Đây là kết quả của cuộc hành trình tiên phong khai phá con đường chuyển đổi số và kiên trì theo đuổi mục tiêu đi cùng với các ông lớn của FPT.
Năm 2007, Ngô Duy Khang, 24 tuổi, vừa chân ướt chân ráo gia nhập FPT đã được giao trọng trách khai phá thị trường Pháp. Khang và đồng đội nhen nhóm khát vọng một ngày nào đó doanh nghiệp Việt như FPT sẽ trở thành đối tác của các tập đoàn hàng đầu như Airbus, Total, Sanofi...
Cơ hội đến với FPT vào năm 2013 khi đại diện tập đoàn sản xuất máy bay hàng đầu thế giới Airbus ghé thăm tập đoàn này và ngỏ lời hợp tác. Ngô Duy Khang được giao nhiệm vụ điền vào một bản hợp đồng khung mà Airbus gửi sang như một phép ngoại giao lịch thiệp với các đối tác đã nhiều lần bày tỏ thiện chí mong muốn hợp tác.
Bản hợp đồng được Khang gửi đi nhưng không nhận lại hồi âm. Dù vậy, anh và đồng đội vẫn tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ đi cùng ông lớn Airbus và quyết tâm theo đuổi đến cùng.
Tháng 6/2016, trên cương vị Giám đốc FPT tại Pháp, Ngô Duy Khang lần đầu soạn thảo một công hàm cho Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và nhờ giới thiệu doanh nghiệp gặp gỡ và làm việc với Airbus. Vấn đề lớn nhất của Khang là tìm chủ đề cho phù hợp để được Airbus chấp nhận gặp gỡ và làm việc.
Sau nhiều ngày tìm hiểu, cuối cùng anh quyết định chọn "chuyển đổi số" làm chủ đề bởi đây là khái niệm vừa xuất hiện và đang được một số ông lớn quan tâm. Đây cũng là lợi thế vì từ nhiều năm trước, FPT đã nhận thấy xu hướng của cuộc cách mạng số và xác định "chuyển đổi số" là cơ hội quan trọng tạo bước phát triển đột phá về cả vị thế, năng lực và quy mô tăng trưởng.
Bên cạnh việc tiên phong đầu tư vào các công nghệ mới như Dữ liệu lớn, Điện toán đám mây, Công nghệ di động..., FPT còn đẩy mạnh việc tìm kiếm cơ hội hợp tác và song hành với các "cá voi" là những ông lớn trong các lĩnh vực quan trọng như hàng không, bảo hiểm, tài chính, logistic... để tạo "bàn đạp" tiến sâu vào các thị trường này. Airbus chính là "cá voi" trong ngành hàng không mà doanh nghiệp tìm kiếm.
Những bản trình bày giới thiệu năng lực được chuẩn bị kỹ lưỡng để làm "vũ khí" cho Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Trương Gia Bình giới thiệu với đối tác. Tuy nhiên, khi bước vào phòng họp, ông Bình quyết định thay đổi chiến lược: chủ động tiếp cận thay vì bị động.
Thay vì trình bày về năng lực của công ty, ông chủ động hỏi đại diện của Airbus: "Trong cuộc chuyển đổi số này, Airbus định làm gì?". Câu hỏi đã đẩy Airbus sang vị thế người trả lời. "Chúng tôi cũng vừa thành lập một đội dự án về chuyển đổi số", đại diện Airbus đáp lời ông Bình.
Buổi gặp mặt này cũng tạo tiền đề giúp FPT có cơ hội trao đổi trực tiếp với Airbus tại Việt Nam nhân chuyến thăm của Tổng thống Pháp Francois Holland vào tháng 6/2016. Ông Fabrice Bregier - Giám đốc Airbus Aircraft khi đó cũng đã cử người sang đánh giá năng lực của doanh nghiệp Việt. Sau đó, 4 kỹ sư trẻ tài năng của FPT được cử sang làm việc tại Airbus và qua được tất cả các bài kiểm tra.
