Thứ ba, 16/4/2024
Thứ sáu, 8/10/2021, 10:43 (GMT+7)

Hành trình không đơn độc của người về quê

Cảnh sát giao thông dẫn đoàn, người dân địa phương tiếp tế đồ ăn, nước uống, giúp sửa xe... cho đồng bào hồi hương những ngày qua.

Lần đầu tiên sau 16 năm vận hành, hầm Hải Vân nối Đà Nẵng với Thừa Thiên Huế, mở cho người dân miền Trung và phía Bắc về từ miền Nam chạy xe máy qua, đêm 6/10. Việc này tránh cho người dân phải đi hơn 20 km đường đèo Hải Vân trong trời mưa nặng hạt, sương mù che khuất tầm nhìn, có thể gặp nguy hiểm. Thống kê bình quân khoảng 7.000 người hồi hương qua Đà Nẵng mỗi ngày. Đoàn mất khoảng 20 phút chạy xe qua hầm dài 6,5 km, có xe cảnh sát giao thông dẫn đường, tốc độ không quá 40 km/h.

Một ngày sau, cả bốn hầm gồm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Hải Vân dọc quốc lộ 1A, từ Khánh Hoà ra Thừa Thiên Huế đều được mở thông để người dân chạy xe máy, an toàn hơn và rút ngắn đường về. Đơn vị vận hành cho biết sau này quy trình có thể bổ sung việc cho người dân đi xe máy qua hầm trong những tình huống đặc biệt. Ảnh: Nguyễn Đông

Trước khi qua hầm, người dân chờ đợi tại Trạm trung chuyển phía nam. Các đội tình nguyện đã đợi sẵn để tiếp tế đồ ăn, thuốc uống, tặng vitamin bổ sung thể lực cho đoàn người về quê. Ảnh: Nguyễn Đông

Qua Đà Nẵng tới Thừa Thiên Huế, người dân sẽ chạy xe máy khoảng 150 km đi hết địa phận tỉnh này. Tại bãi đất trống phường Hương Văn, thị xã Hương Trà, chính quyền đã lập trạm dừng chân gồm 4 lán dã chiến để người dân nghỉ ngơi, ăn uống lấy sức tiếp tục đi. Ảnh: Võ Thạnh

Bên trong lán dã chiến có ghế xếp cho người dân tranh thủ chợp mắt. Ảnh: Võ Thạnh

Bên ngoài, tình nguyện viên thay săm lốp, ốc vít, thay dầu nhớt, bơm căng bánh xe máy cho người dân. Ảnh: Võ Thạnh

Dọc đường từ Thừa Thiên Huế ra tới Nghệ An, dòng người chạy xe máy được cảnh sát giao thông dẫn đoàn để đảm bảo an toàn. Người dân các tỉnh lập trạm tiếp xăng, thức ăn, nước uống miễn phí, tặng tiền.

Ven quốc lộ 1A, công an, cán bộ Mặt trận Tổ quốc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An chuẩn bị sữa hộp, bánh mì cho người hồi hương. Ảnh: Nguyễn Hải

Trước khi xe dẫn đường đi hơn 100 km hết địa phận Thanh Hóa đêm 5/10, cảnh sát giao thông dặn dò người dân cố gắng bám đoàn, giữ tốc độ và "chúc bà con thượng lộ bình an" về tới nhà. Ảnh: Hoàng Đông

Trẻ nhỏ, phụ nữ được ưu tiên trung chuyển bằng ôtô. Từ 5/10 đến nay, trời mưa liên tục do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Bộ. Ảnh: Hoàng Đông

Vượt qua Ninh Bình, Hà Nam về tới Hà Nội, các đoàn dừng tại chốt Pháp Vân - Cầu Giẽ khai báo y tế. Xe máy bị hỏng hóc được trung chuyển bằng xe của cảnh sát giao thông. Những người đuối sức, phụ nữ, trẻ em được ưu tiên lên xe bus. Ảnh: Giang Huy

Em Thào Thị Xúa, 11 tuổi, người H'Mông ở Hà Giang, sẽ còn đi thêm hơn 200 km nữa mới chạm đất quê nhà. Ảnh: Than Hoàng

Dòng người theo xe Đội cảnh sát giao thông số 8, chạy qua phố phường Hà Nội. Họ được cảnh sát dẫn đường đi thêm 80 km sang bên kia cầu Trung Hà, bàn giao cho chốt Tam Nông (Phú Thọ). Từ đây, cảnh sát giao thông Phú Thọ tiếp tục dẫn đoàn về tới nơi giáp ranh một số tỉnh phía Bắc.

Tối 7/10, Thủ tướng Chính phủ ra công điện, yêu cầu các tỉnh đã dừng Chỉ thị 16 vận động người dân ở lại, hỗ trợ an sinh, sản xuất trở lại. Với người muốn về quê cần lập danh sách, thông báo cho địa phương nơi đến và tổ chức đưa đón.

Người đã tới chốt kiểm soát cửa ngõ để về quê phải được phân nhóm, an toàn phòng dịch. Người dân không có phương tiện, người già, phụ nữ có thai, trẻ em được bố trí phương tiện đưa đón. Các địa phương dọc đường người dân đi qua chủ động hỗ trợ, di chuyển an toàn để không lây lan dịch bệnh, bố trí xe chở người không có phương tiện. Quê nhà có trách nhiệm đón, nhận bàn giao người về. Ảnh: Phạm Chiểu

Xuân Hoa