Thứ hai, 24/6/2019, 20:00 (GMT+7)

Tại triển lãm "Vật cũ mòn... chuyện chưa kể" vừa diễn ra ở TP HCM, các vận động viên như Lê Công Vinh, Lý Hoàng Nam, Châu Tuyết Vân, Stefan Nguyễn chia sẻ thuở mới vào nghề, quá trình tập luyện không ngừng nghỉ để đạt được những vị trí cao cho nền thể thao nước nhà.

Thể thao là môi trường tốt để các tuyển thủ hoàn thiện bản thân cả thể chất lẫn tinh thần. Sự quyết tâm, kiên trì, bền bỉ theo đuổi đam mê là những bài học đắt giá các tuyển thủ Việt đúc rút ra qua thể thao. Câu chuyện của các nhà vô địch truyền cảm hứng cho những vận động viên trẻ, các em thiếu nhi trên con đường chinh phục đam mê.

Ai yêu bóng đá Việt, đều không thể quên chàng cầu thủ Lê Công Vinh. Thuở còn thi đấu trên sân cỏ, anh đã ghi hơn 100 bàn thắng tại V-League, 3 lần nhận giải Quả bóng vàng. Là chân sút xuất sắc của bóng đá Việt Nam nhưng Công Vinh tự nhận mình không có yếu tố thiên bẩm. Đằng sau thành công của anh là quá trình gian nan khổ luyện, quyết tâm để theo đuổi con đường bóng đá chuyên nghiệp. Những giá trị tốt đẹp được anh nuôi dưỡng qua tình yêu với thể thao, tạo nền tảng vững chắc để thành công.

Công Vinh chính thức tập luyện bóng đá khi 14 tuổi. Lần thi tuyển vào lò đào tạo đội bóng trẻ Sông Lam Nghệ An, anh bị đánh giá không có nhiều triển vọng, kỹ thuật và tâm lý đều chưa vững. Nhưng điều đó không làm anh nản chí mà từ bỏ môn thể thao yêu thích. Anh vẫn chơi bóng để thỏa mãn niềm đam mê, tự rèn giũa cho mình những kỹ năng còn yếu. Bóng đá cùng anh lớn lên, học hỏi và trưởng thành.

Năm 18 tuổi, được gọi vào đội chính của Sông Lam Nghệ An, anh vui mừng khôn xiết. Nhưng niềm vui ấy chưa được bao lâu, anh nhận thấy bản thân kém cỏi nhất trong đội. May mắn được vào lò đào tạo nhưng để trụ lại thật sự là thách thức với anh. Anh như trang giấy trắng, chưa có bất kỳ ý niệm gì về chiến thuật hay vị trí trên sân.

Bản thân không có khả năng thiên bẩm với bóng đá, hạn chế về hình thể, kỹ thuật, anh cố gắng tập luyện nhiều hơn các đồng đội. Anh là một trong những thành viên chăm chỉ nhất. Tập ngày không đủ, anh còn tập thêm ban đêm. Anh cật lực sút, chuyền rồi làm hàng rào tập sút phạt... Khi thiết lập cho mình mục tiêu để phấn đấu, anh lên giáo án riêng mỗi ngày. 

Một trong những bài tập yêu thích và giúp anh tiến bộ nhanh chóng ở khả năng xử lý bóng bằng đầu là bóng lưới. Giăng lưới cao như bóng chuyền, rồi dùng đầu và vai đưa quả bóng sang bên kia, ai để bóng chạm đất là thua. Anh chơi trò này không biết bao nhiêu lần. Anh nhớ thoạt đầu tiên anh chơi thua nhiều hơn thắng. Theo luật, hễ ai thua thì phải chui qua háng đối thủ.

