Nếu gặp Lê Dương Thể Hạnh hiện tại, ai cũng ngỡ rằng cô giống như những người khuyết tật bình thường khác mà thôi, nhưng nếu tiếp xúc với cô, tìm hiểu về cuộc đời cô thì chắc hẳn ai cũng sẽ ngỡ ngàng bởi chẳng hiểu sức mạnh và nghị lực ở đâu mà có thể đủ sức vượt qua khó khăn, đau khổ để có được như ngày hôm nay.
Là con gái út trong một gia đình có 6 người con tại Đà Lạt, thành phố của những rừng thông vi vu, biết bao loài hoa khoe sắc dịu dàng cùng hoàng hôn đẫm lệ. Tuổi thơ cô là những tháng ngày êm đềm bên trang sách và ngập tràn tình yêu thương của cha mẹ, anh chị. Sau đó, Thể Hạnh đã rời xa quê vào Sài Gòn trở thành sinh viên khoa Đông Phương, ngành Nhật Bản tại trường Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Ở tuổi hơn 20, trong khi bạn bè còn đang chật vật tìm hướng đi cho tương lai, Thể Hạnh đã khẳng định mình bằng vị trí thông dịch viên, kiêm thư ký tổng giám đốc trong một công ty Nhật Bản. Năm 2007, khi bước vào tuổi 26, cô dự định sẽ lập gia đình cùng với chuyến sang Nhật tu nghiệp theo quyết định của công ty. Nhưng rồi, một buổi chiều cuối tuần không tươi đẹp, sau một cơn đau đầu khủng khiếp, bác sĩ đã phát hiện ra khối u nơi bán cầu não trái. Và từ đó, cuộc đời cô bước sang một trang mới, một trang sách mà cô chẳng muốn đọc bao giờ.
Ở cái tuổi chuẩn bị đón nhận tinh tú của cuộc đời, vào đúng lúc sự nghiệp thăng hoa nở rộ nhất thì bệnh tật lại đến với Thể Hạnh như một cơn ác mộng. Sau ca phẫu thuật lần đầu, ngỡ rằng mình sẽ lại khỏe mạnh bình thường, và mơ đến ngày khoác chiếc áo cô dâu để ghép vần bài thơ tình lãng mạn, nhưng rồi những cơn đau đầu lại cứ hành hạ từng đêm. Ca phẫu thuật lần thứ hai vẫn không đẩy lùi nỗi ám ảnh kinh khủng ấy trong cơ thể cô gái trẻ. Tuy nhiên, lần thứ ba lên bàn mổ đã mang lại sự sống, chấm dứt những cơn đau kéo dài mà cô phải chịu đựng bấy lâu nay.
Những tưởng hạnh phúc sẽ trở lại trên môi, nhưng đây cũng chính là lúc cô ngậm ngùi chia tay với ánh sáng, trở thành người khuyết tật nặng khi hai chân không đi lại được, đôi tay này ngày xưa biết nấu đủ món Bắc, Trung, Nam, giờ cầm không nổi con dao thái thịt, thậm chí đôi đũa cũng không thể nâng lên được. Đôi bàn chân một thời ngang dọc, nhưng bây giờ lại không thể bước lên nổi một bậc cầu thang ngay trong chính ngôi nhà của mình. Một bên tai trái của Thể Hạnh hoàn toàn vô cảm, chỉ còn lại thính lực không trọn vẹn của tai phải. Giọng nói lưu loát của một thông dịch viên ngày nào chỉ còn là đống tro tàn dĩ vãng vì cơ miệng bị lệch hẳn sang phía phải, phát âm cũng theo đó bị méo mó.
Kể từ đó, mọi sinh hoạt của cô gái trẻ này đều trở nên phụ thuộc vào người thân. Mối tình thơ mộng gần một thập kỷ ngỡ rằng sẽ đơm hoa kết trái cũng dở dang không đoạn kết. Nỗi đau thể xác, cộng với nỗi đau tinh thần nhiều dằn vặt khiến cô từng nghĩ tới cái chết để kết thúc mọi đau đớn.
Từ đó, Thể Hạnh tạm biệt cuộc sống năng động nơi phố thị, chia tay những ước mơ tuổi trẻ vẫn còn đang dang dở để về lại quê hương. Hơn mười năm trước có một cô gái xinh đẹp xa quê để lên đường vào đại học, chuẩn bị hành trang cho tương lai, thì hôm nay cô gái ấy về lại nơi này bằng một cơ thể khuyết tật nặng với không gian xung quanh chỉ toàn bóng tối. Song, trong thâm tâm người con gái bất hạnh vẫn sáng rực niềm tin khi được người thầy khiếm thị Nguyễn Quốc Phong, chủ nhiệm mái ấm Thiên Ân, TP HCM chia sẻ: "Hãy nhớ, mù không phải là chấm hết, những gì không thay đổi được thì cố gắng vui vẻ chấp nhận".
