Lê Kim Tùng và Yến Nhi là hai người con của vợ chồng bà Trần Thị Thắm, 52 tuổi ở TP Hải Phòng. Bà Thắm từng nghĩ mình có một gia đình bình thường với hai đứa con đủ nếp tẻ.
Nhưng khi cậu con trai lên ba, vợ chồng bà phát hiện Tùng chỉ thích mặc váy, áo hồng. Khi chơi đồ hàng, cậu bé luôn xung phong đóng vai mẹ. Trong khi đó, con gái Yến Nhi cứ nhìn thấy sắp phải mặc váy là khóc thét. Nghĩ các con bướng bỉnh, vợ chồng bà Thắm nhiều lần dùng roi vọt để ép con làm theo ý mình.
Ông bố bắt con trai phải ăn nói to, dõng dạc, con gái phải mặc váy, nuôi tóc dài. "Nếu làm khác đi, bố lấy roi vụt tới tấp", Tùng nhớ lại. Không giải thích được sự khác biệt của mình, Tùng gồng lên tập sống như một chàng trai, để đầu đinh, đi giày thể thao, hay tụ tập đánh nhau.
Thế nhưng, chất nữ trong Tùng không thể che giấu. Hà Dung, người bạn thời thơ ấu của Tùng kể: "Sau những phút hùng hổ như vậy, cậu ấy trò chuyện nhẹ nhàng hơn cả các bạn gái khác trong lớp, dễ xúc động". Tùng hay chia sẻ với bạn thân ước mơ đi hát, làm diễn viên để đóng các vai nữ tướng.
Những đứa trẻ cùng trường hay trêu Tùng là "đồ bê đê". "Tôi nhạy cảm đến mức chỉ cần người ta nhìn thôi là nghĩ ngay họ đang muốn trêu chọc mình. Còn ai công khai trêu, tôi sẽ chạy đến đánh cho bằng được, bắt gọi bằng 'anh' để chứng tỏ mình là đàn ông", Tùng nhớ lại.
Sau những lần đánh nhau, Tùng thường về khóc một mình và không hiểu vì sao mình lại như vậy. Một thời gian dài Tùng cộng tác với Đài phát thanh, truyền hình Hải Phòng với vai diễn là một cậu nhóc trong các phim ngắn. Tuy nhiên, Tùng sợ nhìn thấy hình dáng con trai của mình nên không dám xem lại phim. Cho đến khi tiếp cận với cộng đồng người chuyển giới nữ qua Internet, Tùng mới hiểu được sự khác biệt của bản thân.
Chưa "tìm lại được mình", Tùng bàng hoàng biết một sự thật khác khi phát hiện cô em gái Yến Nhi đọc truyện về tình yêu trong cộng đồng LGBT. "Tôi ngồi không vững, ôm mặt khóc tu tu. Tôi mang hình hài này đã là bi kịch, không ngờ em cũng giống tôi", người anh cả năm xưa kể.
Tùng viết một lá thư, nhét vào cặp em để hỏi nhưng bằng linh cảm của một người con gái và người trong giới, Tùng biết câu trả lời của em là nói dối.
Để che mắt gia đình, Yến Nhi thường đi dép con gái đến trường rồi thay bằng đôi sandal tự mua. Cô mặc áo lá (loại áo lót cho con gái tuổi dậy thì) mẹ mua cho, nhưng trước khi vào lớp lại đến nhà vệ sinh thay bằng áo phông. Mùa hè, Nhi vẫn mặc hai áo để giấu bộ ngực tuổi mới lớn.
Trong khi đó, Tùng bắt đầu thể hiện bản tính giới của mình. Năm 20 tuổi, cậu được một nhóm chuyển giới nữ ở Hải Phòng mời đi diễn. Lần đầu đi guốc, mặc áo dài, Tùng không chút ngượng ngùng. "Diễn xong, tôi chụp hẳn một bộ hình làm kỷ niệm vì quá hạnh phúc", cậu kể. Tùng có cơ hội trang điểm, để tóc dài, đi guốc ngày càng nhiều mà không bị ai trêu chọc khi trở thành một cô đồng.
