Chủ nhật, 6/10/2024
Chủ nhật, 2/7/2023, 14:37 (GMT+7)

Hành trình ba nghìn tỷ USD của Apple

Từ văn phòng đầu tiên trong garage nhà Steve Jobs, Apple đã trải qua nhiều thăng trầm trước khi đạt vốn hóa 3.000 tỷ USD dưới thời Tim Cook.

Ngày 30/6, Apple là công ty đầu tiên cán mốc 3.000 tỷ USD vốn hóa thị trường. Trong ảnh là Steve Wozniak (trái) và Steve Jobs, hai người đã đồng sáng lập Apple vào ngày 1/4/1976 tại Los Altos, California. Ảnh: Reuters

"Văn phòng" đầu tiên của Apple là nhà để xe của cha mẹ Jobs. Ngoài hai nhà sáng lập trên, Apple còn có một thành viên khác là Ronald Wayne, đảm nhiệm vai trò kinh doanh của công ty. Chính Wayne đã phác thảo logo đầu tiên của Apple bằng tay. Đến 1978, Apple mới có một văn phòng đúng nghĩa với nhân viên và dây chuyền sản xuất Apple II. Ảnh: AP

Sản phẩm đầu tiên của công ty là Apple I, bo mạch chủ có bộ xử lý và một số bộ nhớ. Phiên bản được bán với giá 666,66 USD nhưng không thành công.

Năm 1977, Apple II ra đời và nhanh chóng trở thành máy tính cá nhân thu hút sự chú ý trên toàn thế giới. Model này do Wozniak thiết kế. Với ứng dụng VisiCalc - phần mềm bảng tính đột phá, Apple có thể bán Apple II cho khách hàng doanh nghiệp. Ảnh: AP

Năm 1980, Apple phát hành Apple III tập trung vào doanh nghiệp, cạnh tranh với mối đe dọa ngày càng tăng từ IBM và Microsoft. Tuy nhiên sau đó, Steve Jobs chuyển hướng và cho rằng tương lai máy tính sẽ là giao diện người dùng có đồ họa (GUI), giống máy tính ngày nay.

Steve Jobs đã dành hơn ba năm và tiêu tốn số tiền lên đến 50 triệu USD để phát triển máy tính Lisa năm 1983. Đặt theo tên con gái Steve Jobs là Lisa Nicole Brennan-Jobs, Lisa là thiết bị đắt đỏ với giá khởi điểm gần 10.000 USD (tương đương 25.000 USD hiện nay). Mức giá cao đã khiến thiết bị khó tiếp cận người tiêu dùng và không bán chạy.

Sau đó, Jobs lãnh đạo dự án thứ hai Apple Macintosh và người dùng yêu thích nhưng vẫn gặp rào cản về giá. Trong ảnh là Steve Jobs bên cạnh máy Macintosh trong cuộc họp cổ đông ở Cupertino vào 24/1/1984. Ảnh: Terry Schmitt/UPI /Landov

Hành trình 3 tỷ USD của Apple qua ảnh
 
 

Khi ra Macintosh đầu tiên, Apple cũng có CEO mới - John Sculley. Một trong những dấu ấn đầu tiên của Sculley là quảng cáo "1984", do đạo diễn Ridley Scott sản xuất với chi phí 1,5 triệu USD. Video: Apple

Sau đó, căng thẳng giữa Steve Jobs và Bill Gates, nhà đồng sáng lập Microsoft, bắt đầu leo thang. Ban đầu, Microsoft nỗ lực làm phần mềm cho Macintosh. Tuy nhiên, Bill Gates cũng phát triển một giao diện người dùng riêng có tên Windows. Macintosh đạt doanh số cao, nhưng không đủ phá vỡ sự thống trị của IBM. Điều này dẫn đến sự xích mích giữa Jobs - người đứng đầu nhóm Macintosh và Sculley - người muốn giám sát chặt chẽ hơn các sản phẩm Apple trong tương lai. Khi đó, hội đồng quản trị của Apple đã chỉ thị cụ thể cho Sculley về việc "kiềm chế" Jobs. Ảnh: AP

Steve Jobs, John Sculley và Steve Wozniak ra mắt Apple IIc năm 1984. Mọi thứ trở nên căng thẳng năm 1985 khi Jobs cố thực hiện một cuộc lật đổ Sculley. Tuy nhiên, hội đồng quản trị Apple đã đứng về phía Sculley và Jobs bị cách chức quản lý. Ông rời đi và thành lập công ty máy tính NeXT. Steve Wozniak cũng bán toàn bộ cổ phần của mình tại Apple vì cho rằng công ty đang đi sai hướng. Ảnh: AP

John Sculley giới thiệu hệ điều hành System 7 trên máy tính Apple năm 1991. Sau khi Jobs rời đi, ông nắm toàn quyền tại Apple. Công ty thâm nhập vào nhiều thị trường mới, nhưng không thành công. Thất bại nổi tiếng nhất là Newton MessagePad năm 1993. Dù có giá 700 USD, thiết bị không làm được gì nhiều ngoài việc ghi chú và theo dõi danh bạ của người dùng.

