Một ngày đông giá lạnh ở Thủ đô Paris nước Pháp, Nguyễn Văn Long (quê ở Nam Định) cùng vợ và hai con lích kích đồ đạc lên xe ra sân bay Charles-de-Gaulle, chuẩn bị về Việt Nam. Hôm đó là ngày 11/2/2018 theo lịch Tây, tức 26 tháng chạp Âm lịch. Đã chục năm nay, Long chưa về quê ăn Tết.
Sang Pháp từ năm 2002 theo người thân, lần đầu Long về quê sau khi sang Pháp là để báo hỷ vào năm 2008. Trải qua ba chặng bay ở ba thời kỳ, anh Long được chứng kiến sự thay đổi rõ rệt của ngành hàng không sau chừng đó năm.
Lần đầu tiên đến Pháp, Long đáp xuống Charles-de-Gaulle lúc 5h sáng sau hơn 24 tiếng ngồi trên máy bay và quá cảnh ở Dubai. Thỉnh thoảng nhớ lại, anh vẫn ví nó như chuyến bay dài nhất cuộc đời, vừa mệt mỏi, lo âu dù vẫn háo hức.
Vẫn sân bay này nhưng sau 16 năm, anh cảm thấy phấn chấn hơn bởi chỉ 12 tiếng nữa, anh có thể đặt chân trên đất mẹ. Hành trình từ Pháp về Việt Nam như ngắn lại bởi những chuyến bay thẳng không điểm dừng.
Hoàn cảnh của anh Long cũng xuất hiện đâu đó trong số gần 300 hành khách có mặt trên tàu bay Airbus A350-900 của Vietnam Airlines khởi hành từ Paris về Hà Nội lúc 14h chiều. 80% trong số đó là Việt kiều, cũng chọn Hãng hàng không Quốc gia để về quê ăn Tết cùng gia đình.
Nhớ lại những ngày đầu, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết, ngay từ khi mới thành lập, Vietnam Airlines xác định mạng
đường bay chiến lược đến châu Âu và Pháp là thị trường trọng yếu - đây là cửa ngõ của châu Âu và nối vào Bắc Mỹ.
Năm 1993-1994, Vietnam Airlines đã tiên phong đặt viên gạch đầu tiên cho đường bay Việt Nam - Pháp khi thiết lập văn phòng đại diện tại Pháp và khai thác đường bay này qua một điểm dừng tại Dubai bằng máy bay Boeing 767.
Đó là loại tàu bay hiện đại, có khả năng bay xa nhất của hãng lúc bấy giờ. Không thể bay thẳng 9.000km đến Paris, máy bay phải dừng ở Dubai tiếp nhiên liệu và đón thêm khách. Khi đó, hãng chỉ phục vụ ba chuyến một tuần.
Mục tiêu về một đường bay thẳng chỉ thành hiện thực sau đó 10 năm. Vào 2003, Vietnam Airlines đưa vào khai thác máy bay Boeing 777-200ER, mở ra cột mốc quan trọng trong việc phát triển mạng bay. Từ thời điểm này, Vietnam Airlines đã đủ khả năng khai thác đường bay thẳng tới từ Hà Nội và TP HCM đến Paris.
Kể từ đó, thay vì phải quá cảnh ở Dubai khiến thời gian bay kéo dài một ngày hoặc hơn, hành khách của Vietnam Airlines chỉ mất 12 đến 13 tiếng là có mặt tại Pháp.
Từ thành công của đường bay Việt Nam - Pháp, những năm sau đó, Hãng hàng không Quốc gia tiếp tục mở các đường bay tới Đức và Anh, tạo ra mạng lưới rộng khắp châu Âu, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.
Trong 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, trải qua nhiều thăng trầm, quan hệ Việt Nam - Pháp đạt được nhiều kết quả tích cực. Hai bên liên tục đẩy mạnh hợp tác về nhiều mặt như kinh tế, hợp tác văn hóa, khoa học và kỹ thuật. Đó là chất xúc tác để Vietnam Airlines ra mắt đường bay mới, rút ngắn khoảng cách giữa hai quốc gia.
"Đường bay thẳng Việt - Pháp đã nâng tầm Vietnam Airlines từ hãng hàng không quy mô khu vực lên toàn cầu, là đường bay chiến lược giúp hội nhập quốc tế, kết nối 2 quốc gia về mọi mặt chính trị, kinh tế và văn hóa", lãnh đạo Hãng hàng không Quốc gia nhấn mạnh.
Hiện nay, Pháp là thị trường trọng điểm của khu vực châu Âu và EU. Trong giai đoạn 2012-2017, quốc gia này có dung lượng hàng không đến Việt Nam lớn nhất, tăng trưởng trung bình 2% một năm. Lượng khách vận chuyển mỗi năm khoảng 270.000 khách với lượng ghế luôn đạt trên 85%.
