Hesham không đủ 1.350 USD để nộp cho những kẻ buôn người đưa anh qua vùng biển ngăn cách Thổ Nhĩ Kỳ và hòn đảo gần nhất của Hy Lạp.
Chàng sinh viên 24 tuổi đã đi từ ngoại ô thủ đô Damascus tới bờ biển phía tây của Thổ Nhĩ Kỳ. Và bây giờ, bơi qua biển là cơ hội tốt nhất mà anh có. Anh không thể bỏ cuộc lúc này.
Hesham quay lại nhìn người bạn đồng hành mới quen Feras Abukhalil. Họ mặc áo phao và đóng gói hộ chiếu cùng điện thoại vào túi chống nước rồi cùng nhảy xuống.
Ngay lập tức Hesham cảm thấy cái lạnh và sự sợ hãi trong dòng nước đen như mực của biển Aegean. "Đó là thời khắc đáng sợ nhất trong đời tôi", anh nhớ lại.
Kế hoạch điên rồ
Feras, bạn đồng hành của Hesham, đã mất hai tháng ngâm cứu bản đồ của Google để lên kế hoạch tỉ mỉ cho chuyến hành trình vượt biển.
Họ sẽ bắt đầu chặng bơi đáng nhớ của mình từ mũi đất nhô ra nhiều nhất trên bờ biển thành phố Cesma, Thổ Nhĩ Kỳ, cách đảo Chios của Hy Lạp khoảng 8 km. Theo bản đồ, có hai khoảnh đất nhỏ trong vùng biển này có thể sử dụng làm nơi nghỉ chân.
Hesham mới gặp và biết Feras một ngày trước khi cả hai thực hiện kế hoạch điên rồ này. Chàng thanh niên cảm thấy ngạc nhiên với chính bản thân mình vì đã đồng ý tham gia vào kế hoạch lạ lùng của Feras. Hai người gặp nhau tại sân bay Amman ở Jordan, giấy tờ tùy thân chỉ đủ mang họ tới Thổ Nhĩ Kỳ.
"Đầu tiên tôi nghĩ rằng kế hoạch này chỉ là một trò đùa", Hesham nói. "Nhưng khi xem xét lại, tôi cảm thấy mình có thể làm được".
Thế nhưng thực tế rất khác với những gì họ tưởng tượng.
"Ngay khi chạm vào mặt nước, Hesham đã cảm thấy sợ hãi", Feras nói về người bạn đồng hành của mình. "Tôi đã động viên và đẩy cậu ấy bơi ra xa vài mét để xem cậu ấy cảm thấy thế nào".
Cả hai bắt đầu bơi, chặng đầu tiên của cuộc hành trình trở nên dễ dàng hơn khi họ dần quen với nước biển.
"Lúc đó tôi ngước lên và nhìn thấy bầu trời đen kịt đầy sao, tôi nói với Feras rằng đây là cảnh tượng đẹp nhất tôi từng thấy trên thế giới, và chúng tôi là một trong số ít những người có cơ hội trải nghiệm", Hesham kể.
Kền kền
Khi cả hai tới điểm nghỉ chân đầu tiên theo kế hoạch, sự thú vị ban đầu biến mất. Họ đã bơi liên tục gần hai giờ trong bóng đêm để tránh bị cảnh sát biển Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện.
"Khi chúng tôi tới gần đảo đầu tiên, tôi nghe thấy tiếng những con chim bay lượn trên đầu. Tôi nghĩ chúng là bầy kền kền đang tìm xác chết để ăn", Hesham nhớ lại.
Theo kế hoạch, họ sẽ dừng lại nghỉ và ăn socola mang theo trong túi chống nước, nhưng khi tới được đây, thực chất là một mỏm đá, họ nhận ra đó không phải là một lựa chọn tốt. Loay hoay một lúc, họ quyết định tiếp tục tiến tới điểm dừng thứ hai theo bản đồ.
Di chuyển khoảng một km, họ tới đảo đá thứ hai. Nó thậm chí còn góc cạnh, cao hơn hòn thứ nhất và không thể leo lên được.
"Tôi bắt đầu cầu nguyện 'Chúa ơi, xin hãy cho con sự kiên nhẫn' ", Feras nhớ lại. "Không có thời gian để suy nghĩ và cảm nhận, chúng tôi phải tiếp tục tiến lên".
Hai người quyết định bơi chậm để giữ sức và quan trọng hơn là giảm bớt sự căng thẳng của tình hình.
Đau đớn và kiệt sức
"Tôi kéo tay cậu ấy và bắt đầu đùa cười dưới nước", Feras kể. "Khi bạn cảm thấy đau đớn, việc duy nhất bạn có thể làm là cười đùa".
Bờ biển Chios càng ngày càng gần trong khi sự mệt mỏi của hai người ngày càng tăng. Sau gần 5 giờ bơi, Hesham cảm thấy không thể tiếp tục. Feras ước lượng rằng họ đã ở vùng biển của Hy Lạp và đồng ý gọi cứu hộ.
Hesham lấy ra một chiếc đèn laze màu xanh rẻ tiền mua khi còn ở Thổ Nhĩ Kỳ và bắt đầu chiếu nó ra xunh quanh, chiếc đèn nhanh chóng bị ướt và tắt lịm. Nhưng chỉ như vậy là đủ.
