Honda Soichiro sinh năm 1906 tại Shizuoka, Nhật Bản, con trai cả của gia đình Gihei Honda. Cha là thợ rèn và mẹ là thợ dệt, ông chịu ảnh hưởng nhiều từ công việc của cha. Đây cũng là nơi hun đúc tình yêu cơ khí trong ông từ thuở ấu thơ.
Lúc học tiểu học, Soichiro được bạn bè gọi với biệt danh “Con chồn mũi đen”. Do công việc của gia đình nên nhà lúc nào cũng bị ám đầy khói. Ông cũng suốt ngày quanh quẩn giúp cha nên bụi than bám đầy mũi. Tiếp nữa, do có cùng tính cách hiếu động như con chồn, nên biệt danh"con chồn mũi đen" gắn với ông như một cách để nói về cuộc sống và tính cách.
Ba năm trước khi Soichiro tốt nghiệp tiểu học, cha ông quyết định mở thêm một cửa hàng sửa chữa xe đạp. Để mở rộng công việc kinh doanh, ông Gihei bắt đầu bằng việc dạy dân làng cách đi xe đạp. Cũng bắt đầu từ đây, cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với các máy móc và kỹ thuật chính thức mở ra với Soichiro. Nếu như từ năm 8 tuổi Soichiro đã tự thiết kế và lắp cho mình một chiếc xe đạp, thì lúc này, sau những lần được quan sát ôtô, cậu bé Soichiro đã tìm cách cải thiện và sửa sang chiếc xe đạp của mình.
Học xong trung học, Soichiro nghỉ học, mong muốn làm việc trong một xưởng cơ khí thực sự. Một ngày năm 1922, Honda tình cờ đọc được mục quảng cáo cần tuyển thợ của “Thương hội Ato”- một xưởng sửa chữa xe ôtô ở Tokyo. Đó là cơ duyên để Honda đến với ngành sửa chữa, cũng như chế tạo xe máy, ôtô sau này.
Sau khi gửi thư xin làm thợ học việc ở đây, chẳng bao lâu Honda nhận được thư mời lên Tokyo thử việc và chính thức trở thành người giúp việc ở xưởng sữa chữa ôtô này. Niềm vui khó tả lúc đầu như bị dội một gáo nước lạnh ngay sau đó. Hết ngày này qua ngày khác, ông chỉ được làm cái việc bồng bế, trông nom đứa nhỏ con ông chủ mà không hề được chạm vào bất kỳ chiếc cờ-lê, mỏ-lết nào.
Thất vọng, cậu thiếu niên Soichiro định bỏ việc trốn đi nhưng nghĩ đến nét mặt giận dữ của cha và gương mặt mẹ khóc tủi phận ở quê nhà, cậu chùn bước. Sự bám trụ của cậu cuối cùng cũng đạt được kết quả bước đầu. Vào một ngày mùa đông, ông chủ đã gọi cậu ra phụ giúp việc sửa xe. Khó mà diễn tả niềm vui của cậu thiếu niên lúc này, bất chấp cái lạnh của tuyết, của mưa, cậu lăn xả vào gầm xe để sửa.
Nhưng tất cả chỉ thật sự bắt đầu cho đến ngày 1/9/1923 khi một trận động đất khủng khiếp đã xảy ra ở Tokyo và những vùng lân cận. Tất cả nhà cửa, cơ sở vật chất của người dân hầu như bị tàn phá. Toàn bộ Tokyo bị cháy lụi với gần 100 ngàn người thiệt mạng. Lúc động đất, Soichiro chạy vào trong nhà và giật cái máy điện thoại đang treo trên tường ra vì ông biết đó là một thứ rất đắt tiền. Nhưng bỗng nhiên ông chủ ra lệnh cho Soichiro phải đưa những chiếc ôtô ra nơi an toàn.
Lúc này, do động đất nên nhiều xe ô tô bị phá hỏng. Ông chủ của cửa hiệu - Sakakibara đã mua lại những chiếc xe này để sửa chữa phục hồi và bán cho khách.
Mùa thu năm Soichiro 17 tuổi, ông Sakakibara cử một mình Soichiro đến Morioka, phía bắc Nhật Bản để sửa một chiếc xe chữa cháy. Mất hơn một ngày đường Soichiro mới đến được Morioka. Sau khi đến ga xe lửa, Soichiro đi bộ đến làng nơi có chiếc xe chữa cháy. Để hành lý trong nhà trọ, Soichiro bắt tay vào làm việc và đã làm thay đổi hoàn toàn cách nhìn của mọi người về một cậu thợ trẻ.
Năm 1928, sau 6 năm học việc và chứng tỏ khả năng với ông chủ, cuối cùng Soichiro đã được phép tự mở chi nhánh Art Shokai ở làng mình tại Hamamatsu với tấm bảng hiệu khá lạ lẫm “Art Automobile Service Station”. Lúc đó Soichiro vừa tròn 21 tuổi.
Năm 1929 là năm bắt đầu diễn ra tình trạng suy thoái chung trên toàn cầu, nhưng cửa hàng của Soichiro không bị ảnh hưởng mà còn không ngừng phát triển. Từ kinh nghiệm của trận động đất Kanto, Soichiro đã có những phát minh cải tiến với nan hoa bằng sắt thay thế cho nan hoa bằng gỗ để có khả năng chịu nhiệt cao.
