Mai, Long (áo sọc) cùng các bị cáo Ảnh:T.B |
Với chức danh Phó giám đốc công ty TNHH mỹ nghệ sơn mài Hoàng Long, từ tháng 3/1995 đến tháng 9/1996, Trần Phương Mai đã ký nhiều hợp đồng ủy thác cho các đơn vị như: Scitechimex, Incomex Sài Gòn, Technoimport, Aptco... nhập khẩu một số lượng lớn ôtô tải các loại, xe đào đất bánh hơi, bánh xích, máy ôtô đã qua sử dụng của các công ty Hàn Quốc. Công ty Hoàng Long đã được Ngân hàng Tân Việt phát hành 33 chứng thư bảo lãnh (L/C) thanh toán trả chậm từ 360 đến 540 ngày với tổng số tiền lên đến 5.519.157,50 USD. Tài sản thế chấp chính là những lô hàng nhập khẩu.
Ngay sau đó, Trần Phương Mai đã dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để "lôi" được số hàng hóa nhập khẩu này đem bán chiếm đoạt của Ngân hàng Tân Việt gần 2 triệu USD. Tuy nhiên, những người có "công đóng góp" nhiều nhất trong vụ lừa đảo này phải kể đến các cựu quan chức của ngân hàng.
Theo cáo trạng, trách nhiệm lớn nhất thuộc về Vũ Ngọc Long, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng Tân Việt. Mặc dù không kiểm tra thực tế tài sản thế chấp và làm các thủ tục công chứng thế chấp theo quy định, nhưng Long vẫn làm các tờ đề nghị ngân hàng chấp nhận thế chấp để Mai được rút tiền. Bên cạnh đó, Long đã cùng với hội đồng thẩm định chấp thuận bảo lãnh cho Trần Phương Mai liên tục mở các L/C thanh toán trả chậm, trong đó có 8 L/C đến nay không thanh toán được. Ngoài ra, Long còn trực tiếp ký duyệt cho Trần Phương Mai thế chấp 21 tờ hóa đơn đã bán hết hàng hóa, giải quyết cho Mai rút 28 bộ chứng từ nhập khẩu ôtô thuộc các L/C trả chậm và cho rút 50 tờ khai nguồn gốc ôtô nhập khẩu đã thế chấp. Tổng số tiền mà Long đã ký duyệt hoặc tham gia ký duyệt tạo điều kiện cho Trần Phương Mai chiếm đoạt là 1,26 triệu USD.
Ngoài ra, còn có các cán bộ: Bùi Văn Bình, Trần Thái Thanh Nguyên và Lê Minh Sơn, là những lãnh đạo phòng kinh doanh đối ngoại đã nhận những tờ hóa đơn đã bán hết hàng hóa làm tài sản thế chấp. Họ cũng đứng ra đề xuất, tham gia giải quyết cho Trần Phương Mai rút các bộ chứng từ nhập khẩu ôtô mà không phân công cán bộ trực tiếp theo dõi, quản lý các bộ chứng từ, không cùng công ty Mai nhận hàng, quản chấp hàng hóa theo quy định... Cả ba đã tạo điều kiện cho Mai chiếm đoạt tổng cộng gần 2 triệu USD. Các bị cáo Trần Lê Bạ (nguyên tổng giám đốc), Lương Văn Yên (nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị), Nguyễn Phi Kiên (nguyên phó chủ tịch Hội đồng quản trị), Bùi Đình Lân (nguyên phó tổng giám đốc) cũng có hành vi tương tự như Vũ Ngọc Long trong việc đứng ra giải quyết cho Trần Phương Mai mở L/C trả chậm, giải quyết cho đối tượng này lấy hàng đem bán, chiếm đoạt hàng triệu USD.
Một người khác cũng có những sai phạm trong thời kỳ đương chức là Bùi Đức Hồng. Hồng đã cùng hội đồng thẩm định chấp thuận bảo lãnh cho Trần Phương Mai liên tục mở L/C thanh toán trả chậm, ký duyệt cho Mai thế chấp 22 hóa đơn đã hết giá trị, cho rút 26 bộ hồ sơ chứng từ nhập khẩu xe, tạo điều kiện cho Mai chiếm đoạt gần 800 ngàn USD. Tuy nhiên, hiện tại ông Hồng đã định cư tại Mỹ, cơ quan điều tra ra lệnh truy nã quốc tế khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Đối với vai trò của chồng Mai là Trần Phi Vân, tại cơ quan điều tra Vân đã khai nhận, công ty TNHH Hoàng Long là của gia đình nên mọi hoạt động của công ty đều do vợ chồng Mai - Vân đảm nhiệm. Khi Vân không có nhà thì Mai được sử dụng chữ ký của Vân để giao dịch nên việc Mai mượn danh nghĩa Vân ký tên trên các hồ sơ xin mở chứng thư bảo lãnh Vân đều biết và đồng ý. Do đó, trong vụ án này, Vân cũng bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, Hà Tiến Danh, kế toán trưởng công ty TNHH Hoàng Long cũng phải ra toà vì bị truy tố cùng tội danh nêu trên với vai trò đồng phạm giúp sức. Danh thường xuyên theo dõi hồ sơ sổ sách, chứng từ kế toán nên biết rõ một số hàng hóa đã được Mai bán hết, nhưng vẫn dùng chứng từ này đem thế chấp cho Ngân hàng Tân Việt, giúp cho Mai chiếm đoạt số tiền gần 20.000 USD.
Ngày mai, HĐXX tiếp tục làm việc.
Nguyễn Hải