Có lần, người anh nghe tin Yến Nhi bị bắt nạt ở trường, lập tức lao đến bảo vệ. Trên đường về, Tùng hỏi: "Nhi thích con gái hả?". Đứa em không trả lời mà hỏi: "Thế anh có yêu con trai không?". Không có câu trả lời nhưng cả hai cùng cười.
"Tôi biết mình không đơn độc", Nhi hồi tưởng. Sau lần đó, Tùng dẫn em đi cắt phăng mái tóc dài mà mẹ từng rất tự hào. Lúc đó bố mẹ đã chia tay, hai đứa trẻ chọn ở với bố. Cắt tóc về, bị bố dọa đánh, Nhi không còn sợ vì biết Tùng sẽ bảo vệ mình.
Tùng đổi tên thành Kim, công khai là con gái. Yến Nhi cũng chuyển thành Bình Nhi, sống như một chàng trai. Chứng kiến sự thay đổi từng ngày của các con, ông bố dần chấp nhận. Nhưng người mẹ thì không.
Năm 2019, Kim giấu bố mẹ đi phẫu thuật ngực. Về nhà đúng hôm có giỗ, cô xuất hiện toàn thân băng kín. Người thân, họ hàng không quá ngỡ ngàng nhưng mẹ cô nhắn: "Mẹ làm sao ngẩng mặt nhìn mọi người được đây?".
"Cơ thể đang đau đến khó thở mà đọc tin nhắn của mẹ càng đau hơn", Kim kể nhưng cho biết lựa chọn của mình không sai.
Kim tham gia vào cộng đồng dành cho người chuyển giới, truyền cảm hứng sống tích cực cho mọi người, đồng thời tuyên truyền về tình dục đồng giới lành mạnh. Những sự kiện tham gia, những kiến thức về người chuyển giới tìm hiểu được, Kim chia sẻ trên mạng xã hội, gắn thẻ tên mẹ dưới bình luận. Có các bài viết, chia sẻ của cộng đồng LGBT, cô gửi ngay cho mẹ. Cứ như vậy, bà Thắm dần hiểu các con đang sống với con người thực của chúng.
Khi mẹ mở lòng hơn, Kim rủ bà và em đến dự một sự kiện về LGBT. Trong sự kiện đó, bà Thắm được mời lên sân khấu. Đứng trên bục, người phụ nữ òa khóc: "Tôi thực sự rất buồn khi biết cả hai đứa con đều là người chuyển giới. Chúng không thể sinh cho tôi những đứa cháu. Nhưng giờ đã hiểu hơn, tôi chấp nhận sự thật này, miễn sao các con hạnh phúc, được là chính mình".
Tại sự kiện này, Kim giới thiệu em trai Bình Nhi với một người bạn cũng là chuyển từ nữ sang nam. Được tư vấn, Bình Nhi đi tập gym để phát triển cơ bắp, chuẩn bị phẫu thuật cắt ngực. "Nhờ cuộc gặp đó, tôi tự tin hơn vào bản thân mình và có mục tiêu để thay đổi", Bình Nhi nói.
Hiện tại, ngoài hoạt động cộng đồng, Kim và Bình Nhi đều đã có công việc riêng. Bình Nhi dọn ra ở riêng để tự lập và khẳng định bản thân. Không chỉ sống vui, mang lại thu nhập cho chính mình, chị em Kim còn giúp đỡ được bố mẹ.
"Để bù đắp cho nỗi đau mà bố mẹ phải chịu, chúng tôi luôn cố gắng sống thật vui vẻ, hạnh phúc. Đôi khi phải đối mặt với sóng gió, chị em tôi cũng không dám tâm sự với họ, vì sợ bố mẹ phiền lòng", Kim, giờ đã là một cô gái đầy nữ tính, nói.
Phạm Nga