Một ngày cuối tháng 6 nắng như đốt, ông Thanh, quê Bắc Giang cõng con trai vào TAND Hà Nội để dự phiên xử Nguyễn Duy Tam (26 tuổi), kẻ suýt lấy mạng con ông.
Những giọt mồ hôi lăn dài trên gương mặt gày gò khắc khổ của ông Thanh. Phải ba lần nghỉ để lấy sức, ông mới cõng được con lên phòng xử. Lúc đó, Tam đang ngồi trước vành móng ngựa, chờ Hội đồng xét xử vào làm việc.
Gương mặt thất thần nhưng Nguyễn Đức Thịnh (23 tuổi) con trai ông vẫn nhận ra kẻ xuống tay với mình. Gần 3 năm nay, Thịnh mới gặp lại Tam, người đồng hương tàn ác.
Tam và Thịnh vốn cùng làm nhân viên một quán cà phê ở quận Long Biên, với công việc dắt, dựng xe cho khách. Một ngày cuối tháng 8/2012, công an phường đi làm trật tự đô thị nên Thịnh nói Tam dựng gọn xe máy của khách. Cho rằng bị sai khiến, Tam tức tối. Chiều cùng ngày, Tam lấy xe máy của khách rồi bốc đầu thì bị Thịnh mắng. Hắn thêm thù tức người bạn cùng quê.
Theo cáo buộc, rạng sáng 27/8/2012, Tam dùng quả tạ 5 kg đập vào đầu anh Thịnh. Nạn nhân mở mắt quay người chống lại thì Tam dùng tay trái bóp cổ, dùng chân đè lên người. Tên này tiếp tục đập nhiều nhát tạ vào đầu Thịnh đến khi nạn nhân bất tỉnh. Tam còn hành hung hai nữ nhân viên khác trước khi bỏ trốn. Các nạn nhân được đưa đi cấp cứu.
Thừa nhận hành vi tại cơ quan điều tra nhưng ra toà lần đầu vào cuối tháng 5, hắn phủ nhận hành vi. Lần thứ hai đứng trước vành móng ngựa, Tam nghêu ngao hát: "Rượu đã tan rồi, chia tay thôi bạn ơi...". Cũng hai lần được triệu tập nhưng một số nhân chứng, bị hại đều vắng mặt nên luật sư bào chữa cho Tam đề nghị hoãn phiên toà.
Nghe luật sư của mình đề nghị, bị cáo cũng có ý kiến: "Bị cáo bị oan. Vì sự vắng mặt của bị hại liên quan đến sự hàm oan, vì quyền lợi của bị cáo, đề nghị hoãn phiên tòa". Ở hàng ghế dưới, một bị hại có mặt tại tòa lên tiếng: "Tôi mà vu oan cho ai, tôi đã chết từ ba năm nay rồi".
Nghe vậy, bị cáo quay về phía bị hại tiếp lời: "Mày thích đóng kịch à? Tao còn đóng kịch hay hơn". Nói đoạn, Tam quay ra diễn ngay "màn kịch". Anh ta oằn mình, nhăn mặt kêu đau đớn rồi lại tỏ ra bình thường sau đó. Trước những biểu hiện của Tam, HĐXX một lần nữa hoãn phiên toà, cho bị cáo đi giám định tâm thần.
Ông Thanh thở dài vì để đến được phiên toà, bố con ông phải đón xe khách từ sáng sớm về Hà Nội. Chi phí đi lại khó khăn, khiến ông không khỏi ném cái nhìn bực bội về phía bị cáo.
Quay sang cậu con trai nửa khôn nửa dại, ông nhớ lại khi bạn bè báo Thịnh gặp nạn, cả nhà vất vả phóng xe máy từ một huyện xa xôi của tỉnh Bắc Giang về Hà Nội. “Nhìn thấy con đầu quấn băng trắng, máu rỉ ra khắp người mà tôi rụng rời chân tay”, ông kể.
Sau đó, ông nhận tin dữ, Thịnh bị phù não, đã chết lâm sàng và không còn cơ hội cứu chữa. Vợ ông khóc không còn nước mắt. Gia đình thuê chuyến xe đưa “xác” Thịnh về quê. Tuy nhiên, ông bảo “còn nước, còn tát” nên đã gửi con lại Bệnh viện đa khoa Bắc Giang.
“21 ngày trong bệnh viện, bác sĩ thông báo đưa cháu về gặp mẹ lần cuối. Tôi nghẹn cổ, nghe theo”, ông Thanh nói. Lúc này, do nằm một chỗ nhiều ngày, phần lưng của Thịnh đã bị hoại tử. Ông đem con về quê nhưng tiếp tục gửi Thịnh ở bệnh viện huyện.
“Một lần, tôi tình cờ được người cháu mách về một thầy lang ở Cao Bằng có khả năng chữa trị được cho con”, ông Thanh xúc động khi nói đến “cơ duyên” gặp thày giỏi. Tiền trong nhà tích cóp từ gần 20 năm với nghề trồng vải, làm mì khô đã không còn, ông vay được người thân 7 triệu đồng làm lộ phí.
Nhiều ngày tìm kiếm, gia đình ông cũng gặp được “quý nhân”, ông lang này yêu cầu cam kết không bắt đền nếu có việc gì xảy ra. “Tôi còn nghĩ được gì nữa, viết ngay theo đề nghị của thày lang đó”, ông Thanh kể. Thày lang bốc một thang thuốc, giá 2 triệu đồng.
Một phần thuốc ông cho con trai uống, một phần thoa khắp người Thịnh. Hạnh phúc vỡ oà khi cậu thanh niên bất động nhiều ngày có dấu hiệu của sự sống. Gia đình ông mang con lên bệnh viện tỉnh để khám lại. Bác sĩ cũng bất ngờ vì các chi của Thịnh dần hồi sinh, cử động lại.
Sau lần đó, hàng tháng ông Thanh tiếp tục lên Cao Bằng lấy thuốc về điều trị cho con. Gần 3 năm kiên trì ông đã đạt được thành quả - Thịnh dần khỏe, các phần hoại tử đã lành lặn. Khi con trai khoẻ, ông mang hồ sơ bệnh án giao nộp cho công an, họ còn không tin việc Thịnh còn sống.
Nhìn vào những vết thương chằng chịt trên đầu, cổ con trai, ông Thanh bảo, mỗi lần trái nắng, Thịnh hay cáu gắt, có lúc ném đồ đạc. “Trời nắng nóng, nhìn con ôm đầu quằn quại mà thương lắm. Vậy mà kẻ thủ ác...”, ông bỏ lửng câu nói khi cõng con trai rời toà.
Việt Dũng