Một chiếc tàu đã thấy ánh sáng chớp tắt và tiến tới chỗ họ. Chiếc tàu du lịch bắt đầu đi quanh họ cho tới khi cảnh sát biển Hy Lạp đến và đưa hai người ra khỏi mặt nước. Họ chỉ cách bờ biển có một km.
Hiện chưa thể xác minh được những gì hai người kể lại có chính xác hay không, nhưng dữ liệu bản đồ cho thấy tuyến đường giống như họ miêu tả trong câu chuyện của mình. Một cảnh sát biển Hy Lạp cũng cho biết bà có nhớ một vụ việc tương tự về hai người đàn ông bơi qua biển.
"Chúng tôi đã cứu hai người đàn ông ngoài bờ biển tự nhận rằng mình đã bơi qua đó", bà Despina Pirianian cho biết. "Chúng tôi đã không kết án họ mà không có lý do vì chúng tôi có nghĩa vụ đặt nhân quyền lên trước pháp luật".
Hai người đàn ông được Pirianian phát hiện vào giữa mùa hè rõ ràng đã tới Hy Lạp một mình, khác với hơn 300.000 người tị nạn đến nước này năm nay trên những chiếc thuyền quá tải.
Bà Pirianian cũng không lưu lại danh tính của hai người đã miêu tả, nhưng cho rằng câu chuyện đáng chú ý và vẻ mặt hốc hác của họ khác biệt so với hàng nghìn người tị nạn tuyệt vọng mà bà tiếp đón trong những tuần gần đây.
Giấc mơ châu Âu
Feras sinh ra ở thành phố cảng Lattakia, thành trì của Tổng thống Bashar al-Assad và phần đa dân tộc thiểu số Alawite, gốc gác của anh. Người đàn ông 37 tuổi bơi lội ở biển Địa Trung Hải từ thuở ấu thơ mà không biết rằng một ngày nào đó sẽ phải vượt qua nó để cứu lấy chính mình.
Khi cuộc nổi dậy ở Syria bùng phát vào năm 2011, Feras bắt đầu lo sợ cho mạng sống của mình và tương lai của hai đứa con trai. Cảnh sát chìm bắt người hàng ngày, một vài người trong số đó liên quan đến hoạt động chống phá chính quyền, số còn lại vì trốn nhập ngũ.
"Những ai bị bắt vào tù coi như đã chết", Feras nói. "Họ biến mất mãi mãi và gia đình của họ chẳng còn gì".
Cựu kỹ sư máy tính chạy trốn cùng gia đình tới Jordan để rồi nhận ra rằng họ được an toàn nhưng cuộc sống lại thiếu thốn. Anh không tìm được công việc ổn định và phải chật vật lắm mới có thể cho con đi học.
"Trong cái khó ló cái khôn. Tôi bắt đầu sử dụng kỹ năng công nghệ của mình để tính toán điểm gần nhất từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp, dòng hải lưu nào thuận lợi nhất và tuyến đường nào tốt nhất", Feras giải thích.
Feras có chỉ có 2.000 USD để tới tận Burssels, Bỉ, nơi mẹ và anh trai đang sống và có thể hỗ trợ anh. Kế hoạch của anh là bay tới Thổ Nhĩ Kỳ, bơi tới Hy Lạp và sau đó tới châu Âu bằng xe buýt, tàu hỏa và đi bộ.
Feras cho biết hai đứa con trai 7 và 5 tuổi đều còn quá nhỏ để hiểu được sự mạo hiểm trong chuyến đi 20 ngày mà cha chúng sắp thực hiện. Thay vào đó chúng chỉ hét lên vui mừng "Bố là vận động viên bơi lội! Bố là vận động viên bơi lội!".
Thời điểm Feras tới được bờ biển Hy Lạp, anh cảm thấy 90% hành trình đã hoàn thành và chẳng còn gì nhiều ngoài một ít quãng đường đi bộ nữa để tới được đích.
Hành trình trên bộ
Feras từ chối kể lại chi tiết về hành trình nguy hiểm đi bộ qua đông Âu. Nhưng theo lời Hesham, Feras đã sử dụng thiết bị GPS để dẫn một nhóm 200 người gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em xuyên qua những cánh rừng Macedonia.
Hai người sau đó tách ra. Hesham hiện ở Lubeck, học tiếng Đức và chờ đợi giấy phép tị nạn của chính phủ. Feras sống tại một trại tị nạn không chính thức ở Brussels trong khi chờ đợi được cấp quyền cư trú. Anh rất nhớ gia đình nhưng biết rằng phải một thời gian nữa mới có thể gặp lại họ.
Cả hai đều nhìn nhận hành động nhảy xuống vùng biển lạnh lẽo vào tháng 6 là việc phải làm. Họ cũng cho biết sẽ không bao giờ khuyến khích người tị nạn nào làm tương tự nhưng vào thời điểm đó, nó là lựa chọn duy nhất của họ.
Hesham muốn hoàn thành việc học của mình và làm việc cho một tổ chức cứu trợ quốc tế hoặc Liên Hợp Quốc.
"Tôi thấy sự áp bức ở Syria, nhưng tôi cũng thấy sự áp bức người Syria ở những nơi ngoài Syria", anh nói. "Tôi không muốn bất kỳ ai phải gánh chịu những gì mình đã trải qua. Tôi muốn đứng lên đấu tranh cho nhân quyền".
Tuấn Vũ (theo CNN)