Ban đầu chui, ai cũng cảm thấy rất xấu hổ, vừa phải khom lưng cúi đầu vừa phải nghe tiếng cười nhạo. Nhưng thua riết thành quen. Cứ thấy ai rủ chơi là anh tham gia, có phải chui háng cũng chịu. Chui được một thời gian thì anh tiến bộ rõ, dần dần anh thắng nhiều hơn. Môn thể thao tập mà chơi, chơi mà tập này khá hiệu quả. Anh nhận ra để chơi thể thao tốt, anh phải thấm nhuần tinh thần kiên trì, bền bỉ, vượt khó khăn.

Trên sân có nhiều đối thủ, anh phải tìm cách vượt qua các chướng ngại để ghi bàn. Người chơi bóng cũng cần quyết đoán trong mọi tình huống. Trong mỗi trận đấu, anh xem nó như thử thách, không sợ giao đấu với đối thủ mạnh hơn. Mỗi thử thách lại tôi luyện cho anh kỹ năng sắc bén, tư duy chiến thuật, sức bền tốt hơn. Tập hết sức, chiến đấu hết mình, giày có hao mòn, áo đẫm mồ hôi... anh tự nhủ trong lòng thành công cũng sắp tới gần.

Năm 19 tuổi, anh nhận được danh hiệu Quả bóng vàng đầu tiên. Nỗ lực của anh được đền đáp xứng đáng. Quả bóng vàng danh giá được anh đặt ngay cạnh đôi giày đầu tiên cùng anh chinh chiến trên các sân cỏ, ghi những bàn thắng đầu tiên.

Những vết xước in hằn lên đôi giày cũ mòn ghi dấu những lần anh trượt ngã, té đau, chảy máu... Quá trình dày công khổ luyện nhằm đạt được thành quả phải đổi lấy bằng mồ hôi, nước mắt. Phải thật sự quyết tâm, đặt cho bản thân mục tiêu phấn đấu mới có thể từng bước gặt hái thành công. Đôi giày cũ mòn là minh chứng cho cố gắng, bền bỉ, người bạn đồng hành không mệt mỏi cùng anh chạm tay đến quả bóng vàng.

Những kỹ năng, giá trị trong cuộc sống được anh chiêm nghiệm qua tình yêu với thể thao. Bóng đá không chỉ giúp anh rèn luyện thể lực mà còn tiếp sức mạnh tinh thần. Bởi nhiều giờ trên sân, bản tính kiên trì, bền bỉ, học hỏi sự đoàn kết, cùng hướng tới mục tiêu dần được hình thành. Những kỹ năng không chỉ áp dụng trên sân cỏ mà trước mỗi thử thách trong cuộc sống, anh vượt qua dễ dàng hơn. Đương đầu với khó khăn, chấp nhận thất bại, kiên trì theo đuổi đam mê là bài học quý giá anh rút ra từ thể thao để dạy cho con. Anh luôn ủng hộ con tìm hiểu, tập luyện và hình thành niềm đam mê với thể thao.

Nếu Công Vinh là cầu thủ xuất sắc trong bóng đá Việt thì ở môn thể thao quần vợt, không thể không nhắc đến Lý Hoàng Nam - tay vợt số 1 Việt Nam. Anh nhớ lại, ngay từ lúc làm quen với bộ môn này, bản thân tập luyện đến mức say mê. Nhưng bao nhiêu đó vẫn chưa đủ để tạo nên tên tuổi của chàng tuyển thủ trong làng quần vợt.

Lúc mới bắt đầu chơi quần vợt, anh chơi thua người nhặt banh. Điều này thôi thúc anh tập luyện không ngừng nghỉ. Tập ở sân bóng còn chưa đủ, anh còn biến ngôi nhà thành sàn tập, năn nỉ chị gái cùng giao đấu. Nhiều lần đánh bóng hăng say làm đồ đạc trong nhà bay tung tóe. Đi chơi, đi ngủ, tay chân của anh lúc nào cũng làm động tác như đang đánh quần vợt.

