Năm 2000, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Petrovietnam) được Chính phủ giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án nhà máy Đạm Phú Mỹ tại khu công nghiệp Phú Mỹ I, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đây là nhà máy sản xuất phân bón từ khí thiên nhiên đầu tiên ở Việt Nam, thuộc khâu sau của ngành dầu khí, được thực hiện theo phương thức hợp đồng EPCC. Tổng mức đầu tư là 445 triệu USD, công suất 740.000 tấn urê một năm, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu phân đạm trong nước giai đoạn đó.
Ngày 21/4/2004, nhà máy được thành lập. Đến 21/9 năm đó, PVFCCo tiếp nhận nhà máy từ tổ hợp liên danh nhà thầu quốc tế, đưa sản phẩm mang thương hiệu Đạm Phú Mỹ ra thị trường. "Đây là cột mốc quan trọng nhất trong sự hình thành và phát triển của nhà máy và Tổng công ty, được chọn là ngày truyền thống của PVFCCo", đại diện PVFCCo cho hay.
Thời gian sau đó, PVFCCo đã triển khai xây dựng và đưa vào vận hành thêm nhiều dự án mới, gia tăng sản lượng và chủng loại sản phẩm phân bón. Điển hình có tổ hợp dự án nâng công suất phân xưởng NH3, và nhà máy sản xuất NPK công nghệ hóa học công suất 250.000 tấn một năm.
Từ chỗ chỉ có một sản phẩm Urê, đội ngũ chuyên gia, kỹ sư đã nghiên cứu và phát triển bộ sản phẩm phân bón gồm: Urê, NPK, Kali, DAP, SA. Trong những năm gần đây, PVFCCo tiếp tục ra mắt thị trường các sản phẩm mới như Đạm Phú Mỹ + Ke Bo, NPK Phú Mỹ + vi sinh, bộ sản phẩm dành riêng cho nông nghiệp đô thị - Phu My Garden.
"Suốt 20 năm qua, chúng tôi luôn nỗ lực bảo đảm đủ và kịp thời nguồn cung phân bón chất lượng cao cho nông dân trên toàn quốc, góp phần giúp ngành trồng trọt của Việt Nam phát triển vượt bậc, đưa Việt Nam trở thành một trong các cường quốc về xuất khẩu nông sản, ngay cả lúc hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn trong đại dịch Covid-19", đại diện Tổng công ty chia sẻ.
Theo thống kê của doanh nghiệp, kể từ khi thành lập đến nay, nhà máy đã có tổng cộng gần 2.000 sáng kiến được áp dụng thành công, mang lại giá trị hơn 400 tỷ đồng. Riêng trong giai đoạn 2020 - 2024, có gần 1300 ý tưởng và 518 sáng kiến với tổng giá trị gần 100 tỷ đồng. Đơn cử, mới đây các kỹ sư đã thay thế một số máy móc nhằm giảm tiêu hao năng lượng như thiết bị xúc tác Kali Fulmin sơ cấp, HTR, tháp tổng hợp mới. Riêng ở xưởng urê, đơn vị sử dụng tháp tổng hợp và thay thế nắp đĩa thành nắp chóp. Nhờ đó hiệu quả sản xuất tăng lên, năng lượng tiêu hao giảm đi.
Nhờ nắm chắc công nghệ thiết bị, công tác vận hành và bảo dưỡng được thực hiện ở mức tốt nhất, nên Nhà máy luôn hoạt động ở công suất rất cao, thường xuyên vượt mức thiết kế 10- 15%. Các chuyên gia đánh giá, với phương thức vận hành và bảo dưỡng như hiện nay, máy móc luôn hoạt
động hiệu quả, giúp nhà máy tiếp tục duy trì ổn định và kéo dài vòng đời dự án thêm hàng chục năm.
Hiện nay, công cuộc chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ ở cả trong nước và quốc tế, doanh nghiệp như PVFCCo cũng không đứng ngoài cuộc. Với mục tiêu xây dựng nhà máy thông minh, đơn vị đã áp dụng nhiều sáng kiến số và xây dựng, nâng cấp các phần mềm như PMIS, System 1 – Evo, akaBot. "Trong lộ trình tới, PVFCCo sẽ xây dựng nhiều phần mềm phù hợp với xu hướng thế giới để duy trì hoạt động ổn định", đại diện doanh nghiệp chia sẻ.
Qua 20 năm xây dựng và phát triển, nhà máy Đạm Phú Mỹ đã đạt nhiều thành tích như chứng nhận "Vận hành xuất sắc" của nhà bản quyền Haldo-Topsoe, công nhận Nhà máy Đạm Phú Mỹ là một trong những nhà máy sử dụng công nghệ của họ hoạt động tốt nhất trên thế giới. Thương hiệu phân bón Phú Mỹ được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao 20 năm liên tiếp, được tạp chí Forbes Việt Nam đánh giá nằm trong top các thương hiệu có giá trị nhất của Việt Nam...
"Với sứ mệnh 'Cho mùa bội thu' chúng tôi luôn nỗ lực nghiên cứu, phát triển và sáng tạo để mang đến cho bà con nông dân những sản phẩm chất lượng cao. Song song với đó là tích cực tìm kiếm thị trường xuất khẩu để tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm giá thành và đảm bảo chất lượng", đại diện danh nghiệp nói.
Lan Anh