Trong năm 2017, dung lượng thị trường Việt Nam - Pháp đạt xấp xỉ 290.000 khách, tăng trưởng 3% so với cùng kỳ. Vietnam Airlines đang giữ vị trí số 1 trên đường bay này với 72% thị phần khách vận chuyển trực tiếp giữa 2 nước và hiệu suất sử dụng ghế ở mức cao 85-90%.
Trong 10 năm đầu khai thác đường bay một điểm dừng, Vietnam Airlines đón nhận khoảng 820.000 lượt khách. Con số này đã tăng lên gấp gần 4 lần, đạt khoảng 3,2 triệu lượt khách trong 10 năm tiếp theo sau khi kết nối đường bay thẳng. Dự kiến đến cuối năm 2018, sản lượng vận chuyển đạt hơn 4 triệu lượt hành khách và 110.000 tấn hàng hóa sau 25 năm khai thác.
Để đạt kết quả này, 15 năm qua, Hãng hàng không Quốc gia liên tục tăng cường mở rộng hợp tác để phát triển đường bay trọng điểm Việt - Pháp. Năm 2010, Vietnam Airlines và Air France ký thỏa thuận hợp tác liên danh (codeshare) trao đổi và mở rộng thêm chỗ trên chuyến bay của nhau. Nhờ đó, hãng có tần suất khai thác lớn nhất trên đường bay Việt - Pháp, kết nối với mạng đường bay của các hãng thành viên trong Liên minh SkyTeam đến khắp châu Âu. Hiện, Việt Nam có 13 chuyến mỗi tuần đến Pháp, trong đó Vietnam Airlines chiếm 10 chuyến, Air France 3 chuyến.
Đến năm 2017, hai hãng đạt thỏa thuận hợp tác liên doanh (Joint Venture), mở rộng thêm quan hệ hợp tác kỹ thuật, sửa chữa, bảo dưỡng động cơ cho những dòng tàu bay hiện đại nhất.
Trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Pháp, ngày 26/3 vừa qua, Vietnam Airlines và Công ty kỹ thuật và bảo dưỡng máy bay Air France Industries KLM Engineering & Maintenance (AFI KLM E&M) đã ký hợp đồng bảo dưỡng động cơ máy bay Boeing 787-9 trị giá hơn 500 triệu USD (khoảng 11.000 tỷ đồng).
Theo đó, AFI KLM E&M sẽ bảo dưỡng 20 động cơ GEnx (gồm 16 chiếc cho 8 tàu bay đang khai thác và 4 chiếc dự phòng) của Vietnam Airlines
trong vòng 12 năm. Nhà bảo dưỡng máy bay lớn trên thế giới cũng hỗ trợ cung cấp thêm động cơ dự phòng cho hãng trong trường hợp cần thiết.
Cũng trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp và 15 năm thiết lập đường bay thẳng Hà Nội, TP HCM - Paris, Vietnam Airlines đón nhận chiếc máy bay thân rộng hiện đại thế hệ mới Airbus A350-900 XWB thứ 11 mang số hiệu VN-A896.
Đây là chiếc máy bay nằm trong tổng số 14 chiếc A350 được chuyển giao dần trong giai đoạn 2015- 2019 cũng là chiếc Airbus thứ 74 và chiếc máy bay thứ 100 trong tổng đội bay ngày càng phát triển của Vietnam Airlines.
Ngoài nhiệm vụ phục vụ phát triển kinh tế quốc dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế, văn hoá với thế giới, Vietnam Airlines
còn đảm đương vai trò của một vị "Đại sứ đặc biệt" của Việt Nam. Hình ảnh bông sen biểu tượng cho sự khai sáng và thanh khiết, gắn liền với giá
trị nghệ thuật và tinh thần của nền văn hoá châu Á. Qua những chuyến bay mang biểu tượng "Bông Sen Vàng", hình ảnh Việt Nam được nhiều bạn bè
quốc tế biết đến.
Với những người con xa xứ như anh Long, mỗi chuyến bay mang biểu tượng " Bông Sen Vàng" như cầu nối vô hình, gắn kết những trái tim tha thiết nhớ quê với dải đất hình chữ S. Không phải ngẫu nhiên, giữa nhiều lựa chọn, 80% hành khách là người Việt vẫn chọn Vietnam Airlines để bay tới châu Âu hoặc từ châu Âu về Việt Nam. Ở đó, họ thấy hình bóng quê mẹ qua những tà áo dài thướt tha, món ăn 3 miền đặc trưng hay đơn giản là được nói tiếng mẹ đẻ.
Huệ Chi
Thiết kế: Lê Thủy