Anh coi quần vợt như môn giải trí sau những giờ học tập căng thẳng, dần dần bộ môn này giúp anh học được cách tập trung. Anh có thể vừa hoàn thành tốt việc học ở trường vừa có thể theo đuổi đam mê. Nhờ đó, anh thuyết phục được gia đình ủng hộ cho anh theo con đường thi đấu chuyên nghiệp. Ba mẹ cho anh từ Tây Ninh để xuống Bình Dương tập luyện. Anh được thầy Trần Đức Quỳnh - cựu tay vợt nam nổi tiếng của Việt Nam nhận chỉ dạy.

Tình yêu thể thao của anh được thầy tiếp lửa. Thầy từng bước kèm cập để kỹ năng cơ bản của học trò trở thành kỹ thuật. Những bài học vỡ lòng anh vẫn nhớ rõ. Quần vợt là môn cá nhân, chỉ bạn và đối thủ. Tâm lý vững vàng là yếu tố quan trọng để chớp thời cơ, quyết liệt và thông minh mỗi khi ra đòn. Bộ môn này đòi hỏi tư duy chiến thuật và cần phải rèn luyện sự tập trung cao độ, kiên nhẫn, bền bỉ mới có thể giành cơ hội chiến thắng. Người chơi phải học cách giữ bình tĩnh, tập trung vào mục tiêu, hiểu tình thế để đưa ra quyết định sáng suốt.

Dù được thầy giáo giỏi hướng dẫn nhưng nỗ lực của bản thân quan trọng hơn cả. Trong tennis cũng như cuộc đời, với anh, không có lối tắt để đến thành công. Anh hiểu được tầm quan trọng khi cố gắng luyện tập, lắng nghe những góp ý từ thầy và điều chỉnh trên đường đi. Dẫu trời nắng đổ lửa, thầy giáo vẫn thấy chàng học trò mải mê chơi bóng. Anh chăm chỉ đến mức đi ngủ cũng ôm cây vợt lên giường. Cây vợt gắn bó với anh như hình với bóng, cùng anh ăn ngủ, tập luyện, chạm trán những đối thủ đầu tiên. Hàng nghìn cú đánh nảy lửa, ra đòn nhanh nhạy khiến cây vợt bung lưới.

Cây vợt cũ mòn cũng là lúc anh gặt hái được thành quả đầu tiên - trở thành tay vợt số 1 Việt Nam. Đạt được thành tựu lúc còn trẻ, chỉ mới 15 tuổi, nhưng điều đó không làm anh ngủ quên trong chiến thắng. Anh tự nhắc nhở bản thân phải chinh phục những vị trí cao hơn, bước vào sân chơi chuyên nghiệp của quần vợt thế giới. Đánh bóng tay phải thuần thục, có thể hạ gục nhiều đối thủ với anh vẫn chưa đủ. Anh hạ quyết tâm đánh bóng tốt tay trái nên tiếp tục dành hàng giờ mỗi ngày để khổ luyện.

Một năm sau đó, Lý Hoàng Nam trở thành tuyển thủ đầu tiên giành huy chương vàng giải đấu cấp độ châu Á tại Á vận hội trẻ 2013. Đây là thành tích quốc tế cao nhất trong môn quần vợt nước nhà sau 40 năm. Năm 20 tuổi, anh chạm tay đến đỉnh cao mới trong sự nghiệp, vươn lên đứng số một Đông Nam Á.

Khi mới làm quen với quần vợt, thầy giáo đã nhận xét thể hình và thể lực của anh chưa phải lý tưởng để chơi quần vợt đỉnh cao, kỹ thuật còn nhiều thứ phải hoàn thiện. Sự kiên trì, bền bỉ luyện tập là chìa khóa thành công, giúp anh tiến bộ hơn mỗi ngày. "Chơi quần vợt, tôi học được cách giữ tâm trí bình tĩnh trước khó khăn trong cuộc sống. Nếu không biết cách quản lý cảm xúc, bền bỉ khắc phục điểm yếu, bộ môn này đã không dành cho tôi", Lý Hoàng Nam chia sẻ.

