Tham gia đoàn đến thăm trại tại thành phố Grojec cách thủ đô Warszawa gần 60 kilomet lần này có một thành viên mà không ai biết là ai. Anh tên Vinh, chưa từng sinh hoạt trong bất cứ hội đoàn nào của cộng đồng. Hai hôm trước, Vinh gọi điện cho tôi tỏ ý muốn được đi cùng đoàn thăm các trại viên ở Grojec.
Ở đó, Vinh có em ruột tên Quang đang bị tạm giữ để chờ làm thủ tục trục xuất. Xe còn thừa chỗ nên tôi đồng ý ngay.
Vinh có mặt tại điểm tập kết lên xe từ rất sớm. Hỏi, tại sao phải thế? Vinh cười buồn: "Cháu khởi hành từ tỉnh lên War lúc nửa đêm để không bị kiểm tra giấy tờ dọc đường." Thấy ánh mắt tôi đầy vẻ ngạc nhiên, Vinh giải thích: "Cháu sang đây hơn 10 năm rồi mà đã ra được thẻ cư trú đâu, đi đường thấy bóng công an hay biên phòng là phải lẩn như trạch." Tôi hỏi lại: "Thế hôm nay đi lên trại mà không sợ bị tóm luôn vào trại à?" Vinh lại cười: "Chú cứ trêu cháu. Ai lại hỏi giấy tờ tùy thân của các thành viên Hội Người Việt đi thăm trại viên cơ chứ."
Trên xe Vinh kể cho mọi người nghe về thân phận mình và em trai đang ở trại. Vinh nói, quê Vinh ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Xã của Vinh không nghèo, thậm chí giàu. Đường làng trải nhựa khang trang, nhà cửa hầu hết xây cất như biệt thự châu Âu. Nửa làng của Vinh có người nhà đi nước ngoài, hoặc xuất khẩu lao động hợp pháp sang các nước Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia... hoặc di cư lậu sang các nước châu Âu.
Nhà Vinh nằm trong số các hộ nghèo nhất. Bởi bố Vinh bỏ mẹ, Vinh, đứa em gái và thằng Quang từ khi Vinh mới 10 tuổi. Bốn mẹ con Vinh đùm bọc, bươn chải nuôi nhau trong căn nhà cấp 4 còn tới bây giờ.
Tôi ngạc nhiên, hỏi: "Thế cháu sang Ba Lan đã 10 năm mà không giúp được mẹ và 2 em à?". Vinh nói như mếu: "Trước khi cháu đi, mẹ cháu phải vay lãi hơn 400 triệu để trả phí dịch vụ cho đường dây đưa người. Cháu gửi tiền về nhà trả hết khoản nợ cũ thì mẹ cháu lại vay mới 450 triệu cho thằng Quang đi. Thằng Quang sang đây chưa đầy năm đã bị bắt vào trại, chắc vài tháng nữa là bị tống về nước." Nhìn mắt nó nhoe nhoét nước, trên xe ai cũng ái ngại, không dám hỏi tiếp.
Trại Grojec đang giam 20 người Việt nhập cư trái phép. Quang đã sang tuổi 19 mà trông ốm nhách như đứa trẻ 14. Nhìn 2 anh em Vinh - Quang ôm nhau nghẹn ngào, mọi người muốn rớt nước mắt. Trên đường về, Vinh kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống tại Ba Lan, về hành trình luồn rừng, lội suối, chui trong thùng xe, cốp xe để sang Ba Lan mà chúng tôi hãi hùng.
Thời Vinh đi hơn 10 năm trước còn dễ, vì đường dịch vụ visa bay thẳng Hà Nội – Praha chưa bị chính quyền Cộng hòa Czech khóa lại. Vinh chỉ phải luồn một quãng rừng ngắn giữa biên giới Czech và Ba Lan, sau đó nằm cốp xe chạy một mạch hơn 300 kilomet về Warszawa.
Thời gian đầu, không có giấy tờ tùy thân hợp pháp, Vinh phải sống chui nhủi để trốn sự truy bắt của cảnh sát, biên phòng. Vinh làm đủ các nghề từ đưa cơm cho quán ăn trong khu vực kinh doanh của người Việt, đến cửu vạn đẩy xe hàng thuê, rồi 2 năm nay đi tỉnh xa làm phụ bếp. Lương phụ bếp sau khi trừ thuế thu nhập cá nhân và bảo hiểm xã hội đến tay là 4500 zloty, tương đương 1150 USD, được quán bao ăn cả ngày, còn bao ở là 5 đứa chui rúc trong một căn hộ chẳng khác ổ chuột. Vinh làm quần quật suốt từ 10 giờ sáng tới 10 giờ tối, tuần 7 ngày không nghỉ, năm không một ngày phép.
Khi Quang đi thì khốn khổ hơn Vinh. Vì hành trình của Quang đã đổi khác so với thời Vinh đi. Từ Hà Nội, Quang sang chảnh bay qua Moskva thủ đô Nga bằng hộ chiếu Việt Nam đóng visa du lịch do đường dây đưa người làm thủ tục trọn gói. Ở Nga, Quang bị bán cho băng nhóm đưa người khác. Từ đây, Quang phải dấn thân vào con đường không khác gì địa ngục trần gian.
