Tôi có hai bé trai, bé đầu 8 tuổi và bé sau 4 tuổi. Tôi cũng rất quan tâm đến việc dạy con cách quản lý tiền. Với quan điểm riêng của cá nhân kết hợp tính cách của bé và hoàn cảnh gia đình, tôi chia hành trình thành các giai đoạn nhỏ.
Lúc bé được 3 tuổi, tôi bắt đầu tập cho bé nhận thức giá trị của đồng tiền bằng cách mỗi lần đi ăn sáng, sẽ đưa tiền cho bé và dẫn bé lại trả tiền. Giai đoạn bé còn nhỏ, khi nộp học phí, tôi sẽ chuyển khoản nhưng từ 3 tuổi, tôi cho bé đi cùng và bé tự cầm tiền đưa cho cô. Khi mua đồ chơi, mua quà vặt, tôi sẽ cho bé tự trả tiền kèm theo sau mỗi hành động đó là giải thích cho bé hiểu phải trả tiền mình mới được nhận phục vụ ăn sáng, được vào học, cầm trò chơi về và tiền này là bố mẹ đi làm mới có. Khi bé nhận thức được giá trị của đồng tiền thì bé sẽ quan tâm đến việc mua cái này cái kia hết bao nhiêu, nhiều hay ít để biết cách lựa chọn và không đòi mua các món quà đắt tiền. Bé cũng sẽ hạn chế các việc mè nheo ảnh hưởng đến công việc của bố mẹ.
Lên 5 tuổi, tôi cho bé tập tiêu tiền. Bé được cầm tiền đi một mình mua đồ vặt ở quán tạp hóa gần nhà, hoặc mẹ ngồi trên xe cho bé tự vào siêu thị mua đồ. Ban đầu bé chưa biết tính tiền, đến 7 tuổi tính được thừa và thiếu. Nhiều lần tôi cố tình đưa thiếu để nhắc bé nhớ giá trị của đồng tiền. Từ việc được tiêu tiền, tôi hướng con đến việc tập tiết kiệm tiền để mua được món đồ giá trị cao mà con đang rất muốn có bằng cách tiết kiệm tiền mừng tuổi. Sau mỗi Tết, con lại chăm chỉ bỏ tiền vào lợn và lên kế hoạch chi tiêu.
Ngoài ra, tôi tập cho bé biết tiết kiệm điện nước bằng cách cho bé đi nộp tiền điện nước, cho bé giữ phiếu thu tiền và số tiền này sẽ lấy làm mốc. Sau đó, tôi thỏa thuận với bé tắt các thiết bị khi không dùng để tháng sau giảm bớt tiền điện và số tiền giảm đó sẽ cho bé giữ. Ở giai đoạn này, tôi cũng cho bé tiếp xúc dần với việc thiện nguyện, cho bé cầm tiền tự chọn mua một số dụng cụ học tập, sách vở và trực tiếp đi trao quà cho các bạn vùng cao để bé hiểu được giá trị tốt đẹp của đồng tiền. Hàng năm, vào đêm 30 Tết, tôi và bé chuẩn bị các suất quà, trước giao thừa cho bé và bố đi các tuyến phố trao quà cho các cô chú lao công, đồng thời giải thích cho bé ý nghĩa của hành động này.
Lúc bé 7 tuổi, tôi ngừng việc bỏ tiền mừng tuổi vào lợn. Vào đầu năm mới, hai mẹ con sẽ nói chuyện về việc chi tiêu tiền mừng tuổi. Đầu tiên, cho bé viết ra các dự định chi tiêu, sau đó sẽ gợi ý để hướng bé dùng vào mục đích mình vạch trước. Tiền mừng tuổi sẽ để 10% phục vụ sở thích như: mua trò chơi, quà vặt, dành 20% để đến giao thừa tới bé sẽ tự tay đi mua quà tặng cô chú và tham gia các chương trình thiện nguyện, còn lại tôi dẫn bé trực tiếp đi gửi ngân hàng thời hạn một năm để con được lấy tiền lãi sau mỗi năm và giải thích cho bé sự khác nhau giữa bỏ tiền vào lợn và gửi ngân hàng.
Từ đó, tôi dẫn dắt bé tìm hiểu các cách kiếm tiền. Đồng thời mỗi lần rút tiền lương, tôi sẽ cho bé đi cùng, cho rút tiền của mẹ, của bố và giải thích cho bé hiểu mỗi công việc đều được trả tiền và số tiền khác nhau tùy vào từng việc. Vào năm 7 tuổi bé có sổ tiết kiệm đầu tiên đứng tên mình. Tôi lồng ghép việc giạy bé giá trị của đồng tiền vào các hoạt động thường ngày để bé thấm được một cách tự nhiên nhất, từng bước từng bước một, tôi tin chắc bé sẽ làm chủ được đồng tiền.
Nguyễn Thu Hiền
Prudential và VnExpress phối hợp tổ chức cuộc thi "Chaching - Bé giỏi tiền hay" từ ngày 9/6 đến 7/7. Cuộc thi không chỉ giúp cha mẹ và con cái cùng nhau học thêm cách quản lý tiền mà còn là một cơ hội giúp cả nhà gắn kết hơn cũng như nhận phần thưởng bằng tiền mặt hấp dẫn. Trong đó, cơ cấu giải thưởng bao gồm: một giải Nhất trị giá 10 triệu đồng; hai giải Nhì, mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 5 giải Ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng; 5 giải Yêu thích thông qua bình chọn của độc giả, mỗi giải trị giá 3 triệu đồng. Ngoài ra, 20 bài dự thi có chất lượng tốt nhất được chọn vào chung khảo sẽ nhận 500.000 đồng và một con heo đất của Prudential.
Xem chi tiết thể lê cuộc thi tại đây.
Gửi bài dự thi tại đây