Những ngày đầu tháng 12, người dân tỉnh Phú Thọ có chung niềm vui. Sau sáu năm nỗ lực bảo tồn, phát triển vốn văn hóa truyền thống cha ông, hát xoan chính thức thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và trở thành di sản văn hóa của nhân loại.
Bà Nguyễn Thị Lịch - trùm phường xoan An Thái - chia sẻ: "Khi biết tin kết quả chính thức của cuộc họp sẽ được công bố vào sáng 8/12, rất đông nghệ nhân trong câu lạc bộ tụ họp tại nhà tôi để cùng chờ đợi. Sau khi kết quả được phát đi trên sóng truyền hình, chúng tôi ôm nhau reo lên và khóc”.
Trước đó, năm 2009, hát xoan được chọn xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Hai năm sau, loại hình nghệ thuật này có tên trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan - Nguyên phó Viện trưởng Âm nhạc Việt Nam - cho rằng hát xoan thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp, sống lại và trở thành tập tục trong đời sống sinh hoạt hiện đại, là niềm khích lệ đối với cộng đồng xoan nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung.
Trên hành trình trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, hát xoan không ít lần đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Những năm kháng chiến, đời sống kinh tế của người dân khó khăn đã khiến làn điệu dân ca này bị đứt đoạn. Nhiều nghệ nhân thuộc bốn phường xoan gốc An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét nằm ở hai xã Kim Đức và Phương Lâu (Phú Thọ) bỏ dở hoạt động gìn giữ nghệ thuật truyền thống để kiếm kế sinh nhai. Bà Lịch chia sẻ: “Khi chiến tranh xảy ra, các phường xoan gốc gần như giải thể. Tuy nhiên, ở thời điểm đó vẫn có nhiều nghệ nhân nhen nhóm ý muốn thành lập một câu lạc bộ tại địa phương”.
Theo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, có ba yếu tố quan trọng giúp hát xoan ra khỏi tình trạng khẩn cấp.
Thứ nhất, chỉ trong vòng sáu năm (2011-2017), các nghệ nhân đã đào tạo được tầng lớp, thế hệ hát xoan tại cộng đồng với số lượng đông đảo. Thứ hai, câu lạc bộ hát xoan liên tiếp được thành lập. Điều này cho thấy ý thức phát triển và bảo tồn giá trị di sản của người dân địa phương. Thứ ba, tỉnh Phú Thọ đã phục hồi các ngôi đình, miếu - không gian thực hành hát xoan cổ.
* Câu lạc bộ hát xoan phường An Thái trình diễn tại đình Lâu Thượng
Sinh ra trong gia đình có ba đời gắn bó với làn điệu hát xoan, cố nghệ nhân Nguyễn Tất Thắng - bố bà Lịch - sau khi về hưu đã quyết tâm gây dựng lại phường xoan An Thái. Cụ đã tập hợp những người biết hát trong làng để ôn luyện các làn điệu, đồng thời sưu tầm thêm các tư liệu. Năm 1996, phường xoan An Thái được lập lại, bà Lịch là người trẻ nhất.
Phường hát xoan An Thái ban đầu chưa đầy 20 người tham gia. Cũng như nhiều trùm phường, nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch vận động mọi người gây dựng lại phường xoan cổ. Bà nhận ra những thành viên của phường đều ở tuổi gần đất xa trời, nếu không truyền dạy cho lớp trẻ, hát xoan sẽ đến lúc chẳng còn đào, kép. Dần dần số lượng học viên tăng qua mỗi năm. Hiện nay, số người tham gia phường hát xoan An Thái là 107 người với năm thế hệ tiếp nối. Người nhỏ nhất là sáu tuổi, già nhất là 94 tuổi.
Theo bà Lịch, năm 2002, các phường xoan gốc chính thức được tỉnh Phú Thọ khôi phục. Các phường xoan duy trì tục lệ hát truyền thống (hát thờ, hát nghi lễ, hát hội) vào các dịp lễ tại không gian thờ cúng (miếu Cấm, miếu Lãi Lèn, đình An Thái, đình Thét, đình Kim Đái) và ở một số làng có tục kết nghĩa gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Đối tượng truyền dạy trọng tâm của các nghệ nhân thuộc bốn phường hát xoan cổ là học sinh từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông. Từ bốn phường này, nhiều câu lạc bộ được mở ra. Do phần lớn học viên trong độ tuổi đi học nên các câu lạc bộ chỉ sinh hoạt chuyên môn vào hai ngày cuối tuần. Đình làng được chọn làm không gian truyền dạy và trình diễn.
Buổi đầu tham gia lớp học, nhiều học viên tỏ ra khó khăn trước sự mới lạ của loại hình nghệ thuật truyền thống. Bà Lịch dí dỏm chia sẻ: “Từ buổi học thứ ba trở đi, họ ngấm dần câu hát, điệu múa. Có em bảo ‘Bây giờ bà có đuổi, con cũng không về'". Hát xoan còn được đưa vào giảng dạy tại các phổ thông trung học trên địa bàn tỉnh.
Theo bà Lê Thị Minh Lý (nguyên Cục phó Di sản Văn hóa, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa), năm 2011, tỉnh Phú Thọ có 13 câu lạc bộ hát xoan, 15 nghệ nhân lão thành và chỉ có bảy người còn khả năng truyền dạy. Phần lớn công chúng của hát xoan là người dân trong làng, các phường xoan tự giao lưu. Trước thực trạng đó, tỉnh đã đưa việc bảo tồn hát xoan trở thành nghị quyết. Chính phủ đã phê duyệt đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp hát xoan Phú Thọ" giai đoạn 2013 - 2020. Đến nay số lượng câu lạc bộ hát xoan trên địa bàn tỉnh tăng lên số 33.
Hàng năm, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ hỗ trợ kinh phí cho hoạt động truyền dạy, thực hành và trình diễn ở bốn phường xoan gốc do trùm phường và cộng đồng tổ chức. Ủy ban Nhân dân tỉnh cấp cho mỗi phường 30 triệu đồng và thành phố Việt Trì hỗ trợ 25 triệu đồng mỗi năm.
Sắp tới, tỉnh Phú Thọ thực hiện chiến lược phát triển du lịch địa phương, trong đó hát xoan là sản phẩm văn hóa đặc thù. Tỉnh tập trung nghiên cứu, sản xuất các chương trình từ tư liệu trình diễn của các nghệ nhân lão thành, giúp cộng đồng nhận diện giá trị và truyền dạy một cách bài bản, bảo vệ sắc thái riêng của mỗi phường xoan. Để loại hình âm nhạc dân gian không bị mai một và giữ vững sức sống như hiện tại, nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch chia sẻ: “Vì số lượng thanh niên sau này đi làm ăn xa và chọn công việc ổn định, chúng tôi tiếp tục mở lớp và đào tạo các thế hệ kế cận”.
Hát xoan thuộc lối hát cửa đình, bắt nguồn từ các làng cổ thuộc tỉnh Phú Thọ. Dân gian tương truyền loại hình nghệ thuật hình thành dưới thời các vua Hùng. Thuở xưa, người Văn Lang tổ chức các cuộc hát vào mùa xuân để chào đón năm mới. Có ba hình thức hát xoan, đó là hát thờ cúng các vua Hùng và thành hoàng làng, nghi lễ cầu mùa tốt tươi, cầu sức khỏe, hát lễ hội - hình thức để nam nữ giao duyên.
Trọng Trường