Năm 1989-1990, Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga chuyển ba con cá heo xám từ Nga sang Nha Trang (Khánh Hoà) để phục vụ nghiên cứu khoa học và biểu diễn xiếc. Nhưng do chưa được đầu tư và nghiên cứu đầy đủ về khả năng thích nghi với khí hậu nhiệt đới nên chúng đã chết sau đó. Năm 2000, Trung tâm lại phối hợp với Công ty Utrishi Delphin (Nga) tiếp tục chuyển bốn con cá heo xám từ biển Đen sang Việt Nam. Nhưng “làm thế nào để không bị lặp lại vết xe đổ của năm 1990? Thế là đề tài “Nghiên cứu khả năng thích nghi của cá heo di nhập từ Nga trong điều kiện nhiệt đới tại TP HCM nhằm làm cơ sở cho việc sử dụng cá heo biển Đông Việt Nam, phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, kinh tế và bảo vệ nguồn lợi” ra đời vào tháng 6/2001.
Một trong những công việc đầu tiên của nhóm nghiên cứu là pha chế nước biển nhân tạo. Cá heo xám di nhập từ Nga là loài sống trong điều kiện môi trường ôn đới, nhiệt độ ổn định từ 16 đến 21 độ C. Trong khi nhiệt độ môi trường nhiệt đới của Việt Nam cao hơn nhiều, cá rất dễ bị sốc và chết.
Chính vì điều này mà trong giai đoạn đầu khi di nhập cá heo từ Nga về phải tốn một chi phí rất lớn để vận hành hệ thống làm lạnh, đưa nhiệt độ xuống tương đương với môi trường sống của cá heo xám ở Nga. Sau 12 tháng nuôi, nhóm nghiên cứu bắt đầu nâng nhiệt độ lên 2 độ C và ổn định trong thời gian hai tháng; sau đó rút ngắn thời gian xuống còn một tháng. Cứ thế, trong gần 1 năm ròng, việc này được lặp lại nhiều lần để nâng nhiệt độ lên. Mãi đến tháng 3/2002, cá heo xám biển Đen mới thích nghi được điều kiện sống ở môi trường nước có nhiệt độ 26-28 độ C.
Khâu thức ăn của cá heo cũng rất kỳ công. Cá heo ăn rất khỏe, hằng ngày chúng tiêu thụ một khối lượng thức ăn bằng khoảng 10-12% trọng lượng cơ thể, chủ yếu là các loại đặc sản biển như cá thu, cá trích, cá ngừ, cá nục… Thức ăn phải được kiểm tra nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn và phải đông lạnh sâu, thường từ âm 15 đến âm 20 độ C. Theo các nhà khoa học, điều kiện sống không tuân thủ nghiêm ngặt sẽ khiến cá heo xám bị bệnh. Tiến sĩ Nguyễn Thị Nga, chủ nhiệm đề tài cho biết, cá heo là động vật máu nóng, thở bằng phổi nên rất dễ mắc các chứng bệnh giống hệt như người: sưng phổi, nhiễm trùng, bệnh tim, bệnh đường ruột, các loại nấm ngoài da… Vì vậy, cá heo vẫn được kiểm tra sức khỏe định kỳ, mẫu máu của chúng được đưa đi phân tích theo dõi từng tháng một. Công đoạn còn lại là dạy cá heo “học cũng cực kỳ công phu.
“Anh Hùng”, diễn viên cá heo đầu tiên của Việt Nam
Đoàn chuyên gia Việt Nam, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nga, lênh đênh trên biển suốt 300 ngày để khảo sát về cá heo ở một số vùng biển nước ta. Mãi tới đầu năm 2003, đoàn mới dụ bắt được một cặp cá heo: một đực và một cái tại vùng biển Kiên Giang. Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển các chuyên gia nhận thấy con cái sức khỏe không đảm bảo nên quyết định thả lại biển. Còn con đực được chuyển về lưu giữ, thuần hóa thích nghi trong bè tại đảo của Kiên Giang. Tiến sĩ Nga cho biết kết quả phân loại theo hình thái đã xác định đây là cá heo thuộc loài Tursiops aduncus và được đặt tên là cá Anh Hùng (tên của hai người trong đoàn đánh bắt).
"Anh Hùng" nặng 110 kg, dài 1,95m và được khoảng 2 tuổi rưỡi. Các chuyên gia đánh giá đây là con cá heo rất thông minh và tình cảm, thân thiện, đặc biệt thích nghi rất nhanh. Hiện “Anh Hùng” đang được nuôi dưỡng và học tại Câu lạc bộ cá heo Suối Mơ, quận 9, TP HCM. “Cậu học trò” tiếp thu khá nhanh, chỉ một thời gian ngắn đã có thể biểu diễn một số động tác xiếc cơ bản như lấy vòng, vỗ tay chào khán giả… Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ xem xét việc “nghiên cứu cho đẻ nhân tạo cá heo tại Việt Nam”.
(Theo Tuổi Trẻ)