"Thành tựu lớn nhất tôi đạt được trong gần 6 năm sinh sống và học tập ở New Zealand là sự tự tin, khả năng định vị bản thân và lộ trình nghề nghiệp rõ ràng", Nguyễn Thị Như Quỳnh (23 tuổi) chia sẻ.
Như Quỳnh từng là du học sinh Đại học Canterbury, hiện cô là giáo viên môn Kinh tế AS-level và môn Toán chương trình Cambridge tại một trường phổ thông liên cấp tại Hà Nội. Trước khi du học, Như Quỳnh từng là cô gái nhút nhát, ít khi thể hiện bản thân, thậm chí không biết mình muốn gì. Tuy nhiên, quãng thời gian du học tại một đất nước luôn công nhận sự khác biệt của mỗi cá nhân đã giúp cô dần thoát khỏi vỏ bọc, phát hiện ra những tính cách mới mẻ, tích cực.

Như Quỳnh, cựu du học sinh Đại học Canterbury. Ảnh: Nhân vật cung cấp
"Khi du học, tôi có nhiều thời gian ở một mình và tự làm mọi thứ. Điều đó khiến tôi có cơ hội hiểu thêm về bản thân, biết mình là ai, có thế mạnh và hạn chế gì, giới hạn của mình ở đâu, cũng như giá trị thật sự của bản thân... Việc này khiến tôi vững tâm và ít bị lung lay bởi lời nói và ý kiến của người khác", cô nói.
Chia sẻ về bước ngoặt trong quá trình theo học và ảnh hưởng lớn đến sự thay đổi của mình, Như Quỳnh cho rằng là khoảng thời gian có công việc chính thức đầu tiên sau khi tốt nghiệp đại học - làm Residential tutor (gia sư nội trú) ở trường Wanganui Collegiate School. "Công việc này giúp tôi có cái nhìn rõ ràng về cách hoạt động, vận hành và môi trường học tập ở một trường cấp 3 New Zealand. Điều này thực sự hữu ích để tôi thay đổi lộ trình sự nghiệp phù hợp nhất với định hướng của bản thân trong tương lai", nữ giáo viên cho hay.
Cũng là du học sinh New Zealand, Ngô Minh Quang (22 tuổi), cựu sinh viên ngành International Business - ĐH Otago cho biết, quá trình học tập ở New Zealand giúp anh nhận ra có nhiều cách khác nhau để tiếp cận một vấn đề. "Khi còn ở Việt Nam, đôi khi cách suy nghĩ và nhìn nhận vấn đề của tôi sẽ nằm trong một khuôn khổ mang những giá trị đánh giá nhất định. Khi du học, tôi có cơ hội rộng mở để tiếp xúc nhiều nền văn hóa khác nhau và thấy có rất nhiều khía cạnh để mình đánh giá một điều gì đó. Nhờ thế, tôi có thể linh động tìm sân chơi, tận dụng lợi thế của bản thân", Quang nói.

Ngô Minh Quang (bên phải), cựu sinh viên ĐH Otago. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Với nhiều thay đổi tích cực, Quang đã nhận được giải thưởng Wellington International Excellence Award trong quá trình học tập. Ngay khi ra trường, chàng trai 22 tuổi đã trở thành chuyên viên đầu tư cấp cao tại một công ty quản lý đầu tư và dịch vụ chuyên nghiệp đa dạng có trụ sở tại Canada. Công việc chính của Quang là tư vấn sáp nhập và liên doanh công ty, mua - bán - chuyển nhượng các dự án bất động sản.
Nếu như du học New Zealand giúp Như Quỳnh định vị bản thân và có lộ trình nghề nghiệp rõ ràng; giúp Minh Quang trở nên chủ động và thay đổi tư duy, đa dạng góc nhìn mới thì với Trần Ngọc Như Ý (28 tuổi), quãng thời gian du học giúp cô khơi dậy hứng thú học và niềm yêu thích nghiên cứu về chuyên ngành mình học.

