Tại Hội nghị Các nhà khoa học trẻ 2023 trong khuôn khổ Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam do Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức ngày 17/5 tại Hà Nội, Lumi là một trong 5 doanh nghiệp được chọn để chia sẻ câu chuyện thành công trước lãnh đạo chính phủ, bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp.
Đứng trên sân khấu, ông Nguyễn Đức Tài - CEO Lumi Việt Nam kể về hành trình đi từ số 0 đến đơn vị sản xuất thiết bị nhà thông minh, IoT nổi bật trên thị trường. Đội ngũ sáng lập của Lumi gồm ba người, xuất thân từ những sinh viên ngành tự động hóa của Đại học Bách Khoa Hà Nội. Cả ba tham gia Robocon Bách Khoa - cuộc thi sáng tạo robot dành cho sinh viên khối kỹ thuật năm 2008 và giành được giải nhất. Đây là bước đệm để nhóm hình thành tuy duy về làm sản phẩm. "Ngay sau cuộc thi, chúng tôi đã kỳ vọng một ngày biến kiến thức trên giảng đường thành những sản phẩm Việt mang giá trị cho cuộc sống", ông Tài kể.
Năm 2012, Lumi ra đời nhưng đối mặt nhiều khó khăn. Để có chi phí phát triển sản phẩm, cả nhóm tiết kiệm tối đa. Căn phòng trọ 25 m2 trở thành nơi nghiên cứu, chế tạo, học tập, sinh hoạt của cả ba người. Để có chi phí cho công ty, họ dành 50% thời gian cho việc nghiên cứu, 50% thời gian dành cho việc kiếm tiền. Họ nhận làm các việc liên quan đến sửa chữa, thiết kế, lập trình hệ thống điện cho một số nhà máy như: nhà máy cán thép, nhà máy xi măng, trạm bơm nước; thậm chí chui xuống hầm than của một số mỏ như Than Hà Tu, Than Hà Lầm... để sửa chữa hệ thống điện.
Cơ hội đến khi hãng Texas Instrument gửi cho nhóm một số linh kiện mẫu là chip xử lý cảm ứng điện dung và truyền thông không dây. Đây được xem là các linh kiện công nghệ mới ở thời điểm đó. "Món quà" từ đối tác mở ra nhiều ý tưởng cho nhóm phát triển và là chất xúc tác để chiếc công tắc cảm ứng đầu tiên ra đời. Từ khởi đầu, nhóm đều đặn ra thêm sản phẩm mới mỗi 3-4 tháng.
Sau ba năm nghiên cứu và phát triển, giải pháp smarthome của Lumi ra mắt với các tính năng điều khiển các hệ thống chiếu sáng, rèm tự động, cổng tự động, an ninh giám sát... thông qua ứng dụng trên app hoặc trợ lý ảo, điều khiển bằng giọng nói. Để nền tảng nhà thông minh toàn diện hơn về hệ thống và tính năng, Lumi hợp tác với các hãng Hogar Control, EFL (Ấn Độ) và một số doanh nghiệp trong nước, như Việt Tiệp, Pavana, CNC Tech...
Đến nay, Lumi thiết kế và phát triển 65 kiểu dáng sản phẩm khác nhau. Hệ sinh thái smarthome toàn diện giúp giải quyết bài toán về năng lượng, thẩm mỹ, an ninh, đồng thời nâng cao trải nghiệm sống của người dùng Việt. Sau 11 năm phát triển, công ty có gần 150 nhà phân phối trên 63 tỉnh thành toàn quốc. Đơn vị cũng là thương hiệu smarthome Việt Nam đầu tiên xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, bao gồm Israel, Thái Lan, Ấn Độ, Lebanon.
Đã xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh, theo ông Tài, điều quan trọng tiếp theo mà doanh nghiệp hướng đến là truyền cảm hứng khởi nghiệp cho thế hệ trẻ mê công nghệ. Những năm qua Lumi đã hợp tác và tài trợ phòng thí nghiệm, chuyển giao toàn bộ giáo trình đào tạo IoT cho 12 trường đại học như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, Đại học Sao Đỏ, Đại học Hồng Đức, Đại học Cần Thơ...
Vị giám đốc này cho biết, con người là tài sản, là vốn quan trọng nhất của doanh nghiệp. Giữa kiến thức và thực tế luôn có khoảng cách lớn. Làm sao để sinh viên ra trường có thể làm việc được ngay là bài toán công ty muốn giải. "Chúng tôi đặt mục tiêu hỗ trợ phát triển và đào tạo đội ngũ kỹ sư chất lượng cao cho khoa học công nghệ nước nhà", CEO Lumi Việt Nam khẳng định trước khi kết thúc phần chia sẻ.
Tại sự kiện, trong lộ trình VIP tour, gian hàng giới thiệu hệ sinh thái smarthome và IoT của Lumi Việt Nam được các lãnh đạo Chính phủ, Bộ Khoa học Công nghệ ghé thăm.
Hoài Phương