Việc hợp tác với hãng hàng không hàng đầu thế giới của FPT bắt đầu từ đây và mở ra chương mới trong hành trình chinh phục đầy thử thách.
Năm 2017 là năm thử thách đầu tiên của FPT với Airbus. Cụ thể, hãng này đã giao cho FPT 6 dự án để đánh giá năng lực. Chỉ trong thời gian ngắn, 4 trong 6 dự án đã hoàn thành. 2 dự án còn lại đòi hỏi cao về công nghệ AR/VR và AI, trong khi đó, đội ngũ nhân sự lại chưa được tiếp cận nhiều về những công nghệ này cho ngành hàng không nên gặp nhiều khó khăn.
Lúc này, Giám đốc Ngô Duy Khang cũng nhận được thông điệp từ Airbus, rằng nếu không hoàn thành và bàn giao được sản phẩm đúng hẹn, giấc mơ Airbus của FPT sẽ chấm dứt. Ngay lập tức, FPT huy động đội ngũ chuyên gia vào xử lý và kết quả đã kịp bàn giao đúng hạn và đạt yêu cầu.
Ngay sau đó, Airbus tiếp tục yêu cầu nâng cấp thêm chức năng của ứng dụng và buộc phải thành công. Xác định đây là cơ hội cuối cùng, Ngô Duy Khang và ban lãnh đạo quyết dồn lực lượng "đánh trận cuối". Lập tức, Nguyễn Đăng Khoa khi đó đang là giám đốc một trung tâm phát triển phần mềm được chọn làm "thủ lĩnh" giải cứu dự án của Airbus còn dang dở...
"Khoa, tôi thấy cậu có quyết tâm nhưng xin lỗi, tôi vẫn không tự tin là cậu và đội của mình có thể làm được", một đại diện Airbus thẳng thắn chia sẻ với Nguyễn Đăng Khoa tại cuộc họp chuyển giao dự án.
Nguyễn Đăng Khoa thừa nhận, đây là một dự án khó, cần sử dụng các thuật toán trong không gian ba chiều, xử lý định vị thiết bị khi bay với độ cao trên 600mi mỗi giờ và phải tích hợp với các hệ thống khác của máy bay như Camera, ADSB, Local Network...
Trong khi đó, cả đội lại chưa từng làm những công nghệ mới mẻ này. Nếu dừng lại đồng nghĩa với việc chấp nhận thất bại và đóng lại hoàn toàn giấc mơ "bay" cùng ngành hàng không. "Tôi biết bạn chưa tin tưởng. Nhưng hãy cho tôi một tháng, tôi sẽ chứng minh cho bạn thấy chúng tôi có thể làm được gì", anh kể lại chuyện thuyết phục Airbus.
Các chuyên gia giỏi nhất về lập trình ứng dụng, xử lý thuật toán được huy động để triển khai dự án. Để giải bài toán định vị địa điểm trong không gian bay ba chiều với tốc độ bay cao, cả đội buộc phải thử nghiệm trong môi trường thực tế trên các chuyến bay. Tuy nhiên, ngân sách và thời gian không cho phép nên cả đội quyết định dùng ôtô làm môi trường thử nghiệm.
"Sau một tháng, đội dự án đã chứng minh được với khách hàng về khả năng có thể phát triển tiếp các chức năng để hoàn thiện và bàn giao sản phẩm, qua đó khách hàng đồng ý để chúng tôi có thể làm tiếp giai đoạn 2", anh Khoa nhớ lại.
Tháng 4/2017, trên tầng cao nhất của toà nhà ở đại lộ Champs Elysee có hướng nhìn đẹp ra tháp Eiffel, Ngô Duy Khang cùng Chủ tịch Trương Gia Bình và vài lãnh đạo khác cùng ăn tối với Marc Fontaine - Giám đốc chuyển đổi số của Airbus. Hai bên cùng nhau trao đổi về tương lai xa hơn trong cuộc cách mạng số.