Như Ý, cựu sinh viên Đại học Victoria Wellington. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Như Ý là cựu sinh viên ĐH Victoria Wellington, chuyên ngành Thạc sĩ Lý luận và phương pháp giảng dạy Tiếng Anh. Chia sẻ về cách học ở New Zealand, chị cho biết dù học thạc sĩ thiên về nghiên cứu, cách tiếp cận của giảng viên lại thiên về ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn, gợi mở sinh viên tạo ra những giải pháp cho các vấn đề còn tồn đọng trong giáo dục, chứ không nặng về lý thuyết. Sinh viên vì thế được tự do nêu quan điểm, ý kiến khiến việc học không quá áp lực.
"Ngoài ra, điểm số của các bài luận được cân nhắc dựa trên nhiều tiêu chí và mang tính khích lệ hơn thành tích, nên những sinh viên như tôi trở nên mạnh dạn và sáng tạo hơn khi làm bài luận", chị nói. Đó cũng là lý do khiến chị tự tin hơn nhiều chỉ sau vài tháng du học, đồng thời khơi dậy hứng thú học và nghiên cứu thêm về chuyên ngành chính - những môn phải tiếp xúc nhiều với tiếng Anh học thuật. Hiện chị là Chuyên viên phát triển chương trình và giám sát vận hành hệ thống trường HNQT iSchool thuộc tập đoàn Nguyễn Hoàng, đồng thời là giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Sư phạm TP.HCM. Chị cũng đang dự định học lên tiến sĩ, điều mà trước đây chị chưa từng nghĩ tới.
New Zealand là quốc gia nhỏ bé với 5 triệu dân nhưng nền kinh tế thịnh vượng và an toàn. Tuy là quốc gia nhỏ, hệ thống giáo dục rất phát triển. New Zealand cũng là nền giáo dục được tổ chức Economist Intelligence Unit đánh giá thuộc top đầu thế giới về chỉ số chuẩn bị cho tương lai.
Ông Ben Burrowes, Giám đốc khu vực châu Á của ENZ, nhận định: "Nền giáo dục New Zealand không chỉ được biết đến vì chất lượng giáo dục đẳng cấp quốc tế, mà còn nổi tiếng vì triết lý giáo dục đặt người học làm trung tâm, và môi trường học tập an toàn, thân thiện, luôn đề cao sự bao dung và hòa nhập".
Mô tả về giá trị nền giáo dục New Zealand mang lại cho sinh viên, Như Quỳnh dùng từ "inclusive" (trao cơ hội). Minh Quang thì nhận định rằng "linh động có quy luật". "Cả quá trình học được thiết kế để cá nhân có thể linh động thiết kế cho mục đích riêng của bản thân. Nhưng tiêu chuẩn đánh giá học sinh của họ cũng cao không kém và có cơ sở cố định", Quang nói.
Với Như Ý, cô ấn tượng với khẩu hiệu trường của ngôi trường cô theo học "Capital thinking, global minded". Nền giáo dục nơi đây hướng sinh viên thay đổi tư duy, hòa nhập nhưng không hòa tan, khuyến khích sinh viên phát triển bản thân cũng như chuẩn bị đầy đủ hành trang để hướng ra toàn cầu.
Đây cũng là 3 cựu sinh viên sẽ góp mặt trong Triển lãm Giáo dục New Zealand 2022, giúp các bạn trẻ hiểu hơn về hành trình trở thành "phiên bản mới" của các du học sinh và tìm kiếm cơ hội làm mới chính mình với giáo dục New Zealand.
Tại triển lãm, phụ huynh và học sinh, sinh viên có cơ hội tư vấn trực tiếp 1-1 với các đại diện trường về lộ trình, lựa chọn học tập phù hợp với định hướng và năng lực của từng người học, cũng như chính sách hỗ trợ dành cho du học sinh. Đồng thời, được tiếp cận với hàng loạt học bổng có giá trị ở nhiều bậc học khác nhau, bao gồm học bổng chính phủ, học bổng của từng trường, học bổng dành riêng cho người học Việt Nam. Đặc biệt, các học bổng chỉ được công bố và áp dụng cho người tham dự triển lãm.
Ngoài ra, người tham dự còn có cơ hội trao đổi với đại diện của đại sứ quán, Cơ quan Giáo dục New Zealand, và Sở Di trú New Zealand nhằm cập nhật các chính sách mới nhất liên quan đến du học. Song song đó là các phiên hội thảo xoay quanh những chủ đề như hướng nghiệp gắn liền với thực tế thị trường lao động Việt Nam và toàn cầu, những sai lầm thường gặp trong việc chuẩn bị tiếng Anh du học, du học nghề và các cơ hội rộng mở tại New Zealand...
Thế Đan
Phụ huynh và học sinh, sinh viên đăng ký tham dự miễn phí tại đây