Trông họ giống như bất cứ gia đình bình thường nào. Nhưng để có Mumu là hành trình 5 năm, 6 chuyến đi tới Thái Lan và tốn 500.000 nhân dân tệ (hơn 1,7 tỷ đồng).
Li, 34 tuổi và bạn đời 28 tuổi Wang Jie là người đồng tính. Mặc dù tình dục đồng giới đã được hợp pháp hoá năm 1997 và đồng tính luyến ái chính thức bị loại khỏi danh mục các bệnh tâm thần năm 2001, vẫn vô cùng gian nan cho các đôi đồng tính Trung Quốc có con. Nhiều người trong cộng đồng LGBT (những người đồng tính, song tính và chuyển giới) vẫn đối mặt với áp lực từ cha mẹ, sự kỳ thị nơi làm việc và định kiến từ truyền thông.
Đó cũng là lý do Li suy sụp khi nhận ra mình là gay năm 18 tuổi. Được nuôi dạy bởi một bà mẹ đơn thân, giấc mơ tuổi thơ là con mình sau này sẽ có bố mẹ đầy đủ, hạnh phúc càng khiến anh đau khổ.
Cho tới gần đây, lựa chọn chính cho những người đồng tính nam muốn có con là miễn cưỡng kết hôn với phụ nữ. Ước tính có khoảng 40 triệu người Trung Quốc đã lập gia đình mà một người là dị tính còn người kia đồng tính.
Theo Sixthtone, mang thai hộ trong nước đã bị cấm năm 2001. Nhận nuôi trẻ từ các trung tâm từ thiện nghĩa là phải đợi nhiều năm và đàn ông đồng tính hay độc thân thường nằm cuối danh sách. Mấy năm gần đây, với việc dễ tiếp cận thông tin và sẵn tiền hơn, một số đôi gay bắt đầu ra nước ngoài nhờ mang thai hộ. Nhưng quá trình này cũng tốn kém, mất thời gian và các thách thức vẫn tiếp diễn khi đứa trẻ đã chào đời.
Điều kỳ diệu đắt đỏ
Ngày nay, cuộc sống của bé Mumu giống như bất cứ trẻ nào ở Trung Quốc: Bé trở thành trung tâm của cả gia đình. Mẹ anh Ly ngừng nhuộm tóc bạc vì sợ hoá chất ảnh hưởng tới cháu. Cả nhà tạm thời chuyển tới một hòn đảo nhiệt đới ở tỉnh Hà Nam trong mùa đông để bé Mumu có thể đi những bước đầu đời trên bãi cát và hít thở không khí trong lành vùng biển.
Mumu dành phần lớn thời gian ở với người phụ nữ trong gia đình khiến hai ông bố nhiều khi đau đầu. Wang có vài vết xước trên mặt, đều do Mumu cào. "Chúng tôi chỉ bế con được 3-4 phút, sau đó bé rất quấy và chỉ thích theo bà hay vú nuôi", Li kể với giọng trùng xuống.
Hành trình có con của Li bắt đầu từ năm 2013 với một nữ đồng nghiệp 38 tuổi ở công ty bất động sản. Sau khi kết hôn, mặc dù biết Li đồng tính, người vợ vẫn muốn cả hai ngủ chung, bất chấp thoả thuận ban đầu. Khi Li từ chối, cô vợ kể với mẹ Li khiến bà bị sốc, lên cơn đau tim.
Năm 2015, Li gặp bạn đời hiện tại Wang qua ứng dụng hẹn hò lớn nhất dành cho người đồng tính Trung Quốc, Blued. Họ sớm về ở với nhau và quyết định có con. "Bản thân tôi không khao khát có con lắm, nhưng anh ấy rất yêu trẻ nên tôi ủng hộ", Wang nói.
Li và Wang tìm được một cặp đồng tính nữ trên mạng và hai đôi kết hôn. Một trong hai người phụ nữ mang thai với Li 2 lần nhưng đều bị sẩy. Hơn nữa, sự gần gũi của Li với vợ hờ khiến bạn gái của cô này ghen nên các đôi thường xuyên cãi nhau. Họ cùng ly dị năm 2017.
Không tìm được lựa chọn khác, Li và Wang quyết định ra nước ngoài nhờ người mang thai hộ. Đúng một năm sau, Mumu chào đời. Thời điểm đó, Li bị cảm lạnh nên 10 ngày sau anh mới ôm con lần đầu. "Khoảnh khắc ấy, tôi thấy con sao mềm mại, kỳ diệu đến thế", Li viết trên trang cá nhân. Anh muốn ghi lại hành trình của mình, hy vọng giúp các đôi đồng tính khác cũng như sau này giải thích cho Mumu hiểu.
"Có con cảm giác thật tuyệt. Đôi lúc cãi nhau, chúng tôi nhìn con và không ai muốn gây gổ nữa", Wang chia sẻ.
