Astra bắt tay với đội ngũ Đại học Oxford (Anh) và Viện Huyết thanh Ấn Độ để nghiên cứu phát triển các mũi tiêm vaccine ngừa Covid-19 dựa trên chủng virus đầu tiên, từ tháng 1/2020. Trong các thử nghiệm ban đầu, hiệu quả của vaccine là 60-80%.
Ở thời điểm đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết vaccine đủ an toàn và hiệu quả để sử dụng. Truyền thông Anh cũng coi đây là "tia hy vọng" sau khoảng thời gian thế giới rối loạn vì chủng virus nguy hiểm đến từ Vũ Hán, Trung Quốc. Guardian đưa tin vaccine có thể bảo vệ 70,4% người dùng khỏi mắc bệnh - một kết quả được đánh giá là "đáng ngạc nhiên". Hiệu quả của vaccine lên tới 90% nếu sử dụng liều đầu tiên thấp hơn, tờ báo này nêu rõ.
Pascal Soriot, giám đốc điều hành AstraZeneca, khi ấy cho biết vaccine có hiệu quả cao chống lại Covid-19, sẽ tác động ngay lập tức đến tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Hãng cũng cam kết bán vaccine phi lợi nhuận, nâng cao khả năng tiếp cận rộng rãi, công bằng và kịp thời. Điều này có nghĩa vaccine được định giá phải chăng, có sẵn trên toàn cầu, có thể phân phối hàng trăm triệu liều ngay khi được phê duyệt.
Cuối năm 2020, vaccine AstraZeneca được Cơ quan Quản lý Thuốc và Sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe (MHRA) phê duyệt sử dụng khẩn cấp.
Khoảng một tháng sau, Ủy ban Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) đưa ra khuyến nghị phê duyệt vaccine của hãng ở thị trường này. Ủy ban cho biết "đã đánh giá kỹ lưỡng dữ liệu về chất lượng, độ an toàn và hiệu quả của vaccine và đề xuất cấp phép tiếp thị chính thức có điều kiện (conditional marketing authorisation)". Động thái này mở đường cho việc cấp phép và sử dụng vaccine AstraZeneca ở nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, chỉ sau gần ba tháng triển khai, các vấn đề về "cục máu đông sau tiêm vaccine" bắt đầu nảy sinh. Một số quốc gia ngừng sử dụng vaccine để điều tra các trường hợp đông máu bất thường ở người được tiêm chủng.
Ca bệnh đầu tiên ở châu Âu là một phụ nữ 49 tuổi, người Áo, tử vong ngày 7/3/2021 do rối loạn đông máu nghiêm trọng. Nước này cũng ghi nhận một bệnh nhân đông máu khác, song đã hồi phục. Giới chức cho biết cả hai được tiêm vaccine từ cùng một lô sản phẩm. Đan Mạch có động thái tương tự ngày 10/3/2021, sau khi một người tử vong. Chỉ trong tháng 3 năm này, 18 quốc gia đình chỉ việc sử dụng vaccine.
Đến 9/4/2021, các nhà khoa học xuất bản một nghiên cứu trên Tạp chí Y khoa New England (NEJM), xác định vaccine có thể gây tình trạng rối loạn đông máu kèm giảm tiểu cầu (vaccine-induced immune thrombotic thrombocytopenia - VITT). Cùng lúc, hãng phát hành một bản hướng dẫn, chỉ rõ đông máu và giảm tiểu cầu là một "tác dụng phụ hiếm gặp" của vaccine Covid-19.
Tháng 11 năm ngoái, gã khổng lồ dược phẩm bị kiện tại Tòa án Tối cao của Anh. Phía nguyên đơn là Jamie Scott, bị chấn thương não nghiêm trọng, không thể làm việc do cục máu đông hình thành từ mũi tiêm vaccine Covid-19. Đơn kiện thứ hai đến từ chồng của Alpa Tailor, 35 tuổi, qua đời sau khi tiêm vaccine AstraZeneca.
Các đơn kiện này có thể đặt tiền đề cho hơn 80 yêu cầu bồi thường thiệt hại khác, ước tính trị giá khoảng 80 triệu bảng Anh. Các nạn nhân hầu hết gặp tình trạng giảm tiểu cầu và huyết khối miễn dịch do vaccine, được các chuyên gia công nhận sau một thời gian triển khai tiêm chủng.
Ngày 3/5, AstraZeneca lần đầu thừa nhận vaccine Covid-19 của hãng có thể gây đông máu trong một số trường hợp hiếm gặp, còn gọi là huyết khối tĩnh mạch kèm hội chứng giảm tiểu cầu (TTS). Dù vậy, hãng lưu ý TTS vẫn có thể xảy ra khi không tiêm vaccine. Hãng cho biết cần điều tra cụ thể về nguyên nhân gây đông máu của từng trường hợp riêng lẻ.
6 ngày sau, hãng thông báo sẽ rút giấy phép lưu hành vaccine trên toàn thế giới khi nhu cầu người dùng giảm, trong bối cảnh các vaccine thế hệ mới dư thừa. Theo AstraZeneca, vaccine bị loại bỏ khỏi thị trường vì lý do thương mại.
"Vì có nhiều loại vaccine Covid-19 đã được phát triển, nhu cầu đối với Vaxzevria (tên gọi khác của vaccine Covid) giảm", hãng cho biết. Theo AstraZeneca, việc rút giấy phép lưu hành vaccine không liên quan đến các đơn kiện hoặc yêu cầu bồi thường trước đó.
Điều này chấm dứt hành trình của vaccine Covid-19 AstraZeneca trên thế giới. Dù có nhiều tranh cãi, WHO vẫn cho biết vaccine là an toàn và hiệu quả cho người từ 18 tuổi trở lên, phù hợp với Lộ trình ưu tiên và Khung giá trị của tổ chức. Ủy ban Cố vấn Toàn cầu về An toàn Vaccine, nhóm chuyên gia cung cấp hướng dẫn độc lập và có thẩm quyền của WHO, đánh giá vaccine có thể bảo vệ người dùng khỏi triệu chứng nặng và nguy cơ tử vong.
Theo thống kê độc lập của AstraZeneca, vaccine của hãng đã góp phần cứu sống khoảng 6,1 triệu người trên thế giới khỏi nguy cơ tử vong do Covid-19. Trong năm 2021, hãng cung cấp hơn 2 tỷ liều vaccine cho hơn 170 quốc gia, 2/3 trong số này là các nước thu nhập thấp và trung bình.
Thục Linh (Theo EMA, Guardian, Telegraph)