Sculley tiếp tục sai lầm và tiêu tốn tiền của Apple vào System 7 và chọn vi xử lý PowerPC của IBM thay vì Intel. Trong khi đó, tầm ảnh hưởng của Microsoft ngày một lớn khi Bill Gates bán Windows 3.0 với giá phải chăng, hỗ trợ nhiều cài đặt mở rộng cho người dùng.

Sculley từ chức sau khi Apple không đạt được mục tiêu doanh thu quý đầu 1993. Hội đồng quản trị Apple đưa Michael Spindler lên làm CEO. Nhưng vận may của Apple tiếp tục sa sút khi Windows nổi lên như ngôi sao mới. Năm 1996, hội đồng quản trị Apple đã thay thế Spindler bằng Gil Amelio. Ảnh: AP

Nhiệm kỳ của Amelio cũng lận đận không kém. Dưới triều đại của ông, cổ phiếu Apple chạm mức thấp nhất trong 12 năm, một trong những nguyên nhân là Steve Jobs bán 1,5 triệu cổ phiếu Apple trong một giao dịch. Trước nguy cơ Apple có thể bị sụp đổ, tháng 2/1997, Amelio đã đề xuất hội đồng quản trị mua lại công ty NeXT của Steve Jobs với giá 429 triệu USD và mời ông quay lại công ty.

Trong ảnh là Gil Amelio (trái) và Steve Jobs trong sự kiện bổ nhiệm Jobs làm CEO tạm thời hôm 19/6/1997. Cùng năm, chiến dịch quảng cáo nổi tiếng "Think different" (Nghĩ khác) của Apple nhằm tôn vinh các nghệ sĩ, nhà khoa học và nhạc sĩ nổi tiếng cũng gây tiếng vang lớn. Ảnh: AP

Ngày 6/7/1997, Steve Jobs công bố khoản đầu tư trị giá 150 triệu USD vào Apple từ Microsoft. Dưới sự dẫn dắt của ông, hai công ty đã "làm lành". Sự kiện cũng bắt đầu kỷ nguyên mới về phần cứng và phần mềm của Apple. Jobs đã để Janathan Ive chịu trách nhiệm thiết kế iMac - chiếc máy tính tất cả trong một được phát hành năm 1998. Đến 2000, Jobs giới thiệu Mac OS X dựa trên hệ điều hành của NeXT Computers. Ảnh: Reuters

Sau đó, Apple tiếp tục giới thiệu hai sản phẩm thay đổi thế giới là máy nghe nhạc iPod năm 2001 và điện thoại iPhone năm 2007. Khi iPhone đời đầu bán ra, khách hàng đã xếp hàng dài bên ngoài các cửa hàng ở Mỹ để được sở hữu.

Trong hình là Steve Jobs trong ngày ra mắt iPhone thế hệ đầu tiên hôm 9/1/2007. Ảnh: Reuters

Tim Cook tiếp quản Apple sau khi Steve Jobs qua đời năm 2011. Dưới thời của Cook, Apple đã phát hành thêm 17 mẫu iPhone mới. Hãng cũng giới thiệu các sản phẩm phần cứng mới như Apple Watch và AirPods. Công ty cũng mở rộng sang dịch vụ để thúc đẩy tăng trưởng khi doanh số iPhone chững lại. Apple hiện cung cấp dịch vụ truyền phát nhạc và video, hệ thống thanh toán, ví...

Tháng 8/2020, Apple đạt được cột mốc mới, trở thành công ty trị giá hai nghìn tỷ USD. Nhưng giai đoạn này, Giám đốc thiết kế Jony Ive quyết định rời công ty.

Trong ảnh là CEO Tim Cook giới thiệu Apple Watch tại sự kiện diễn ra ở California năm 2015. Ảnh: Barcroft Media

CEO Tim Cook ra mắt kính Vision Pro trị giá gần 3.500 USD hồi tháng 6. Đây là sản phẩm phần cứng mới nhất của Apple và dự kiến được phát hành năm 2024.

Chưa đầy một tháng sau sự kiện, Apple trở thành công ty đại chúng đầu tiên kết thúc phiên giao dịch với mức vốn hóa thị trường ba nghìn tỷ USD. Cổ phiếu công ty đạt 193,97 USD khi đóng phiên giao dịch hôm 30/6. Ảnh: AFP

Khương Nha (theo Business Insider)