Ly kỳ hơn cả tiểu thuyết
Eric Li và George Zeng từng kết hôn với phụ nữ đồng tính. Năm 2010, đám cưới xa hoa của họ diễn ra ở Thượng Hải, chỉ để che mắt các phụ huynh.
Suốt một thời gian, các cuộc hôn nhân giả này giúp cả 4 người không bị cha mẹ giục giã, phàn nàn nữa. Cả hai đôi đều sống chung ở một khu phố tại Thượng Hải và cứ hai lần một năm họ lại đóng vai vợ chồng hạnh phúc về thăm quê. Tất cả bạn bè thân thiết, đồng nghiệp, người thân đều không biết sự thật.
Cả hai đôi cũng bàn luận về khả năng có con với nhau nhưng bị bế tắc trước những câu hỏi: Họ sẽ phải giải thích thế nào với con mình? Ai sẽ sống cùng trẻ?
Năm 2015, Li và Zeng nghe nói về mang thai hộ. Hai người tới California và sử dụng trứng hiến của cùng một người và nhờ mang thai hai đứa trẻ: Một bé trai con Li và một bé gái con Zeng. Cả quá trình này, gồm phí cho bên trung gian, tốn khoảng 1,3 triệu nhân dân tệ (gần 4,5 tỷ đồng). Tháng 12/2017, họ đón hai con là Luke và Geneva chào đời, đồng thời chia tay với đôi đồng tính nữ.
Nhưng quyết định đó của Li và Zeng cũng đồng nghĩa với việc họ phải thú nhận mọi việc với bố mẹ hai bên, sau 8 năm nói dối.
Không giống một số niềm tin tôn giáo phương Tây coi gay là một tội lỗi, các bố mẹ Trung Quốc thường ít bận tâm tới vấn đề tình dục của con cái mà lo lắng hơn về việc duy trì nòi giống.
Khi Li thú thật với mẹ - người phụ nữ vốn luôn tự hào về cậu con trai làm kỹ sư lập trình ở công ty quốc tế, bà đã không thèm nhìn mặt anh 2 tuần. Bà vẫn sợ mất mặt và không biết phải giải thích sao với họ hàng, người thân.
Tháng 9/2017, hai tháng sau khi cặp song sinh chào đời, Zeng mới lấy hết can đảm nói sự thật cho bố mẹ đang sống ở Giang Tây biết. Suốt 3 ngày, mẹ Zeng chỉ khóc còn cha anh im lặng. "Hai con có thể sống đời mình như ý muốn nhưng làm như thế là quá vô trách nhiệm với con cái", Zeng nhớ lại lời cha khi ông cuối cùng cũng chịu mở lời. "Liệu ai sẽ muốn cưới một đứa con gái sinh ra từ kiểu gia đình thế này", ông nói.
"Nếu không vì các con, tôi sẽ chẳng bao giờ nói thật với gia đình", Zeng, 35 tuổi, đang làm việc tại hãng hàng không trong nước, nói. "Tôi sẽ giữ bí mật cả đời".
Gia đình Li và Zeng vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận xu hướng tình dục của các con nhưng dành nhiều tình cảm cho hai đứa cháu song sinh. Cả hai bên bố mẹ đều hỗ trợ chăm sóc Luke và Geneva từ lúc các bé chào đời.
Mặc dù chuyện ông bà chăm cháu khá phổ biến ở Trung Quốc nhưng việc sắp xếp trong nhà Li và Zeng lại phức tạp hơn nhiều. Căn hộ của hai người không đủ phòng cho tất cả. Vì vậy, Luke ở với bố mẹ Li tại đó trong khi Geneva ở với bố mẹ Zeng ở căn hộ của một người bạn. Cặp đồng tính ở với con trai nửa tuần rồi sang chăm con gái nửa tuần còn lại.
Nhưng đó không phải là cách sắp xếp lý tưởng. Li cảm thấy có lỗi với các con khi mỗi tuần hai bé chỉ được gặp nhau hai lần, mỗi lần vài tiếng. Ngoài ra, bố mẹ Zeng giành mọi việc chăm cháu vì cho rằng người đàn ông đi làm nuôi gia đình thì không cần lo việc nhà. Vì vậy, Li và Zeng đi làm về thì không phải mó tay vào việc gì. "Tôi thậm chí chẳng cảm thấy mình là một ông bố", Zeng nói. Ngược lại, mẹ Li yêu cầu cả hai phải thực hiện vai trò của người mẹ, nghĩa là phải ưu tiên con cái và không được đi làm về muộn. "Mẹ tôi đã hy sinh rất nhiều khi có tôi nên giờ bà đòi hỏi chúng tôi cũng phải làm vậy", Li kể.
Vì cặp song sinh là con lai - mẹ ruột của các bé là người da trắng - Zeng và Li lo lắng cho tương lai của con. Ông bà của các bé cũng thường phải trả lời những câu hỏi tò mò của người qua đường khi họ đưa cháu đi dạo. Mẹ Zeng hay nói dối: Li và Zeng là anh em và vợ Zeng thì rất bận nên chẳng mấy khi ở nhà. Mẹ Li thì chỉ quay đi mà chẳng nói một lời. "Vẫn có một cái gai trong tim mẹ tôi", Li kể.
