Chị Trương Thị Hồng, 34 tuổi, ở xã Bình An, huyện Thăng Bình thường nói đùa "mình ở xã Bình An nhưng chưa bao giờ được giây phút bình an". Suốt mấy năm nay, chị phải vay mượn khắp nơi mượn, đưa con đi kéo dài sự sống trong khi số nợ để cứu tính mạng chồng trước đó vẫn đè nặng hai vai.
Năm 2019, Bùi Trương Anh Tú, 10 tuổi, đứa con thứ hai của chị bỗng nôn thốc nôn tháo khi đang chơi đùa cùng với chị gái. Biểu hiện này liên tiếp diễn ra mấy ngày liền nên vợ chồng chị đưa con ra Đà Nẵng khám.
"Cháu có khối u ở não, phải mổ gấp", bác sĩ thông báo. Bà mẹ nghèo loạng choạng khi nghe tin, chỉ hy vọng có sự nhầm lẫn nào đó. Năm 2016, chồng chị là anh Bùi Đan Vui, 38 tuổi, trải qua một vụ tai nạn thập tử nhất sinh khiến gia cảnh khốn đốn. Giữ được tính mạng nhưng anh Vui từ đó chẳng đỡ đần được gì. Di chứng sau vụ tai nạn khiến anh không làm được việc nặng. Giờ đến lượt con mắc bệnh hiểm nghèo, chị Hồng chẳng biết bám víu vào đâu.
Nhưng Anh Tú vẫn phải lên bàn mổ. Chị điện về nhà vay tiền, cố giữ lại sự sống cho con.
Bùi Trương Anh Tú trải qua cuộc phẫu thuật mấy tiếng đồng hồ. Ca phẫu thuật cắt bỏ khối u khiến bé bị liệt nửa người. Bốn tháng sau đó, hai mẹ con chị phải "đóng đô" ở viện để vật lý trị liệu. Bị tác động sau cuộc phẫu thuật, Tú trở nên quấy và tinh nghịch, khó bảo hơn trước khiến tâm lý chị càng thêm nặng nề.
Từ nhỏ, Anh Tú đã chậm nói và lãng tai, muốn truyền tải điều gì đó chị Hồng vừa nói vừa ra dấu. Mấy lần đưa con ra một bệnh viện khác ở Đà Nẵng nhờ bác sĩ can thiệp, nhưng thằng bé quá quấy, được một thời gian lại phải về.
Hai mẹ con phải tự túc tập luyện ở nhà. Mọi thứ đổ dồn lên vai chị, từ tiền học cho con lớn, chi tiêu hàng ngày cho cả nhà. Trong khi đó, cả ngày phải ở cạnh để cho Tú tập vận động khiến chị không còn lúc nào rảnh để mà đi làm thuê, kiếm thu nhập. "Nhiều lúc muốn khóc mà cũng chẳng dám khóc", chị Hồng mắt ngấn nước: "Sợ mình gục ngã thì con không biết nương tựa vào ai".
Sau bốn tháng tập vật lý trị liệu, bé Tú đã đi lại bình thường. Chị Hồng đưa con đi tái khám, bác sĩ bảo nên đưa cháu ra Huế để điều trị, truyền hóa chất "hóa trị theo phác đồ Bộ Y tế". Hành trình của hai mẹ con lại tiếp tục.
Hai mẹ con chị đã bám trụ ở Bệnh viện trung ương Huế gần một năm nay. Những lúc vào thuốc, Tú mệt đến lả người, nằm vật ra giường. Tóc em bắt đầu rụng dần. Chứng chậm nói và lãng tai khiến mẹ con ít khi chuyện trò cùng nhau. Lúc cần thứ gì, bé vừa bập bẹ nói vừa ra dấu mẹ mới hiểu. Tú cũng chưa một lần đến lớp dù em rất muốn đi học.
Ở viện, Tú không hiếu động như những bệnh nhân khác. Em luôn nằm trên giường, mẹ đỡ dậy ngồi được một lúc rồi bé lại nằm vật ra. Thương con, nhưng chị Hồng cũng không biết làm cách nào khác. "Mong sao con lành bệnh để nó được về nhà", chị Hồng vừa xoa bóp tay cho con, vừa trò chuyện.
Từ ngày nằm ở Khoa Nhi ung bướu, Bệnh viện Trung ương Huế, niềm an ủi lớn nhất của mẹ con chị là thi thoảng có nhà hảo tâm đến thăm, hỗ trợ các gia đình một ít quà, và cơm miễn phí. "Cũng nhờ vậy mà chi phí ở viện của con cũng đỡ được một chút", chị tâm sự.
Đứa con đầu của chị - bé Bùi Trương Tuấn Oanh, năm nay học lớp 6 nhưng đã phải gồng mình làm trụ cột cho cả nhà. Em ở nhà lo toan mọi việc rồi ở bên cạnh chăm cha lúc trái gió. Mấy lần Oanh gọi điện thoại bảo "nhớ mẹ và em", đòi ra thăm nhưng chị Hồng không cho. "Con ra đây nhỡ mắc Covid-19 thì lại khổ mẹ", chị Hồng dọa con rồi lại an ủi "ở nhà mấy hôm nữa mẹ và em về".
Động viên con như vậy, nhưng chị Hồng biết đường về nhà của Tú còn rất dài.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của quý vị là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Mời xem thông tin về chương trình tại đây.
Nguyễn Đắc Thành