Và rồi, một cái Tết lại đến. Cứ mỗi năm, vào thời điểm giáp Tết là trong lòng thấy nôn nao vô cùng.
Năm nay, con được đón một cái Tết đầm ấm nơi quê nhà có đầy đủ những người thân yêu. Năm nay cũng là năm đầu tiên bé Nhím theo ba mẹ về quê đón Tết. Chuyến xe dài gần 8 tiếng đồng hồ đủ làm ê ẩm người, thế mà bé Nhím vẫn ngủ ngoan trên tay ba mẹ. Chốc chốc lại mở mắt đòi sữa thật đáng yêu.
Mọi thứ thuộc về quê hương vẫn còn giữ nguyên như ngày con ra đi. Chỉ có điều mỗi năm về lại cho con một cảm xúc khác, có lẽ con lớn hơn một chút nên không còn chen vào đám em để mong nhận lì xì từ tay người lớn. Nhìn mấy đứa em đứng khoanh tay trước ngực, đọc vanh vách câu chúc mà thấy nhớ tuổi thơ làm sao.
Ngày trở về, dòng nước mắt nhoè nhoẹt khi thắp nén nhang đầu tiên trên bàn thờ cho ngoại. Mấy dì lại chọc "Rồi! có đứa mít ướt ngay ngày mùng 1". Càng nén thì nước mắt cứ chảy dài, mẹ bảo rằng "Nếu ngoại còn sống chắc ngoại vui lắm khi thấy con cháu tụ họp đầy đủ như thế này, nếu ngoại còn sống thì...". Đến đây, nước mắt tôi cứ thể trào ra.
Bao cái Tết trôi qua, ngôi nhà này đã vắng tiếng nói của người bà kính yêu. Trở về gian nhà xưa, lòng thấy ngậm ngùi..cái chái bếp sau nhà từ ngày ngoại đi. Dường như thiếu hơi ấm. Còn vài ngày nữa là Tết đến, con không còn thưởng thức vị ngòn ngọt của mứt dừa, vị cay của mứt gừng và vị chua của những miếng mứt tắc.
Còn nhớ năm nào, con vẫn được ngồi gọt vỏ từng trái tắc, cắt từng thớ dừa, từng lát gừng. Năm nào cứ đến ngày 22 là mấy bà cháu lại loay hoay với những món mứt chuẩn bị cho ngày Tết. Con thích được ngoại phân công ngồi gọt tắc, vì lâu lâu con lại lấy một trái lột vỏ chấm muối ăn. Nhắc đến là thèm ghê, cây tắc trước nhà năm nào cũng ra thật nhiều quả căng mọng. Cả hàng dừa cũng vậy, những quầy dừa sai trỉu quả. Ngoại thường chọn những trái hơi già cơm để làm mứt, mứt dừa ngoại làm ngon đến nỗi năm nào mấy bà hàng xóm cứ đặt ngoại làm. Nhưng ngoại chỉ làm biếu họ chứ không bao giờ lấy tiền lại.
Nhắc đến những món mứt Tết là con nhớ đến dáng gầy khom khom của mgoại. Mắt đã mờ, tay thì run vì căn bệnh Pakinson lâu ngày... nhưng chưa bao giờ ngoại quên làm những keo mứt rừng, mứt dừa, mứt tắc mỗi năm. Còn nồi thịt kho tàu béo ngậy đến nỗi chỉ cần bỏ vào miệng thì từng miếng mỡ tan ra trong miệng... ngon làm sao. Con chưa bao giờ được nếm miếng thịt kho tàu nào ngon như vậy. Hồi nhỏ, ngoại đi đâu làm gì con cũng lẽo đẽo theo sau . Nhớ nhất lời ngoại "coi ngoại làm nè con, sau này tụi bây có chồng thì phải biết nấu cơm kho cá, kẻo gia đình nhà chồng mắng vốn bà ngoại thì khổ nữa. Là con gái không có cái gì tệ hại hơn là không nấu nổi mâm cơm cho nhà chồng". Con bé mới 12 tuổi đầu chẳng biết ngoại nói gì, cứ lăng xăng " ngoại! Cho con miếng mứt tắc đi". Một tay quệt lớp đường còn dính đầy trên chảo ngào mứt, một tay giơ lên miệng liếm... chân nhảy liếng thoắng.
Tết năm nay, con lại trở về bên ngoại, bên ba mẹ, bên những đứa em lúc nào cũng túm áo chị đòi dắt đi chơi. Nhiệm vụ lau dọn bàn thờ, cắm từng bình hoa trên bàn thờ mà mấy dì vẫn để phần cho con như mọi năm. Khái niệm Tết đối với con chính là hạnh phúc của ngày trở về, trở về bên tình thân, bên mái nhà vẫn còn dột ướt mỗi khi mưa đến, để con nằm ngủ một giấc dài cạnh ngoại giữa bạt ngàn gió lộng của quê hương.
Năm nay, con còn đưa bé Nhím về thăm bà cố, cũng là một cách giáo dục con cháu luôn luôn nhớ về quê hương, về gia đình thân yêu của mình. Con chắc rằng dù ở nơi xa, ngoại vẫn đang mỉm cười mãn nguyện vì thấy con đã trưởng thành và sống hạnh phúc.
"Vắng rồi tiếng ngoại thân thương
Đêm 30 Tết năm nào còn không?
Phút giây nhớ ngoại chạnh lòng
Ngoại ơi! Nơi ấy yên lòng vì con..."
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
Bùi Ngọc Thưa