Nhà vô địch Taekwondo thế giới - Châu Tuyết Vân nhớ lại, do thể trạng yếu từ nhỏ nên gia đình cho chị đi học võ từ năm 7 tuổi để cải thiện sức khỏe. Tình cờ bén duyên với bộ môn này, qua những buổi tập, chị dần cảm thấy yêu thích. Càng gắn bó với Taekwondo, chị phát hiện ra nhiều mặt tích cực mà võ thuật mang lại như sự điềm tĩnh, kiên định. Chính những đức tính chị học được từ bộ môn này giúp chị kiên định theo đuổi đam mê dù thể lực có hạn, dù định kiến đôi lúc khiến chị muốn bỏ cuộc.

Chị nhớ lại, năm 17 tuổi, khoảng thời gian nhiều áp lực, chị cố gắng để cùng lúc có thể làm tròn nhiệm vụ ở trường, hoàn thành các bài tập trong đội tuyển quốc gia. Chị xác định thi tốt nghiệp cấp 3, vào đại học là quan trọng nhất nên cân nhắc bỏ tập Taekwondo. Dù vậy, chị day dứt lắm. Niềm đam mê vẫn luôn trong chị, thôi thúc chị tiếp tục theo đuổi bộ môn này.

Mỗi lần nhìn thấy chiếc đai thầy giáo tặng, chị như được tiếp thêm động lực, quyết tâm không bỏ cuộc. Chị tự nhủ bản thân phải cùng lúc phải học tốt ở trường, hoàn thành các bài tập trong đội tuyển quốc gia. Hiểu rõ hoàn cảnh của bản thân, chị xin thầy được tập bù vì thời gian đến trễ, thậm chí tập nhiều hơn các đồng đội khác vì chị biết bản thân hạn chế về sức khỏe.

Theo đuổi võ thuật, chị không có nhiều thời gian cho các sở thích khác của bản thân như đi xem phim, tụ tập bạn bè... Bù lại chị tìm thấy niềm vui sau mỗi buổi tập. Là con gái, khi quyết định đi theo con đường thi đấu chuyên nghiệp, chị cũng gặp phải những ý kiến trái chiều. Những câu nhận xét chị không phù hợp, con đường đó chẳng đi đến đâu, không làm chị nản lòng. Chị quyết tâm chứng tỏ với mọi người rằng chỉ cần có đam mê, bản thân sẽ vượt qua mọi rào cản. Chăm chỉ rèn luyện mỗi ngày là con đường đi đến thành công nhanh nhất.

Thể thao mang đến cho chị trải nghiệm thắng, thua. Những cú ra đòn quyết liệt của đối phương khiến chị đau đớn, chảy máu, có những hôm cơ thể ê ẩm không tài nào ngủ được. Chị tâm niệm, thắng không kiêu, bại không nản. Thất bại trong thể thao là điều không muốn nhưng vận động viên nào cũng phải trải qua. Thất bại tạo động lực để cô gái làng võ cố gắng, liên tục trau dồi, cải thiện. Bất chấp rào cản thể lực, thời gian nhưng với niềm đam mê mãnh liệt, chị luôn tin tưởng theo đuổi.

Chị nhớ lại, chiếc đai thầy tặng luôn bên chị như nhân chứng giám sát quá trình tập luyện. Lần đầu tiên bước lên đỉnh cao nhất trong sự nghiệp tại giải vô địch thế giới, chị không giấu được cảm xúc. Lúc đó, chị muốn chia sẻ niềm vui cùng gia đình, người thân, thầy giáo, bạn bè và cả chiếc đai luôn bên chị. Chiếc đai là minh chứng của tuổi trẻ, ước mơ, hoài bão chị ấp ủ. 10 năm qua, chiếc đai cũ sờn không nằm trong ngăn tủ mà luôn theo chị trong mỗi trận thi đấu.

Không giống như Công Vinh, Lý Hoàng Nam hay Châu Tuyết Vân, chàng tuyển thủ bóng rổ Stefan Nguyễn Tuấn Tú (Stefan Nguyễn) là tấm gương nỗ lực, phấn đấu chứng minh bản thân tại đất nước bạn - Thụy Điển.

