Tặng lại tập sách "Kỹ thuật của người An Nam" cho Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) hôm 1/6, ông Nguyễn Thiệp, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp cho biết đây là công trình nghiên cứu của học giả Henri Oger người Pháp, làm việc tại Viện Viễn đông Bác cổ (EFEO). Được thành lập năm 1900, Viện này có nhiệm vụ nghiên cứu, khai quật khảo cổ trên toàn bán đảo Đông Dương.
Năm 1902, trụ sở của EFEO được đặt tại Hà Nội với nhiệm vụ chính là thu thập tài liệu viết tay, bảo tồn công trình, nghiên cứu về dân tộc học, ngôn ngữ và lịch sử nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Bộ tài liệu này được Henri Oger thực hiện trong hai năm 1908 và 1909, với khoảng 4.000 tranh vẽ và tranh khắc gỗ, kết hợp bài viết để phản ánh kỹ thuật ngành nghề, cuộc sống của người An Nam lúc bấy giờ.
Đơn cử như cách người Việt xưa sử dụng công cụ để làm nông, đánh cá, săn bắn, hái lượm, hay nghề chế tác như làm giấy, kim loại quý, gốm, sắt tây và thiếc, gỗ, vũ khí và cảnh họ tham gia lễ hội dân gian, lễ tết...
Theo ông Thiệp, tài liệu này hiện chỉ còn 4 bản thảo trên thế giới, trong đó, một cuốn đang ở Viện Viễn Đông Bác cổ (Pháp). Cuốn sách vừa được trao về Việt Nam từng được cất giữ trong một thư viện lớn của Pháp. Tuy nhiên, trong quá trình rà soát, thư viện này phát hiện có hai bản thảo của cuốn sách, nên quyết định bỏ một bản và chỉ giữ một bản.
Khoảng năm 1960, bà Vũ Thị Xuân Phương là nhân viên tại thư viện đó. Sinh ra tại Việt Nam, lại nghiên cứu về dân tộc, nên bà Phương am hiểu văn hóa phương Đông và xứ An Nam. Nhận thấy đây là tài liệu quý hiếm, có nguy cơ bị thất lạc, nên bà đã bỏ tiền để mua lại bản thảo và cất giữ cho đến tận cuối đời.
Năm 2018, ông Thiệp, lúc đó là Đại sứ Việt Nam tại Pháp, dành nhiều thời gian để tìm kiếm và vận động cộng đồng Việt kiều trao tặng lại những tài liệu có giá trị lịch sử để lưu giữ. Cuối năm đó, gia đình bà Vũ Thị Xuân Phương gặp ông và ngỏ ý tặng lại bản thảo cho Đại sứ quán theo tâm nguyện của bà Phương. Gia đình nêu một điều kiện là bản thảo phải được giữ bởi cơ quan Nhà nước, phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn.
"Khi được gia đình gửi tặng bộ tài liệu này, chúng tôi rất mừng. Với trình độ phát triển lúc bấy giờ, một bộ sách được in theo công nghệ khắc gỗ, bản lớn vô cùng hiếm và nay gần như không còn. Chất liệu giấy rất mỏng, giữ được cho đến ngày hôm nay cũng là một kỳ tích", ông nói.
Giải thích lý do bộ tài liệu được trao từ năm 2018, nhưng đến tháng 6/2022 mới được Cục Văn thư và Lưu trữ tiếp nhận, ông Thiệp cho biết trong khoảng thời gian gần 4 năm có nhiều sự kiện. Ông không có dịp về Việt Nam nhưng cũng không yên tâm để gửi người khác mang về, ông quyết định giữ lại ở Đại sứ quán. Sang năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, việc vận chuyển bộ tài liệu quý này cũng không thể thực hiện được.
Tình trạng của bộ sách xuống cấp rất nhiều sau hơn 100 năm, giấy quá mỏng nên bắt đầu bị ố và nát. Việc vận chuyển, bảo quản cũng gặp nhiều khó khăn nên phải đến năm nay, bộ tài liệu này mới về đến.
"Đây là tấm lòng của người Việt xa quê hương, là tài sản quý giá, phản ánh khách quan một giai đoạn lịch sử dân tộc. Đây sẽ là niềm cảm hứng cho văn chương, điện ảnh thế hệ sau này", ông nói.