Như một đứa trẻ được sinh ra lần thứ 2, ba mẹ vẫn là người chăm bón cho Hạnh từng muỗng cháo, thìa sữa. Tình thương bao la vô bờ bến của ba mẹ đã tạo cho cô sức mạnh để đứng lên mắt đầu cuộc sống mới. Nếu mẹ là bà tiên nhân ái hiện ra để chăm từng bát cơm, manh áo, thì ba lại hiện hữu như ông bụt trong truyện cổ tích dìu dắt cô đi giữa cuộc đời. Sau khi trở thành đứa bé tuổi 30, mỗi buổi chiều ba lại đưa cô đến sân trường tiểu học gần nhà với mong ước những ký ức tuổi thơ ùa về, giúp cô con gái có thể tập nói và tập đi được tốt hơn.
Kết quả mang lại ngoài sức mong đợi. Cô gặp gỡ thầy Vũ Xuân Trường, một tấm gương sáng vươn lên số phận, chủ tịch Hội người mù tỉnh Lâm Đồng theo giới thiệu của thầy Nguyễn Quốc Phong. Và môi trường này là một trong những nơi giúp cho cô có thêm nghị lực bước tiếp trên đường đời.
Mong muốn mang lại cho đời nhiều công việc có ý nghĩa bằng chút sức lực còn lại trong cơ thể, cô bắt đầu làm quen với máy tính trong vai trò của một người khiếm thị. Lại một quãng đường đầy chông gai, thử thách tiếp tục. Cái khó lớn nhất là người mù sử dụng máy tính chủ yếu dựa vào tai và tay, nhưng cả thính giác và xúc giác của cô đều không trọn vẹn càng làm cho vấn đề đã khó lại càng trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Có lúc Hạnh tưởng chừng như bỏ cuộc vì mỗi lần ngồi gần máy tính thì bao ký ức một thời lại ùa về, nước mắt cũng vì thế mà tuôn ra nhiều hơn.
Qua Internet, cô trở thành cô giáo dạy tiếng Anh và Nhật miễn phí cho người khiếm thị ở Đà Lạt, Hà Nội, Phú Thọ, TP HCM. Ngoài ra, cô còn dạy tiếng Việt cho học trò ở Mỹ, Australia. Tiếp theo cô cho ra đời website sacmauhyvong.com với 3 thứ tiếng Anh, Nhật, Việt. Mong muốn làm nhiều việc có ích hơn cho đời, cô vào lại Sài Gòn. Và lần này cô đã trở lại ngôi trường khiếm thị đầu tiên, gặp lại người thầy đã trao cho cô chữ "Nhẫn" sáng rực niềm tin năm nào ở Mái ấm Thiên Ân. Lần trở lại này, cô đã phối hợp cùng Mái ấm Thiên Ân thực hiện nhiều dự án, chương trình ý nghĩa như dự án thư viện chữ nổi dành cho người mù, chương trình giao lưu đội ngũ trí thức du học nhiều năm ở Nhật, những người bạn Nhật với các bạn nhỏ không may bị mất đi ánh sáng; tổ chức Tết Trung thu, Tết thiếu nhi, thăm hỏi, trao quà cho người mù…
Với những nỗ lực không mệt mỏi vươn lên số phận, cô đã đạt được nhiều thành tích mà người bình thường khó làm được: giải nhì và một giải phụ đặc biệt “Gương mặt truyền thông cơ sở xuất sắc” trong cuộc thi viết văn “Máy tính cho cộng đồng thay đổi cuộc sống” của Quỹ Bill & Melinda Gates. Giải thưởng này đã giúp cô có cơ hội gặp gỡ bà Deborah Jacobs, Giám đốc chương trình thư viện toàn cầu của Quỹ Bill & Melinda Gates. Cô đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ 27 gương mặt được vinh danh trong đêm Gala "Tỏa sáng nghị lực Việt" cùng Nick Vujicic, chàng trai không tay chân đến từ Australia tháng 5/2014 tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Sắp tới cô sẽ cùng với NXB phụ nữ sẽ cho ra mắt cuốn sách viết về mình.
Mai Dung
Từ nay đến ngày 20/12, bạn có thể chia sẻ câu chuyện về chân dung những phụ nữ tự tin, tiến bước ngoài xã hội và có những đóng góp cho cộng đồng, đặc biệt cho phụ nữ qua bài viết dạng text kèm 2 tấm hình của nhân vật. Gửi file word và hình ảnh về địa chỉ email: giaithuongtutintienbuoc@gmail.com. Trong bài ghi rõ địa chỉ liên lạc của người viết và của nhân vật. Tác giả bài viết chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong bài.
Mỗi tuần, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng Công ty P&G sẽ chọn ra một bài viết hay nhất để trao quà tặng là một năm sử dụng miễn phí sản phẩm Ariel.