Cô gái ở thành phố Hành Dương, tỉnh Hồ Nam bị u mạch máu cột sống. Trong vòng vài ngày, Trác Tác mất cả sức khỏe lẫn người yêu, giấc mơ về hôn nhân và sự nghiệp.
Mẹ Trác Tác từng bất đắc dĩ tái giá để nuôi ba con nhỏ khi chồng mất sớm, giờ lại một lần nữa tay trắng ra đi để chăm sóc con gái. Hai tiếng một lần, bà lật người, bón cơm, chăm sóc con từng chút. Tóc bà bạc trắng chỉ sau vài ngày.
Thương mẹ, Trác Tác nuốt nước mắt, hạ quyết tâm phải sống tốt. "Đã ở đáy vực rồi, chỉ còn cách đứng lên", cô nói.

Tiêu Trác Tác, người sáng lập câu lạc bộ Nàng tiên cá, nơi giúp đỡ và truyền cảm hứng cho người khuyết tật vươn lên cuộc sống. Ảnh: 163
Ngày thứ 15 sau phẫu thuật, Trác Tác bắt đầu tập phục hồi chức năng. Nằm trên tấm chăn trải đất, cô cố gắng lật người. Mỗi ngày, cô nghiến răng tập luyện suốt hai tiếng, khiến nhiều người bệnh xung quanh xúc động rơi nước mắt.
Ra viện, hai mẹ con thuê phòng gần bệnh viện để tiện trị liệu. Cuộc sống khó khăn đến mức một bát bún hai người chia đôi. Trác Tác ăn bún, mẹ chấm nước dùng với bánh bao
Ánh sáng bắt đầu le lói khi các tình nguyện viên thường xuyên ghé thăm hỗ trợ hai mẹ con. Nhờ sự giúp đỡ của họ, Trác Tác lần đầu tiên tự vào được bồn cầu, lần đầu tự xỏ được tất.
Kể từ đó, cuộc sống của Tiêu Trác Tác có một hướng đi mới. Cô quản lý nhóm công ích, tổ chức sự kiện, viết kế hoạch, làm chăm sóc khách hàng. Khi dốc sức giúp đỡ người khác, cô không còn thời gian chìm đắm trong nỗi đau của mình, dần chấp nhận sự tàn tật.
Năm 2009, Trác Tác gia nhập đội tình nguyện viên Chữ thập đỏ thành phố, thi lấy chứng và chính thức trở thành một nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp.
Một lần, Tiêu Trác Tác nhận được cuộc gọi cầu cứu từ một người mẹ. "Cô Tiêu ơi, con gái tôi Tiểu Ngọc mang thai 7 tháng, bây giờ sốt cao không hạ, vì là sản phụ có nguy cơ cao, không bệnh viện nào chịu nhận".
Sau khi hỏi kỹ, cô biết Tiểu Ngọc và chồng đều là người khuyết tật, họ khó khăn lắm mới có con. Trong thời gian mang thai, Tiểu Ngọc luôn cảm thấy mệt mỏi, nằm nhiều bị lở loét, điều trị không kịp thời dẫn đến sốt cao không hạ, tính mạng nguy kịch.
Tiêu Trác Tác lập tức liên hệ với giới truyền thông, kêu gọi những người có lòng hảo tâm quyên góp, liên hệ với các bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận. Sau khi sắp xếp mọi thứ đâu vào đấy, Tiểu Ngọc và con cuối cùng cũng vượt qua cơn nguy kịch.
Trong những năm qua, số người được Tiêu Trác Tác giúp đỡ không thể đếm xuể. Nhưng những gì cô muốn làm không dừng lại ở đó. Cô còn thành lập "Đội chạy xe lăn Nàng tiên cá" với hơn 300 thành viên, hoạt động ở hơn 10 thành phố. Trung tâm dịch vụ công ích và đoàn diễn thuyết, đoàn nghệ thuật Nàng tiên cá đã đi biểu diễn trên toàn quốc, gây được tiếng vang. Trác Tác đã nhận được nhiều bằng khen của trung ương và thành phố.
Năm 2017, trong một hoạt động tình nguyện, cô quen biết Hứa Trị Huy. Chàng trai ngay từ đầu đã ấn tượng với cô gái xinh đẹp, kiên cường và đầy nhiệt huyết. Nhưng Trác Tác có một vết thương trong lòng nên không dám đón nhận tình cảm.
Hứa Trị Huy không nản lòng. Anh quyết định dùng hành động để tiến gần cô. Anh tìm nhiều video ngắn trên mạng, học hỏi các kỹ thuật khác nhau, mỗi ngày xoa bóp và ấn huyệt giúp cho Trác Tác vận động. Sự đồng hành là lời tỏ tình dài lâu nhất, cuối cùng Trác Tác cảm động trước sự kiên trì của Trị Huy.
Khi cầu hôn, chàng trai nói: "Sau này anh sẽ là người phục vụ của em. Em thích làm công tác xã hội, anh sẽ cùng theo đuổi ước mơ".

Vợ chồng Trác Tác kết hôn năm 2019. Ảnh: 163
Họ kết hôn năm 2019 và tới cuối năm đón con trai đầu lòng. Dù cuộc sống có con nhỏ bận rộn, công tác xã hội vẫn quan trọng với Trác Tác. Từ khi con trai mới vài tháng tuổi, mỗi khi vợ tổ chức các hoạt động công ích, chồng cô hoặc người thân luôn bế con cùng tham gia.
Một ngày đầu tháng 1/2025, trời nắng đẹp, vợ chồng Tiêu Trác Tác đưa con trai cùng các tình nguyện viên đến chợ tình nguyện học ở Vũ Hoa, thành phố Trường Sa để vẽ tranh thủy mặc, làm đồ thủ công. Hôm đó, Trác Tác lăn xe lăn khắp nơi rao hàng quảng bá giúp bạn bè khuyết tật.
Bảo Nhiên (Theo 163)