Stefan Nguyễn có niềm đam mê với bóng rổ từ thuở nhỏ. Thể thao không chỉ giúp anh giải tỏa căng thẳng mà còn để chàng trai Việt khẳng định bản thân tại Thụy Điển. Thành tích đầu tiên khiến chàng tuyển thủ nhớ mãi là khi lọt top 12 trong 1.000 người thi tuyển vào đội tuyển bóng rổ U15 của đất nước này. Lúc đó, anh tự hào khi là người châu Á được vào đội tuyển quốc gia. Bóng rổ đưa anh đến gần hơn với đồng đội bởi trước đây anh luôn thấy có nhiều cách biệt về ngoại hình, nguồn gốc với con người nơi đây. Anh nhận ra bản thân trở nên cởi mở hơn, hòa mình cùng tập thể, tin yêu hơn những đồng đội của mình. Từng thành viên của đội tuyển U15 khi ấy hiểu rõ vị trí, điểm mạnh yếu của bản thân, biết cách phối hợp cùng cả đội giành nhiều chiến thắng.

Anh hạnh phúc khi được chia sẻ niềm vui, niềm đam mê bóng rổ. Bóng rổ mở ra cho chàng tuyển thủ con đường thi đấu chuyên nghiệp, trở về với quê hương theo nguyện vọng của mẹ trước khi mất. Trong ba lô hành lý trở về Việt Nam, thứ quý giá nhất lúc này với anh là trái bóng rổ đầu tiên. Anh biết nó sẽ cùng anh tiếp tục chinh phục đam mê, thi đấu trong màu cờ sắc áo nước nhà. Anh sẽ tìm thấy các đồng đội cùng chung chí hướng, cùng khát khao cháy bỏng chinh phục đỉnh cao.

Cuộc sống mới về Việt Nam có nhiều bỡ ngỡ nhưng anh nhanh chóng hòa nhập. Thể thao mang đến cho anh nguồn năng lượng tích cực, tự tin. Khi bóng rổ ăn sâu vào máu, trở thành niềm đam mê thì bản thân tập luyện không mệt mỏi. Chàng tuyển thủ chỉ thấy hào hứng khi được lăn xả cùng quả bóng. Đến nay, Stefan Nguyễn là một trong những gương mặt cầu thủ Việt kiều tài năng trong làng bóng rổ Việt.

Stefan Nguyễn cho biết: "Niềm tự hào lớn của tôi là góp mặt trong đội tuyển quốc gia Thụy Điển nhưng Việt Nam mới là nơi khiến tôi cảm thấy mình thật sự thuộc về". Không chỉ thi đấu cho màu cờ sắc áo, Stefan Nguyễn còn góp phần lan tỏa tình yêu thể thao cho các em thiếu nhi. Thể thao là môi trường tốt để hoàn thiện bản thân về thể chất lẫn tinh thần. Anh biết cách làm việc cùng đồng đội, tôn trọng đối thủ, kiên trì tập luyện... đều từ bóng rổ. Anh hy vọng các em cũng sẽ đúc kết cho mình những bài học quý báu từ thể thao.

Các tuyển thủ Việt dù khó khăn vẫn không lùi bước, kiên trì theo đuổi môn thể thao yêu thích. Đằng sau thành công của Công Vinh, Châu Tuyết Vân, Lý Hoàng Nam, Stefan Nguyễn là biết bao vật dụng cũ mòn - minh chứng cho việc chăm chỉ luyện tập thể thao mỗi ngày. Thông qua câu chuyện của các vận động viên thể thao nổi tiếng chia sẻ tại "Triển lãm vật cũ mòn... chuyện chưa kể", các em thiếu nhi có thể học được những bài học về sự bền bỉ, lòng quyết tâm, niềm đam mê và tinh thần đồng đội - những giá trị giúp các em trưởng thành và có thể dễ dàng thành công trong cuộc sống.