Quang đặt chân đến biên giới Ukraina khi biến cố Maidan xảy ra đã 2 tháng. Tình hình Nga và Ukraina căng thẳng bên miệng hố chiến tranh. Các lực lượng biên phòng, cảnh sát 2 nước tăng cường kiểm soát biên giới và vùng ven. Đoàn của Quang gồm 15 người, có 12 trai và ba gái, phải trải qua 2 tháng nằm vùng, với 3 lần đột kích mới băng rừng qua được biên giới để vào lãnh thổ Ukraina.
Hành trình của đoàn Quang xuyên Ukraina đến vùng gần biên giới với Ba Lan đầy cực khổ. 15 người bị tống vào chiếc xe thùng bịt bùng, ngạt tối như hũ nút. Không biết xe chạy được bao lâu, khi thân Quang tê dại và mót tiểu như muốn vỡ bàng quang thì xe mới dừng lại. Cả đám bị 2 thằng tây cao to như con gấu lùa xuống một bìa rừng. Không ai được đi xa. Cả đàn ông, đàn bà tụt quần vệ sinh quanh xe trong tầm nhìn dưới 15 mét. Cơ bọng đái cứng lại, phải rặn mãi, 15 phút sau mới chịu mở để Quang rịn ra những giọt nước đầu tiên.
Tờ mờ sáng, xe chở Quang dừng lại trong khu đất của một căn nhà gỗ xiêu vẹo như sắp đổ, rộng chừng 50 mét, không sưởi, không nước nóng, bóng đèn điện tù mù như thắp nến. 15 con người ngủ trên sàn gỗ, đắp những tấm chăn hôi xì cáu bẩn. Lại trải qua những ngày dài tưởng như vô tận chờ tập kích biên giới với Ba Lan. Nhiều lần vượt không thành công, cả đoàn phải quay lại với nỗi chán chường, mệt mỏi, đói vàng mắt với những bữa ăn chỉ có mì ăn liền, khoai tây, bánh mì đổ trong máng gỗ, ngủ không sưởi, tắm nước lạnh và nhà vệ sinh thối um.
Trong một đêm trăng non, cả đoàn lầm lũi bám theo 2 thằng tây dẫn đường cao to như con gấu vượt biên giới lần cuối. Bỗng có tiếng chó sủa, rồi tiếng giày nện trên nền đất cứng. Cả đoàn hoảng loạn cắm đầu bám gót 2 thằng tây, ai tụt lại ráng chịu. Chợt có tiếng người đàn ông bị ngã gãy chân, rú lên đau đớn. Một thằng tây quay lại. Chừng 10 phút sau, với bàn tay loang lổ máu, nó chạy qua mặt Quang. Từ đó, không ai gặp lại người đàn ông xấu số kia nữa.
Tại căn nhà hoang trên lãnh thổ Ba Lan, đoàn của Quang còn lại 14 người bị lèn lên chiếc xe thùng bịt bùng, ngạt tối như hũ nút để chạy về Warszawa. Ngay tuần đầu tập kết ở ngoại ô thủ đô Ba Lan, trong 3 phụ nữ thì 1 cô sảy thai, 1 cô thai chết lưu phải đưa đi cấp cứu, còn một phụ nữ đứng tuổi thì lành lặn.
Quang được anh trai đón rồi đưa vào khu Trung tâm Thương mại Wólka Kosowska cách Warszawa 23 km làm đủ thứ nghề lao động chân tay để kiếm mỗi ngày 20 USD góp với Vinh gửi về nhà giúp mẹ trả nợ.
Lính biên phòng tập kích ngôi nhà Quang đang ở cùng 9 người để kiểm tra giấy tờ. Nghe động, không kịp mặc quần áo ấm, Quang phóng qua cửa sổ chạy một mạch vào rừng. May trời mới chớm đông, nhiệt độ vẫn trên 0 độ C nên sau 6 tiếng quay lại nhà, Quang chỉ bị viêm phổi chứ không như 39 người phải chết oan nghiệt trong cỗ quan tài trên con đường đến nước Anh.
Câu chuyện của Vinh, Quang cứ ám ảnh tôi mãi. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng không thể khuyến khích di cư bất hợp pháp, tạo ra thế hệ "người rơm" thời hiện đại. Để đảm bảo sự an toàn cho những người có nguyện vọng di cư, nhà nước phải tạo các điều kiện cần thiết cho học sinh du học, lao động xuất khẩu, hôn nhân có yếu tố nước ngoài và các dạng thức khác. Đồng thời phải ngăn ngừa, chấm dứt các đường dây buôn người thời hiện đại.
Nghe tiếng thở dài trên đường về, tôi vỗ vai Vinh, bảo cậu cứ để Quang về nước, hết thời hạn Ba Lan cấm thì quay lại. Nếu em cậu vẫn muốn sang, hãy đi theo đường lao động xuất khẩu hợp pháp, đừng đi chui lủi vừa tốn tiền vừa nguy hiểm. Bây giờ Ba Lan đang thiếu lao động phổ thông, chi phí thủ tục đi hợp pháp chỉ bằng một phần tư số phí trả cho bọn buôn người. Thời này, đừng đi lậu nữa.
Trần Quốc Quân