Từ những ca bệnh đầu tiên nhiễm nCoV ở Trung Quốc, các bác sĩ đã biết virus nhắm vào phổi. Nhưng tính đến nay, họ gặp nhiều bệnh nhân với những triệu chứng nghiêm trọng và phát triển tổn thương khác trên khắp cơ thể, từ thận tới tim.
"Trong khi phổi là mục tiêu tấn công của virus, do hệ miễn dịch của chúng ta phản ứng quá chậm với nCoV, nó có thể di chuyển xung quanh và tuần hoàn khắp cơ thể", tiến sĩ Eric Cioe-Peña, bác sĩ khoa cấp cứu kiêm giám đốc y tế toàn cầu của mạng lưới chăm sóc sức khỏe Northwell Health tại New York, cho biết.
nCoV xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, từ mũi hoặc miệng vào phổi. Để lây nhiễm sang người, virus cần liên kết với một enzyme ở bề mặt tế bào hô hấp, theo Cioe-Peña said. Nhưng khi nCoV ở trong cơ thể người, nó có thể tiến vào mạch máu, và từ mạch máu, virus có thể xâm nhập các cơ quan nội tạng khác. "Sau khi vào cơ thể, nCoV không gặp khó khăn trong việc tấn công nhiều loại tế bào khác nhau", Cioe-Peña giải thích. "Đó quả là điều không may bởi nó gây ra vấn đề cho mọi cơ quan nội tạng".
Khi điều trị cho những ca Covid-19 nặng trong phòng cấp cứu, Cioe-Peña đã gặp bệnh nhân bị viêm cơ tim do virus. Khi một trong những bệnh nhân Covid-19 của Cioe-Peña đột tử vì vấn đề về tim, nguyên nhân thường do viêm nhiễm quanh tim. Theo một nghiên cứu nhỏ công bố hôm 27/3 trên tạp chí JAMA Cardiology, cứ 1 trong 5 bệnh nhân bị tổn thương do nhiễm Covid-19 ở Vũ Hán, Trung Quốc.
nCoV có thể xâm nhập cả tim và phổi bởi mỗi cơ quan đều chứa tế bào được bao phủ bởi protein mang tên enzyme chuyển đổi angiotensin 2 (ACE2), đóng vai trò như cửa ngõ để virus tiến vào tế bào. Những cơ quan nội tạng khác như dạ dày - ruột cũng có enzyme này. Một số bệnh nhân không có triệu chứng hô hấp mà thay vào đó là triệu chứng đường ruột, có nghĩa virus đã xuất hiện ở ruột non và đôi khi cả ruột già.
Đôi khi, Cioe-Peña cũng phát hiện enzyme gan tăng cao ở những ca bệnh nhẹ, chứng tỏ nCoV đang xâm nhập tế bào gan. Khi các tế bào gan chết, chúng giải phóng enzyme vào mạch máu. Nhưng gan có khả năng tái tạo cực tốt, do đó tổn thương do virus gây ra có thể không kéo dài. Ngoài ra, bác sĩ cũng ghi nhận vài trường hợp bệnh nhân cũng có dấu hiệu suy thận.
Dù suy tạng có thể là kết quả do nCoV xâm nhập trực tiếp vào tế bào, hệ miễn dịch gây ra phần lớn tổn thương cho các cơ quan. Hiện tượng "bão cytokine", trong đó đội quân tế bào miễn dịch được phóng thích vào mạch máu và tấn công những mô khỏe mạnh trong cơ thể, gây tổn thương phổi nặng và suy đa tạng. Đó là phản ứng thái quá khiến cơ thể đình trệ. Giới nghiên cứu chưa biết rõ tại sao nhiều người có phản ứng miễn dịch mạnh hơn người khác, nhưng đó có thể do di truyền, theo tiến sĩ Erin Michos, phó giám đốc phòng ngừa bệnh tim mạch ở Trường Y Johns Hopkins, Mỹ, cho biết.
"Bão cytokine" thậm chí có thể ảnh hưởng tới bộ não. Gần đây, các bác sĩ bổ sung mất khứu giác và vị giác vào danh sách triệu chứng của Covid-19. Đó có thể là dấu hiệu nCoV xâm nhập hệ thần kinh và khu vực não bộ phụ trách khứu giác.
Theo Cioe-Peña, bất kỳ virus mới nào truyền sang người cũng có thể lây nhiễm tràn lan khắp cơ thể bởi hệ miễn dịch chưa từng gặp mầm bệnh nào như vậy. Giới nghiên cứu vẫn chưa biết rõ về khả năng miễn dịch của bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục. Nhưng dù không phát triển miễn dịch đầy đủ, nếu sống sót sau khi nhiễm nCoV, chắc chắn họ sẽ mắc dạng nhẹ hơn với ít tổn thương đa tạng hơn khi bị lây virus lần thứ hai.
An Khang (Theo Live Science)