Mùa bầu cử sơ bộ ở Mỹ bắt đầu vào ngày 1/2, khi thành viên hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ở bang Iowa tổ chức họp kín để bầu ứng viên tổng thống của từng đảng. Bang New Hampshire tiếp nối với một cuộc bỏ phiếu sơ bộ ngày 9/2. Bỏ phiếu sơ bộ và họp kín sẽ tiếp tục được tổ chức tại bang khác cho đến tháng 6, theo Economist Times.
Tại hầu hết các bang, bỏ phiếu sơ bộ được tiến hành như các cuộc bầu cử bình thường. Người dân đi bỏ phiếu tại các điểm bỏ phiếu hoặc qua đường bưu điện. Họp kín phi chính thức hơn, thu hút ít cử tri hơn và bị chi phối bởi các nhà hoạt động của mỗi đảng. Những quy tắc áp dụng cho cả hai loại hình bỏ phiếu này khác nhau tùy theo từng bang và từng đảng.
Quá trình trên nhằm xác định số đại biểu mỗi đảng ở từng bang ủng hộ các ứng viên tổng thống trước khi đại hội của từng đảng diễn ra. Đại hội là sự kiện công bố ứng viên tổng thống chính thức.
Cuộc chạy đua là để giành đại biểu, không phải giành phiếu bầu. Năm 2008, cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton giành được nhiều phiếu bầu hơn so với ông Barack Obama nhưng lại có ít đại biểu hơn và không trở thành ứng viên đại diện cho đảng Dân chủ tham gia tranh cử tổng thống.
Số lượng đại biểu không phân bổ tương ứng theo dân số. Ví dụ, bang Texas có 155 đại biểu dự đại hội đảng Cộng hòa, tương đương tỷ lệ 0,56% trên mỗi 100.000 dân. Bang New Hampshire có 23 đại biểu, tương đương tỷ lệ 1,73% trên 100.000 dân. Bang Georgia có 76 đại biểu dự đại hội đảng Cộng hòa trong khi Ohio chỉ có 66 đại biểu dù bang này có dân số đông hơn.
Về phía đảng Cộng hòa, mỗi bang được cử ít nhất 10 đại biểu, sẽ tăng lên dựa trên hồ sơ bỏ phiếu cho đảng trước đây của bang, và ba đại biểu phân bổ cho mỗi đơn vị bầu cử quốc hội. Mỗi bang cũng có thêm ba đại biểu tự do, chưa cam kết bỏ phiếu cho ứng viên nào.
Trong các kỳ bầu cử trước, những người dẫn đầu thường tìm cách giành được chiến thắng ban đầu để tạo đà và thu hút nguồn tài trợ, buộc đối thủ phải rút lui. Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa đã điều chỉnh để cho phép các bang bầu cử muộn hơn có tiếng nói lớn hơn. Tác động ngoài ý muốn là nó khiến cuộc cạnh tranh kéo dài hơn.
Để được đảng Cộng hòa đề cử, một ứng viên phải giành được sự ủng hộ quá bán của các đại biểu. Trong quá khứ, ứng viên được ưa thích một cách rõ ràng thường sẽ nổi lên sau ngày Siêu thứ ba, tức ngày 1/3 năm nay, khi 12 bang tổ chức bầu cử sơ bộ cùng lúc. Tuy nhiên, sau Siêu thứ ba, ba hoặc bốn ứng cử viên vẫn có thể còn cơ hội giành chiến thắng trong cuộc đua của đảng Cộng hòa.
Về phía đảng Dân chủ, bà Clinton nhận được sự ủng hộ từ 380 trong số 713 siêu đại biểu, những người có thể bỏ phiếu cho bất kỳ ứng viên nào và nằm trong số hơn 4.700 đại biểu dự đại hội đảng. Tuy nhiên, siêu đại biểu không bị ràng buộc phải bầu cho một ứng viên nên bà Clinton vẫn muốn được phần lớn các đại biểu thường cam kết rõ ràng bầu cho ứng viên nào, đứng về phía mình trước khi hội nghị diễn ra.
Đại hội toàn quốc của hai đảng năm nay diễn ra vào tháng 7. Ứng viên chiến thắng của mỗi đảng sẽ chọn một "cấp phó" cùng ra tranh cử với mình và thường là một trong số những người thua cuộc.
Sau đại hội đảng, ứng viên duy nhất của đảng Cộng hòa và Dân chủ mới bắt đầu trực tiếp đối đầu trong cuộc chạy đua. Họ sẽ chi những khoản tiền khổng lồ cho hoạt động quảng bá và cho một loạt các cuộc vận động ở các bang. Thời điểm này, hoạt động gây chú ý nhiều nhất là các cuộc tranh luận trên truyền hình giữa các ứng viên.
Trong những tuần cuối cùng của chiến dịch vận động, các ứng viên sẽ tập trung vào các ''bang giờ chót'', tức các bang mà tại đó người ta vẫn không biết được ứng viên nào sẽ nhận được sự ủng hộ cho tới khi bầu cử diễn ra.
Cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ được tổ chức vào ngày 8/11 năm nay. Về mặt kỹ thuật, các cử tri Mỹ không trực tiếp bầu tổng thống. Lá phiếu của họ gọi là phiếu phổ thông và việc của họ là chọn ra đại diện cử tri hay còn gọi là đại cử tri, tức những người đã tuyên bố rõ ủng hộ ứng viên này hay ứng viên kia.
Những đại cử tri nói trên hợp thành Cử tri đoàn. Tùy thuộc vào dân số mà mỗi bang của Mỹ có một số nhất định đại cử tri trong Cử tri đoàn này. Do đó, ứng viên nào được nhiều nhất phiếu phổ thông thì cũng nhận được toàn bộ phiếu của Cử tri đoàn bang đó.
Một ứng viên có thể bước vào Nhà Trắng mà không cần đạt được đa số phiếu phổ thông mà chỉ cần đa số phiếu của Cử tri đoàn. Trong cuộc bầu cử năm 2000, Al Gore, đảng Dân chủ, giành được nhiều phiếu phổ thông hơn so với George W. Bush, đảng Cộng hòa, nhưng lại thất bại khi Cử tri đoàn bỏ phiếu.
Như Tâm