Thứ năm, 19/4/2018, 19:00 (GMT+7)

 Hành trình 10 năm Việt Nam thành ngôi nhà thứ hai của Samsung


Từ dự án ban đầu 670 triệu USD năm 2008, giờ Samsung đã có 3 tổ hợp công nghệ cao tại Việt Nam với trị giá hơn 17,3 tỷ USD, tăng 26 lần.

Quyết định lịch sử

Mọi chuyện bắt đầu vào khoảng tháng 10/2007 với thông tin Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất điện thoại di động ở Việt Nam xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Khi đó, Samsung chưa có tốc độ phát triển nhanh như bây giờ.

"Đó là một quyết định lịch sử, đưa đến sự hình thành khu tổ hợp Samsung với tầm vóc như hiện nay”, ông Nguyễn Văn Đạo Phó tổng giám đốc Samsung Vina, kể lại.

Theo ông Đạo, đã có hẳn một "đội đặc nhiệm" từ Hàn Quốc sang khảo sát, tìm kiếm địa điểm để xây dựng một dự án sản xuất sản phẩm mới cho Samsung. Ông cũng tham gia đội đó, phải rong ruổi khắp trong Nam ngoài Bắc để tìm kiếm địa điểm.

Cuối cùng, Bắc Ninh đã được lựa chọn.

Những cuộc đổi đời

Phạm Thị Hằng, quê Bắc Giang, là một trong những nhân viên sản xuất thuộc lứa đầu tiên của nhà máy Samsung tại Bắc Ninh. 9 năm trước đây, khi Samsung Electronics Việt Nam (SEV) đi vào hoạt động, Hằng quyết định rời bỏ vùng quê nghèo khó của mình để xin vào làm việc.

Bước ra từ ruộng đồng, mọi kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng để làm việc của Hằng trong nhà máy, công xưởng, nhất là một nhà máy công nghệ cao như SEV… chỉ là con số “0” tròn trĩnh.

Để có thể bước vào dây chuyền sản xuất, như mọi nhân viên sản xuất của Samsung, Hằng phải trải qua một khóa đào tạo nghiêm khắc giúp hiểu và tuân thủ nội quy công ty, an toàn lao động và đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản trong môi trường sản xuất công nghiệp. Rồi sau đó, mỗi người mới được phân công về các bộ phận của từng phân xưởng.

Hằng được về bộ phận làm vỏ nhựa, với công việc in logo. Ban đầu, nhà máy quy mô còn nhỏ, công việc còn chưa nhiều, Hằng chán. Đôi lúc, cũng chỉ định làm việc ở Samsung một thời gian ngắn rồi về quê, lấy chồng, sinh con.

Nhưng rồi, nhà máy liên tục mở rộng, đơn hàng ngày một nhiều, công việc cuốn lấy cô. Thu nhập cũng ngày càng cao, lại hưởng các chế độ phúc lợi mà ít nơi đâu có được và có cơ hội học nâng cao, Hằng quyết định gắn bó với SEV và đến nay đã là 9 năm.

Phạm Thị Hằng chụp ảnh kỷ niệm cùng ông DJ Koh, Chủ tịch và là người đứng đầu ngành hàng CNTT và truyền thống di động của Samsung tại Barcelona (Tây Ban Nha).

Tháng 2/2018, Hằng xuất hiện tại Barcelona (Tây Ban Nha) để tham dự lễ ra mắt siêu phẩm Galaxy S9/S9+ mà mình và các đồng nghiệp cùng góp tay sản xuất. Đây là phần thưởng dành cho một trong những nhân viên xuất sắc, chăm chỉ và gắn bó với Samsung từ những ngày đầu tiên

“Đây là chuyến đi mà trước đó có lẽ cả đời không dám mơ. Nếu không có Samsung, tôi không có được vinh dự đó. Không có Samsung, tôi cũng không có cơ hội đổi đời như ngày hôm nay”, Hằng tâm sự.

Không chỉ Hằng, hàng trăm ngàn nhân viên sản xuất tại Samsung đều có chung những suy nghĩ như vậy. Nhiều chàng trai, cô gái bước ra từ những làng quê nghèo khó đã có cơ hội bước vào nhà máy, công xưởng, để tạo lập tương lai tốt đẹp hơn, nhờ vào các kế hoạch đầu tư không ngừng được mở rộng của Samsung.

Hành trình biến Việt Nam thành ngôi nhà của Samsung

25/3/2008 đặc biệt với Samsung, bởi đó là ngày mà dự án nhà máy sản xuất điện thoại di động đầu tiên tại Bắc Ninh – SEV, nhận giấy chứng nhận đầu tư. Tháng 4/2008, nhà máy chính thức được khởi công xây dựng.

2009, ngay trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, SEV đạt công suất 1,5 triệu sản phẩm mỗi tháng. Chỉ đến cuối năm, nhà máy xuất khẩu được 245 triệu USD - một con số ít ai tưởng tượng được vào thời điểm ấy.

Ba năm sau, cuối 2012, Samsung tiếp tục nhận chứng nhận đầu tư cho dự án thứ hai trị giá 830 triệu USD. Dự án này sau đó sáp nhập với dự án thứ nhất, đặt viên gạch đầu tiên cho việc hình thành ra một “thành phố công nghệ cao” ở Bắc Ninh.

Tới tháng 6/2013, SEV lại tiếp tục tăng thêm vốn 1 tỷ USD, biến SEV thành Samsung Complex. Tổng vốn đầu tư đã lên tới 2,5 tỷ USD, gấp 4 lần ban đầu. Nhưng có những câu chuyện không nhiều người biết, cùng thời điểm dồn dập đầu tư tại Bắc Ninh, Samsung còn tục mở rộng, xuất hiện thêm tại nhiều nơi khác ở Việt Nam.

Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên.

Tháng 10/2012, Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun Hee đã lặng lẽ đến thăm Việt Nam. Chỉ vài tháng sau, Samsung có giấy chứng nhận đầu tư vào Thái Nguyên, với tổng vốn đăng ký 2 tỷ USD. Để tới tháng 3/2013, Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) đã chính thức khởi công, bắt đầu hình thành khu tổ hợp công nghệ Samsung thứ hai ở Việt Nam.

Sau này, SEVT tiếp tục tăng vốn đầu tư thêm 3 tỷ USD. Ở cả Thái Nguyên và Bắc Ninh, dồn dập các dự án "tỷ đô" của Samsung được thực hiện, như Samsung Display với vốn đầu tư 6,5 tỷ USD hay có Samsung Electro Mechanics Việt Nam (SEMV) có trị giá 1,23 tỷ USD.

Đến 1/10/2014, Samsung chính thức có Tổ hợp công nghệ cao thứ ba tại Việt Nam, Samsung Electronics Ho Chi Minh Complex (SEHC). Dự án được trao chứng nhận đầu tư ngay trong khuôn khổ chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với số vốn đầu tư ban đầu 1,4 tỷ USD và sau đó được nâng lên thành 2 tỷ USD.

Có thêm tổ hợp này, Samsung đã chính thức có 3 tổ hợp công nghệ cao ở Việt Nam và hành trình đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất của Samsung dường như đã hoàn thành, không chỉ sản xuất thiết bị di động, mà còn cả đồ điện tử, thiết bị gia dụng.

Trong dịp tiếp kiến Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Chủ tịch Lee Kun Hee khẳng định, Samsung luôn mong muốn đóng góp vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Ông tin tưởng vào thị trường còn nhiều tiềm năng, vào cơ hội phát triển của Việt Nam cho việc mở rộng đầu tư của Samsung thời gian tới.

Viết tiếp câu chuyện kỳ tích của Samsung

Không phải là Tổng giám đốc đầu tiên, nhưng ông Shim Won Hwan được coi là người dẫn dắt sự phát triển của Samsung Việt Nam. Sau nhiệm kỳ công tác đầu tiên giai đoạn 2010 – 2014, ông Shim trở về Hàn Quốc nhận nhiệm vụ mới. Nhưng tháng 6/2017, ông bất ngờ quay trở lại Việt Nam trong vị trí cũ.

Ông Shim Won Hwan, TGĐ Samsung Việt Nam.

Khi được hỏi lý do khiến quyết định quay lại Việt Nam, ông đã nói rằng: “Tôi muốn gọi đó là cuộc 'trở về' hơn là 'quay lại', bởi cũng như Samsung, tôi rất yêu quý đất nước và con người Việt Nam. Tôi luôn xem Việt Nam là ngôi nhà thứ hai của mình, và việc 'trở về' nhà luôn là ước mong của tôi.”

Trong cuộc “trở về” này, ông Shim không khỏi bất ngờ và vui mừng trước sự phát triển của Samsung Việt Nam. Sau hơn 2 năm ông quay trở về Hàn Quốc, đã có thêm tổ hợp SEHC đi vào hoạt động và Samsung Display cũng lớn mạnh đến không ngờ.

Khi ông Shim bắt đầu làm Tổng giám đốc, kim ngạch xuất khẩu của Samsung chỉ là trên 1,5 tỷ USD. Cuối năm 2014, khi ông rời Việt Nam, con số là 26,2 tỷ USD. Nhưng đến năm ngoái, khi ông quay trở lại, kim ngạch xuất khẩu đã lên tới 54,4 tỷ USD, chiếm 25,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Sự phát triển được đánh giá là “thần tốc”, không chỉ về vốn đầu tư, mà cả nhân lực cũng như những đóng góp cho kinh tế - xã hội Việt Nam.

Bắc Ninh, Thái Nguyên cũng khác xa thời điểm ông quay về Hàn Quốc, nhất là Thái Nguyên. Khi mới bắt đầu được xây dựng, vùng đất ấy vẫn hoang vu, đất trống mênh mông, cỏ dại um tùm. Nhưng nay, con đường từ Hà Nội lên Thái Nguyên rộng thênh thang. Khu công nghiệp Yên Bình sừng sững hàng loạt nhà máy hiện đại. Nhà máy Samsung đã trở thành một thành phố mới, sầm uất hơn, hiện đại hơn.

Giờ tan ca ở SEVT (Thái Nguyên).

Những đóng góp của Samsung cho kinh tế - xã hội Việt Nam vô cùng to lớn. Samsung đang được coi như một trong những động lực chính góp phần quan trọng để nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng kỷ lục 6,81%, cũng như đạt ngưỡng xuất nhập khẩu 400 tỷ USD trong năm ngoái. Những kỳ vọng đang tiếp tục được đặt ra trong năm nay, cũng như trong tương lai.

“Một trong những thành công lớn nhất của chúng tôi, đó chính là đã trở thành một hình mẫu thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, để từ đó nhiều doanh nghiệp khác, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc đã theo chân Samsung vào Việt Nam”

ông Shim Won Hwan tự hào nói và cũng không giấu giếm ước vọng rằng, Samsung sẽ trở thành một “doanh nghiệp quốc dân” của Việt Nam, được mọi người dân Việt nam tin tưởng và yêu quý bởi nhưng đóng góp không ngừng nghỉ của công ty với đất nước và con người Việt Nam.