Tại đây, lần đầu tiên, ông Marc Fontaine chia sẻ về một dự án chuyển đổi số mới của Airbus đang được xây dựng - nền tảng công nghệ dữ liệu mở lớn nhất của ngành hàng không, hay còn gọi là "hồ dữ liệu" của ngành hàng không - Skywise.
Với khả năng tích hợp dữ liệu hàng không từ nhiều nguồn khác nhau, Skywise được đánh giá là "trái tim" của ngành hàng không. Nền tảng dữ liệu lớn này giúp các hãng hàng không nắm bắt được các vấn đề đang tồn tại của các hãng hàng không, qua đó phát triển ứng dụng riêng cho từng hãng, giúp họ giải quyết nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết kiệm chi phí cũng như mở ra những mô hình kinh doanh mới.
Với nhu cầu chuyển đổi số ngày càng gia tăng, việc các hãng hàng không kết nối với Skywise là điều sớm muộn sẽ xảy ra. Đây chính là nơi để các doanh nghiệp công nghệ Việt thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ.
Không bỏ qua cơ hội này, Khang cùng cộng sự ráo riết chuẩn bị cho các đợt kiểm định của Airbus. Ba tháng sau, hai bên chính thức ký hợp đồng ký hợp đồng phát triển, triển khai, xây dựng các ứng dụng trên nền tảng Skywise của hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới. Ở giai đoạn này, FPT là đối tác triển khai dự án của Airbus, việc kết nối với các hãng hàng không sẽ đứng dưới danh nghĩa là của Airbus.
Đầu năm 2019, Huỳnh Quang Liêm và 4 chàng trai của FPT lên đường đến Pakistan để thực hiện dự án mới của Airbus với đối tác tại đây. Đây là một quyết định không dễ dàng với Liêm và đồng đội bởi nguy hiểm có thể đến bất cứ lúc nào.
Khi đang làm nhiệm vụ, tin tức về chiến tranh biên giới tại Pakistan nổ ra khiến Chính phủ nước này ra quyết định đóng cửa không phận, không cho bất cứ chuyến bay nào được bay trong vùng trời của họ. Kịch bản sơ tán cho Liêm và đồng đội đã được đưa ra nếu tình hình không cải thiện.
Tuy nhiên, Liêm nghĩ, nếu rút lui trong thời điểm này, đồng nghĩa với việc dự án sẽ thất bại. Sau nhiều tính toán và suy nghĩ, anh và đồng đội quyết định ở lại hoàn thành nốt dự án.
Chính tinh thần tiên phong, sẵn sàng làm mọi việc vì khách hàng đó đã đưa vị thế của FPT ngày càng được nâng cao trong mắt Airbus. Tháng 6/2019, tại triển lãm hàng không lớn nhất thế giới tại Paris (Pháp), FPT đã trở thành một trong 5 đối tác đầu tiên trên thế giới cùng Airbus khởi động chương trình đối tác nền tảng Skywise, mở đường cho quá trình tăng tốc chuyển đổi số của ngành hàng không toàn cầu. Đó là sự nỗ lực của cả một tập thể, trong đó có một phần quan trọng của những người trẻ tiên phong như Khang, Khoa, Liêm...
Từ đối tác triển khai FPT trở thành đối tác phát triển công nghệ, mở ra cơ hội tham gia vào thị trường chuyển đổi số cho ngành hàng không. FPT cho rằng đây cũng là cơ hội để các bạn trẻ Việt Nam sánh vai với trí tuệ thế giới.
"Bạn muốn làm code dạo hay cùng chúng tôi thay đổi ngành hàng không" là câu cửa miệng mà Khang hay nói với các ứng viên. Tuy nhiên, ẩn sau đó là khát vọng của Khang và FPT muốn cùng với các bạn trẻ Việt Nam tiên phong khám phá những chân trời công nghệ mới. Chỉ cần bạn không ngại thử thách cái mới, nỗ lực theo đuổi đến cùng thì thành công sớm muộn sẽ đến, giống như cách mà FPT đã làm để chạm được đến "trái tim" của ngành hàng không.