Biến khao khát làm cha thành cơ hội làm ăn
Ted Zhou là một người đồng tính nam, độc thân. Nhưng anh vẫn muốn làm cha. Anh đã có sẵn một phôi thai tại Mỹ và chờ cấy vào tử cung người mang thai hộ trong năm nay. Mẹ anh, người biết rõ xu hướng tình dục của con vài năm trước, rất vui mừng và mong càng có cháu sớm càng tốt.
Ba năm trước, Zhou đã biết về dịch vụ mang thai hộ cho đàn ông gay. Anh làm việc cho một công ty phần mềm y tế, thường lui tới Silicon Valley và thành thạo tiếng Anh. Zhou nhận ra mình có thể tiết kiệm 30% chi phí nếu tự nhờ người mang thai hộ mà không qua môi giới. Anh đang xây dựng một trang web giúp những Trung Quốc tiếp cận dịch vụ mang thai hộ ở nước ngoài.
Vài năm qua, một số công ty đã ra đời giúp kết nối các đôi Trung Quốc với người mang thai hộ nước ngoài. Geng Le, nhà sáng lập Blued, có một đứa con năm 2017 qua môi giới tại Mỹ. Hè năm ngoái, một tổ chức phi lợi nhuận tên là Men Having Babies đã tổ chức sự kiện đầu tiên tại Thượng Hải. Các ông bố gay từ Mỹ và Đài Loan đã tới đó chia sẻ kinh nghiệm và giải đáp các thắc mắc của những người tham dự.
Li Lin, CEO của đơn vị môi giới mang thai hộ True Baby có trụ sở tại Thượng Hải, ước tính có khoảng 500 người đồng tính nam Trung Quốc tìm kiếm người mang thai hộ ở Mỹ mỗi năm. Bản thân Li cũng có một cô con gái nhờ đẻ thuê hồi tháng 9 năm ngoái. Anh cho biết, từ năm 2014, True Baby đã giúp 240 trẻ chào đời và khoảng 30% khách hàng của đơn vị này là gay.
Nhưng với chi phí lên tới hàng trăm nghìn nhân dân tệ, đây không phải là lựa chọn cho số đông. Các khách hàng của True Baby phải trả 160.000 USD (hơn 3,7 tỷ đồng) nếu nhờ người Mỹ có học thức cao, ở thành phố, công việc tốt, tuổi 30-45, mang thai hộ.
Những bước đầu khó khăn
Ngay cả khi đứa trẻ đã chào đời, các thách thức - từ chuyện tiếp cận giáo dục, tới tránh định kiến - vẫn không dừng lại.
Trước đây, phụ nữ chưa chồng và bố mẹ đơn thân không được làm giấy khai sinh cho con, nghĩa là họ không thể có hộ khẩu để được tiếp cận các dịch vụ công như giáo dục, chăm sóc sức khoẻ. Năm 2016, chính phủ ra chính sách mới cho phép các bố, mẹ đơn thân được đăng ký khai sinh nhưng thực tế việc này vẫn còn nhiều bất cập.
Li và Zeng không thể làm hộ khẩu cho Geneva bởi vì cảnh sát không đồng ý khi phần tên mẹ bé để trống - điều thường xảy ra với những trường hợp chào đời do mang thai hộ. Tuy nhiên, họ may mắn khi đăng ký được cho bé Luke ở một cơ sở khác, sau khi Li giả email để thể hiện mình đã có tình một đêm với một phụ nữ Mỹ.
Mặc dù không gặp rắc rối khi đăng ký khai sinh cho Mumu, đôi Li và Wang lại đối mặt với các vấn đề khác. Wang không có liên quan về gene với Mumu và anh không thể kết hôn với Li Yang, vì thế, về pháp lý, anh không phải là cha bé. "Nếu con gặp chuyện ở trường, tôi chẳng thể ra mặt là người bảo vệ chính thức", Wang nói. Dù sao, anh nghĩ sự chăm chút về tình cảm quan trọng hơn. "Mumu hưởng nguồn gen từ Li Yang nhưng tôi là một phần trong tất cả các quyết định để tạo ra con", anh nói.
Trong khi đó, ông bố đơn thân Zhou đã chuẩn bị cho mình kế hoạch dự bị. Anh sẽ cố đăng ký hộ khẩu cho con ở Thượng Hải nhưng nếu không được, anh sẽ chuyển tới Mỹ. Anh dự định nói với con mọi chuyện khi bé lớn. Anh sẽ kể rằng: "Bố rất yêu trẻ con, nhưng bố không thể tự có con được nên đã nhờ hai người bạn tốt giúp đỡ. Như vậy không phải con không có mẹ. Con có hai người mẹ và họ sống ở Mỹ".
Vương Linh