Bài viết này tôi viết ngay đúng vào đêm trăng Rằm, cũng đúng ngày này 2 năm về trước, ngồi trước sân nhà, dưới ánh trăng vàng rực rỡ, cha tôi bỏ dỡ tách trà, bước vào phòng khách và nói rõ to với tôi một câu rất ngắn gọn "cha đồng ý cho con đi học chuyên khoa dinh dưỡng, và hãy quay về Việt Nam con nhé". Sau khi trở về từ Nhật, tôi đã có một công việc ổn định và mức lương cao. Việc tôi quyết định từ bỏ tất cả để sang Anh du học chuyên khoa Dinh dưỡng thật sự là một điều không dễ dàng để thuyết phục gia đình của tôi.
Sau nhiều ngày đắn đo, tôi đã quyết định chia sẻ với cha tôi. Điều tuyệt vời là cha tôi đã đồng ý cho tôi đi theo con đường đam mê của mình. Mang theo hành trang là những lời nhắn nhủ của cha, tôi may mắn nhận được học bổng toàn phần để học tại một trường đại học lớn tại Anh với chuyên khoa mà tôi nguyện sẽ gắn bó suốt đời cho sự nghiệp của tôi “Nutritional Therapy".
Hành trình bắt đầu khi tôi đặt chân tới sân bay quốc tế Birmingham vào những ngày đầu tháng 7. Tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác lúc ấy như ngày hôm qua. Đó là ngày thật sự tồi tệ đối với nhiều người trên chuyến bay vì chuyến bay của tôi đã bị trì hoãn một ngày so với lịch bay. Nhưng đối với tôi, đó là một ngày đầy ý nghĩa và nó đã giúp tôi càng quyết tâm hơn trên con đường mình đã chọn. Tôi đã đến trễ một ngày và cũng không có điện thoại để liên lạc, không ai rước tôi ở sân bay, hành lý của tôi bị thất lạc và tồi tệ hơn tôi không có phòng để ngủ lại qua đêm.
Tôi lang thang quanh quẩn nhiều phòng cho thuê một đêm gần đó và quyết định tự an ủi mình: “Mình sẽ ngồi đây đợi, chỉ còn 8 tiếng nữa là trời sẽ sáng, tôi sẽ có một một căn phòng mơ ước của mình, và tôi sẽ tự thưởng cho mình bát phở nóng mang từ Việt Nam sang”. Trong lúc ngồi đó, một bác người Anh đã bắt chuyện với tôi, như thấy rõ từng nét tuyệt vọng trên khuôn mặt của tôi lúc ấy, bác dùng giọng Bắc London trìu mến và rất rõ ràng để chỉ tôi đến một nhà thờ gần đó, nơi mà tôi có thể có một bát soup ấm nồng và một cái nệm êm cho 8 tiếng đầu tiên của hành trình.
Ngày đầu ở đất nước Anh đã cho tôi nhiều bài học về tình cảm con người và đất nước nơi đây. Những bài học tôi học được không chỉ là những bài học trên giảng đường khô khan, mà là những tình cảm chân thành và sự quan tâm không thể nào nói hết được trong 1.500 từ về con người và dân tộc đất nước sương mù này. Có 3 câu chuyện điển hình tôi đã góp nhặt được từ những người đồng nghiệp, những bệnh nhân của tôi và những người dù tôi chỉ được gặp một lần ở đất nước sương mù, nhưng tất cả họ đã giúp tôi vẽ nên một hành trình rõ ràng đến với trẻ em Việt Nam, điều mà tôi thật sự muốn làm nhất bây giờ.
Câu chuyện thứ nhất bắt đầu bằng một bản tin thời sự buổi chiều tại nhà của một bạn người Anh tại London trong buổi trà chiều thường lệ. Hôm đó, bản tin của đài BBC Health nói về làm cách nào giúp bé phòng ngừa sự phát triển hen suyễn khi bé lớn nếu được chăm sóc dinh dưỡng tốt khi bé bắt đầu ăn dặm. Cô bạn bác sĩ người Anh quay sang hỏi tôi: “Cha mẹ Việt Nam của bạn thường xem thông tin sức khỏe và dinh dưỡng ở những kênh nào vậy Anh Nguyễn?”. Câu hỏi vô tình của cô bạn đồng nghiệp làm đêm đó tôi không thể nào ngủ được. Tôi trăn trở mãi liệu chúng ta có nên có một kênh sức khỏe và dinh dưỡng khoa học dành riêng cho các bậc cha mẹ ở Việt Nam.
Câu chuyện thứ hai bắt đầu với câu nói “taste each of the second” của một bác gái 70 tuổi người Anh, là một bệnh nhân của tôi đang điều trị tại Khoa Ung thư tại bệnh viện tôi thực tập. Đôi lúc tôi mệt mỏi với nhiều báo cáo, cũng như bài tập, bệnh án và thi cử; vào những thời điểm đó bác luôn nắm lấy tay tôi và khẽ nói nhẹ 5 từ: “taste each of the second.” Bác từng nói: các bạn trẻ thường nhìn thế giới theo từng giờ, từng ngày hay từng năm; nhưng các bạn trẻ quên rằng 1 giờ có 60 giây, và các bạn có 60 cơ hội nữa để thay đổi điều tốt đẹp đến cho mình và cũng có 60 cơ hội nữa để cống hiến và làm việc cho điều mình thích. Năm từ rất ý nghĩa đã cho tôi một bài học tuyệt vời trong nghề nghiệp của tôi. Mặc dù bây giờ bác không còn nữa, nhưng điều mà bác ấy cho tôi là quá lớn. Tôi hiểu một điều rằng, tôi hãy ngưng lại những than vãn chán trường, mà hãy dùng 60 cơ hội nữa để chăm sóc các bé tốt hơn.
Câu chuyện cuối cùng là của một bà mẹ trẻ người Anh với 2 bé (1 trai 1 gái) rất kháu khỉnh, tuy nhiên các bé đã mắc bệnh béo phì ở độ tuổi quá sớm. Người mẹ đã trả lời “Just feeling really sad and depressed right now. But, you know, I want my kids to succeed in life and this isn't going to GET them there. But I'm killing them”. khi được tôi hỏi rằng “How are you feeling?”. Trước đó tôi nhấn mạnh rằng tất cả thức ăn gia đình bà đang ăn mỗi ngày (burger, pizza, crisp...) làm cho những đứa con của bà trở nên ngày một béo hơn, thậm chí cả bà và chồng của bà nữa. Đứa bé nhỏ nhất của bà, năm nay 10 tuổi, nặng 350 pound, phải đấu tranh từng ngày để giảm cân tích cực, giành lại cuộc sống và sức khỏe cho cậu bé, một điều quá sức tưởng tượng của tôi khi bé còn quá nhỏ để hiểu điều gì đến với bé.
Tôi đã suy ngẫm nhiều về điều mà cha mẹ nên làm cho con cái họ. Những bậc cha mẹ chúng ta đều mong muốn con cái mình thành công, họ nỗ lực kiếm tiền để con cái có cuộc sống dễ dàng sung túc. Nhưng nhiều bậc cha mẹ quên là giáo dục sức khỏe tốt mới là món quà quý nhất mà chúng ta nên cho con cái. Ít nhất, hãy cho con cái chúng ta “hạt mầm của sức khỏe” để chúng gieo trồng.
Ba câu chuyện trên đã cho tôi nhiều động lực và cố gắng để nỗ lực hoàn thành những năm thực tập cuối cùng ở Anh và sẽ mang hành trang là những gì tôi học được về cho trẻ em Việt Nam.
Nguyễn Hoàng Anh