Xuất phát từ việc tìm đề tài để thực hiện trong một cuộc thi, 3 sinh viên Đoàn Minh Chí, Đỗ Thành Long và Nguyễn Thị Tuyết, thuộc khoa Địa lý trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn đã nghiên cứu thành công Atlat điện tử TP HCM với rất nhiều ứng dụng.
Là trưởng nhóm nghiên cứu, Chí cho biết Atlat điện tử là loại Atlat được xây dựng và sử dụng chủ yếu trên máy tính điện tử. Trước đây đã có rất nhiều Atlat địa lý xuất bản nhưng nó ở dưới dạng sách, chủ yếu chỉ để hướng dẫn học sinh vẽ các loại bản đồ. Hoặc Atlat điện tử xuất hiện ở một số tỉnh thành nhưng đa số chỉ dừng lại ở những thông tin cơ bản, tốc độ xử lý ảnh chậm và chủ yếu là phục vụ mục đích hành chính.

Hiện nay phần mềm Atlat điện tử TP HCM đã được đưa lên mạng sử dụng rộng rãi. Ảnh: Nguyễn Loan
Để đa dạng hóa thông tin và bổ sung những tính năng mà sách Atlat không thể thực hiện, Chí và các bạn đã bắt tay vào nghiên cứu để tạo ra dạng Atlat điện tử. Nghiên cứu này được sử dụng nhiều phần mềm khác nhau, đặc biệt có tốc độ tải bản đồ nhanh, tích hợp nhiều hình ảnh, âm thanh sinh động. Ngoài ra, Atlat điện tử TP HCM còn có chức năng tương tự như một cẩm nang địa lý với các công cụ học vẽ, nhận xét biểu đồ và phần bài tập với các câu hỏi về kiến thức địa lý, lịch sử TP HCM. Tất cả các thông tin cần thiết như kinh tế xã hội, tự nhiên, thủy văn, vị trí địa lý, môi trường, tài nguyên khoáng sản... được thể hiện một cách sinh động bằng cách kết hợp giữa thông tin, bản đồ, hình ảnh, video, tư liệu giúp người sử dụng có được cái nhìn tổng quát, nhiều chiều.
Với sản phẩm này, nhóm của Chí đã mang về 5 giải thưởng khác nhau. Đầu tiên là giải Ba cuộc thi Holcim prize năm 2012, tiếp đó là giải Ba cuộc thi sản phẩm sáng tạo dành do thanh thiếu niên TP HCM, giải Nhất Nghiên cứu khoa học sinh viên vào năm tiếp theo do trường Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM tổ chức; giải khuyến khích cuộc thi Tài năng khoa học trẻ Việt Nam do Quỹ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) tổ chức. Mới đây, một lần nữa sản phẩm này giành giải Ba cuộc thi euréka năm 2013 do Thành Đoàn TP HCM tổ chức.
Ngoài những thành công trên, Alat điện tử cũng đã được NXB giáo dục đồng ý xuất bản để phục vụ cho việc học tập. Ông Đặng Tấn Hướng - Phó giám đốc NXB này cho biết, hai bên đã đạt được thỏa thuận về việc đưa phần mềm này phục vụ cho việc học tập ở bậc phổ thông. Theo đó, phía nhà xuất bản sẽ hỗ trợ phần nội dung thông tin còn bên phía nhóm sinh viên sẽ chịu trách nhiệm đưa thông tin vào và thiết kế phần mềm sao cho phù hợp. Dự kiến đến tháng 9 năm sau sản phẩm sẽ được đưa ra kệ sách.

Atlat điện tử TP HCM được cả nhóm đem đi tham gia rất nhiều cuộc thi và mang về nhiều giải thưởng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Kể lại chặng đường nghiên cứu của nhóm, vị "thủ lĩnh" cho biết đã từng không ít lần một số thành viên trong nhóm nghĩ tới việc bỏ cuộc và cãi nhau vì bất đồng quan điểm. Cuối cùng, Chí nhận nhiệm vụ làm trưởng nhóm, phụ trách điều hành cũng như quản lý tiến độ, nội dung và tổng hợp thông tin; Long phụ trách khâu thiết kế đồ họa phần mềm Atlat trên máy tính, còn Tuyết thì lục lọi khắp thành phố để tìm tài liệu...
"Để sản phẩm ra đời, chúng em đã phải vượt qua không ít khó khăn. Ngay lúc đầu đưa ra ý tưởng cả nhóm đã bị các thầy cô trong hội đồng tuyển chọn đề tài phản bác vì trước đó đã có không ít những phần mềm tương tự. Hơn nữa, cả 3 bọn em đều học xã hội, giờ lại đi thiết kế phần mềm nên Long phải tự mày mò, học hỏi rất nhiều trong khi thời gian và kinh phí của nhóm đều rất hạn hẹp", Chí nói và cho biết việc nghiên cứu lại trùng với thời điểm chuẩn bị ôn thi tốt nghiệp ra trường nên cả nhóm gặp rất nhiều áp lực.
Vượt qua những khó khăn, sau 6 tháng tự mày mò nghiên cứu, phần mềm Atlat điện tử TP HCM được ra đời và nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ các cuộc thi. Với thành công này, các thành viên của nhóm đã được rất nhiều tổ chức biết đến. Ngay sau khi ra trường, Long được mời về Viện địa lý tài nguyên môi trường làm thiết kế bản đồ địa lý tài nguyên môi trường; Tuyết thì về "định cư" tại Viện tài nguyên môi trường. Riêng trưởng nhóm Đoàn Minh Chí ở lại làm việc tại Trung tâm nghiên cứu Biển đảo, thuộc ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn.
"Thực ra thành công nhất không phải là bọn em cho ra đời Atlat điện tử mà là sau phần mềm này bọn em học được cách làm việc theo nhóm và cách để vượt qua những áp lực cũng như khó khăn trong quá trình làm việc", một thành viên của nhóm chia sẻ.
Nguyễn Loan