Tháng 10/1946, Soichiro thành lập một cơ sở nghiên cứu, chế tạo xe máy tên “Honda Technical Research Institute”. Đó chính là doanh nghiệp cá nhân của Soichiro. Ông vừa là chủ, vừa là người nghiên cứu, vừa là thợ và cũng là người bán xe. Năm 1948, Công ty Honda Motor Co. Ltd được thành lập và trở thành một tập đoàn số một thế giới về sản xuất xe máy. Cũng từ đây, chiếc xe Dream huyền thoại được ra đời và hoàn thiện trở thành chiếc xe “đáng giá” trong suốt những thập kỷ sau.
Khi những chiếc mô tô mang thương hiệu Honda có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, Soichiro quyết định lấn sân sang ôtô để hoàn thành giấc mơ thuở nhỏ. Bằng niềm đam mê tốc độ, ông dựng trường đua Suzuka. Nó được hoàn thành vào năm 1962 với chi phí 2,5 tỷ yên. Đây được xem là trường đua đầu tiên trong lịch sử thể thao ôtô Nhật Bản.
Tháng 1/1964, Honda xuất xưởng chiếc xe S600 và tuyên bố tham dự vào cuộc đua xe ôtô công thức 1. Ông nói: “Nếu chúng ta dẫn đầu thế giới, chúng ta chắc chắn sẽ dẫn đầu ở Nhật”. Một năm sau, tại giải đua Grand Prix 1965 tổ chức tai Brazil, cuộc đua cuối cùng của mùa giải, chiếc xe đua công thức 1 Honda RA271 do tay đua người Mỹ điều khiển đã giành chiến thắng. Đó là một sự kiện lịch sử đối với quốc đảo nhỏ vùng Đông Á. Chiến thắng thần kỳ này đến sau giải Grand Prix đầu tiên 11 năm. Năm 1967, tại giải Grand Prix tại Italy, chiếc công thức 1 RA300 lại một lần nữa giành chiến thắng. Sau đó, không ngủ yên trên hương vị chiến thắng, ông bắt đầu tập trung vào sản xuất ôtô và tiếp tục tạo nên những kỳ tích mới.
Quan điểm xuyên suốt trong cách vận hành tập đoàn Honda của ông là: "Thành công trong 1% trên cơ sở 99 % thất bại, không được sợ thất bại. Song, đối với những sản phẩm sau khi đã hoàn thành việc nghiên cứu khai thác đưa ra tiêu thụ thì không cho phép để thất bại". Honda Shoichiro cho rằng, sản phẩm mà công ty sản xuất ra một năm bất kể là một hay là 100 chiếc, nếu phát hiện ra một sản phẩm không hợp cách, cho dù đã xếp lên tàu cũng phải dỡ xuống toàn bộ để kiểm tra lại. Bên cạnh đó, ông còn tin tưởng vào sức mạnh và khả năng của người trẻ. Honda Shoichiro đã làm thế khi chuyển giao lại cho những người trẻ để bước tiếp con đường mới trong hành trình chinh phục những bước tiến của xã hội. Ngày 5/8/1991, Soichiro Honda qua đời vì bệnh thận, thọ 84 tuổi.
Báo điện tử VnExpress phối hợp với Kiwi - Thương hiệu xi đánh bóng và bảo vệ giày nổi tiếng với lịch sử phát triển hơn 100 năm của tập đoàn SC Johnson & Son - thực hiện chuyên mục "Chia sẻ bí quyết thành công". Tại chuyên mục, độc giả có thể đọc các bài chia sẻ niềm đam mê, kinh nghiệm vượt qua khó khăn, thử thách để đạt đến thành công của các cá nhân có thành tích nổi bật trong quá trình kinh doanh và làm việc. Bên cạnh chia sẻ về chuyên môn, họ còn chia sẻ về nhiều bí kíp và yếu tố góp phần tạo nên phong cách của người thành đạt. Độc giả có thể tham gia trả lời câu hỏi bên dưới mỗi bài viết để có cơ hội nhận được phần quà là một bộ sản phẩm chăm sóc giày chất lượng cao của Kiwi. Với mỗi câu hỏi, ban biên tập sẽ chọn ra một độc giả có câu trả lời đúng và gửi đến tòa soạn sớm nhất để trao phần thưởng (Độc giả ghi rõ họ tên, địa chỉ mail, CMND và điện thoại). Mọi thắc mắc về chương trình, gửi về địa chỉ email: phuongntk5@fpt.com.vn hoặc liên hệ với Phượng - 0918 728 290. |
Câu hỏi dành cho độc giả: Năm 1984 đánh dấu bước ngoặt gì đối với thương hiệu Kiwi? a/ Kiwi được bán lại cho Tổng công ty Sara Lee b/ Kiwi được bán cho Tập đoàn SC Johnson & Son c/ Kiwi có mặt ở 50 quốc gia trên thế giới Gửi câu trả lời của bạn kèm: - Họ tên - CMND - Số điện thoại - Địa chỉ (gửi bưu phẩm) Về email: duthi@vnexpress.net trước 24:00 ngày [29/01/13] Email ghi rõ: Tham gia trả lời câu hỏi cho chuyên mục Chia sẻ bí quyết thành công và đáp án của bạn. Một bộ sản phẩm Kiwi sẽ được gửi cho độc giả trả lời đúng câu hỏi và may mắn nhất. |
Phương Thảo