhiều người châu Âu biết đến, thì con trai út Klaus Grohe là người mở rộng Hansgrohe từ công ty cỡ trung bình ở miền nam nước Đức lên quy mô toàn cầu. Klaus sinh năm 1937, cách người anh kế Hans Junior và Friedrich 42 và 22 tuổi nhưng là người thừa hưởng tài năng và tính cách tương đồng nhất với cha mình.

Ngay từ khi còn là đứa trẻ, Klaus đã khiến mọi người kinh ngạc với khả năng của mình khi mày mò chế tạo ôtô, thiết bị. Ở tuổi 28, Klaus đầy nhiệt huyết bước chân vào thế giới anh mơ ước. Ban đầu, anh làm đủ các vị trí, từ Trưởng phòng tổ chức ở Schiltach đến trưởng phòng tiếp thị... Năm 1977, ở tuổi 40, Klaus được bổ nhiệm làm CEO duy nhất của công ty.

Klaus được đánh giá cao là người thích làm mọi thứ và có tầm nhìn xa trông rộng. Một năm sau khi Klaus điều hành, doanh thu của công ty đạt 120 triệu Deutsche Mark (đơn vị tiền tệ chính thức của Tây Đức từ 1948-1990) và của Cộng hòa Liên bang Đức từ 1990-2002). Doanh thu này gấp 3-4 lần so với năm 1968 khi ông mới gia nhập. Vào cuối khoảng thời gian ông nắm quyền, doanh thu của công ty đạt gần một tỷ USD.

Klaus là một ông chủ ít khi xuất hiện với dáng vẻ cà vạt và comple, nhưng chưa bao giờ ngừng thúc đẩy toàn nhân viên tập đoàn tiến về phía trước. Cuối những năm 1960, Klaus Grohe bắt đầu số hóa công ty. Ông cũng nghĩ đến những mẫu logo đầu tiên, định hình giá trị thương hiệu trên trường quốc tế. Sự thanh lịch, sang trọng, tối giản đã định hình nên phong cách của thương hiệu Hansgrohe.

Song song đó, Klaus đã đưa các dòng sản phẩm chủ chốt trở thành những tên tuổi nổi tiếng trên toàn cầu như Selecta (những năm 1960), Tribel (những năm 1970), Axor (những năm 1990) hay đến nay là Pulsify, Raindrain... Trong đó, dòng Axor với thiết kế tối giản, tinh tế vượt thời gian là sự hợp tác từ các nhà thiết kế nổi tiếng thế giới như Philippe Starck, Antonio Citterio... dần trở thành biểu tượng cho nhà tắm sang trọng của giới thượng lưu, truyền cảm hứng trong việc định hình các không gian liên quan đến nước. Hansgrohe hiện có hơn 700 giải thưởng thiết kế và nhiều bằng sở hữu trí tuệ sản phẩm.

Đến nay, tập đoàn có bề dày gần 122 năm tuổi này đã xuất hiện tại hơn 150 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Với tầm nhìn sâu rộng, đại diện Hansgrohe đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng, định hướng kinh doanh lâu dài. Hiện, các sản phẩm của tập đoàn đã xuất hiện tại nhiều dự án cao cấp như Capella Hanoi (Hà Nội), Hilton Saigon Hotel, Marriott Oriental Saigon (TP HCM)...

"Hansgrohe định hướng Việt Nam là một trong những thị trường phát triển trọng tâm và ngày càng mở rộng. Tập đoàn cũng có kế hoạch mở rộng mạng lưới đối tác lớn, kỳ vọng tạo chỗ đứng mới trong ngành bất động sản Việt Nam", Giám đốc kinh doanh khu vực các nước đang phát triển của Hansgrohe Group cho biết.

Nội dung: Diệp Anh - Thiết kế: Thái Hưng

Thông tin chi tiết về Hansgrohe Group xem tại đây và Axor tại đây.