Ấn Độ đang tận dụng công nghệ mới nhất để tạo ra bước nhảy vọt sau nhiều thập kỷ bị bỏ bê đầu tư, khiến dữ liệu chính thức về người dân không hoàn chỉnh, tỷ lệ mù chữ tăng cao và hàng triệu người sống ngoài khu vực kinh tế chính thức. Việc khó xác minh thông tin cá nhân còn khiến nhiều hoạt động gặp khó, như mở tài khoản ngân hàng, nộp hồ sơ thuế hay nộp đơn xin trợ cấp từ Chính phủ - những điều mà nhiều nước giàu đã cho là hiển nhiên.
Vì vậy, suốt 8 năm qua, nước này đã xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia, ấn định cho mỗi người một mã riêng gồm 12 số. Mã này có tên Aadhaar, chứa cả các dữ liệu sinh trắc học như vân tay và mống mắt.

Ấn Độ đang dần tiến đến nền kinh tế không tiền mặt. Ảnh: Times of India
Đến nay, hơn 1,1 tỷ người tại Ấn Độ đã có mã này, trên tổng số 1,3 tỷ dân. Việc xác minh danh tính cần cho rất nhiều hoạt động, từ đăng ký thuê bao điện thoại, mua vé tàu đến nhận cơm trưa miễn phí tại trường.
Aadhaar cũng là nền tảng cho 2 dịch vụ thanh toán tại Ấn Độ. Một là Aadhaar-enabled payment system (AEPS), được sử dụng bởi các ngân hàng. Khách hàng dùng Aadhaar để truy cập tài khoản ngân hàng tương ứng, đã được kết nối với mã này. Sau đó, họ có thể thực hiện được các giao dịch cơ bản như kiểm tra số dư, gửi tiền, rút tiền hay chuyển tiền qua nhân viên ngân hàng.
*Công nghệ thanh toán bằng vân tay ở Ấn Độ
Người dân cũng có thể thực hiện giao dịch bằng cách quét vân tay tại các ATM và nhập số Aadhaar đã kết nối với tài khoản. AEPS là công cụ quan trọng với việc phổ cập dịch vụ tài chính số, do lượng lớn người có mã Aadhaar.
Tháng 4 năm nay, ứng dụng Aadhaar Pay - phiên bản cho chủ cửa hàng của AEPS cũng được Ấn Độ ra mắt. Nó cho phép khách hàng trả tiền mà không cần mang theo thẻ ngân hàng hay điện thoại. Ứng dụng chạy trên nền tảng Android và phải được người bán cài đặt. Dù vậy, để sử dụng công nghệ này, người bán sẽ cần trang bị máy quét vân tay, giá khoảng 2.000 rupee (30 USD).
Đầu tiên, họ phải tải ứng dụng Aadhaar Pay về điện thoại, và đăng ký sử dụng. Tiếp đó, họ liên kết điện thoại với một máy quét Aadhaar. Một khi đã hoàn tất các thủ tục này, người mua có thể bắt đầu giao dịch.
Với người mua, để thanh toán, đầu tiên họ sẽ phải nhập số Aadhaar. Sau đó, ấn vân tay vào máy để xác nhận giao dịch. Tuy nhiên, để sử dụng dịch vụ này, họ cũng phải liên kết tài khoản ngân hàng với mã Aadhaar trước.
Nếu người dùng có nhiều tài khoản ngân hàng liên kết với thẻ Aadhaar, họ còn có thể lựa chọn tài khoản muốn dùng để thanh toán. Sau khi xác minh khách hàng, bằng số Aadhaar và vân tay, ứng dụng sẽ đưa ra lựa chọn này.
Chính phủ Ấn Độ tin rằng phương pháp này sẽ có lợi với những người không dùng thẻ, ví điện tử hay smartphone. Việc này không chỉ giúp thanh toán không tiền mặt phổ biến hơn, mà còn dễ dàng và ít gây tranh cãi hơn.
Ứng dụng này cũng không khiến các chủ cửa hàng mất thêm phí xử lý, như trả tiền qua thẻ ATM, thẻ tín dụng và ví điện tử thông thường. Nó dành riêng cho các chủ cửa hàng, và sử dụng hai nền tảng lớn được Chính phủ phát triển - AEPS (để xác minh) và Aadhaar Payment Bridge (APB) (để chứa cơ sở dữ liệu). Vì thế, ứng dụng Aadhaar có tính bảo mật rất cao.
Tính đến tháng 7/2017, AEPS đã xử lý số giao dịch trị giá hơn 216 triệu USD. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đầu năm nay, ông Amitabh Kant - Giám đốc Viện Nghiên cứu Cải cách Ấn Độ cho biết thậm chí các phương thức thanh toán điện tử cũng sẽ không còn chỗ tại Ấn Độ năm 2020. Khi ấy, người dân nước này sẽ dùng ngón tay hoặc mắt để giao dịch.
“Mỗi người Ấn Độ sẽ là một ATM di động. Đây sẽ là bước nhảy vọt về công nghệ lớn nhất trong lịch sử nhân loại”, ông dự báo.
Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam (VEPF) là sự kiện thường niên, quy mô lớn đầu tiên về thanh toán điện tử được tổ chức tại Việt Nam. Sau hai năm tổ chức, VEPF 2017 tiếp tục là cơ hội để các bên liên quan nói lên tiếng nói nhằm tác động tới sự thay đổi chính sách về thanh toán điện tử. VEPF 2016 đã thu hút 700 khách tham dự sự kiện, trong đó có sự hiện diện của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, đại diện các ngân hàng, doanh nghiệp thương mại điện tử, công nghệ, giao thông, trung gian thanh toán... cùng các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước. Chương trình năm nay có sự tài trợ của Samsung Pay - ứng dụng kết nối với hệ thống các ngân hàng để cung cấp dịch vụ thanh toán di động. Thông tin chi tiết về VEPF 2017 được cập nhật tại website chính thức của chương trình:https://vepf.vnexpress.net/ |
Hà Thu (tổng hợp)